Hàng loạt thành viên công đoàn nhà máy Boeing ở Seattle và Portland (Mỹ) ngừng làm việc từ 13/9 sau khi 96% từ chối thỏa thuận về hợp đồng 4 năm. Sự cố dẫn tới chuỗi sản xuất dòng tàu bay bán chạy nhất của hãng bị đình trệ.
Theo Reuters, đây là đợt đình công lớn nhất của ông lớn sản xuất tàu bay Mỹ từ 2008, diễn ra trong bối cảnh Boeing gặp sức ép từ cơ quan quản lý Mỹ và khách hàng sau sự cố bung tấm bịt cửa 737 MAX hồi tháng 1.
Cuộc đình công sẽ làm gián đoạn khâu sản xuất máy bay thương mại tại một trong những công ty sản xuất lớn nhất của Mỹ, cũng là là đơn vị khẩu lớn nhất của nước này, tiềm tàng mối nguy tới nền kinh tế nội địa. Tùy thuộc vào thời gian diễn ra, đình công có thể gây thiệt hại cho gần 10.000 nhà cung cấp của Boeing ở cả 50 tiểu bang của Mỹ.
Trong thông báo chung ngày 8/9, lãnh đạo của cả Boeing và Hiệp hội thợ máy và nhân viên hàng không quốc tế (IAM), đại diện cho hơn 30.000 nhân viên đã nhất trí về việc tăng lương 25% trong suốt thời hạn 4 năm của hợp đồng lao động.
Thỏa thuận này còn bổ sung các lợi ích khác cho nhân viên, cũng như hứa hẹn việc chế tạo dòng tàu bay phản lực thương mại mới tại một nhà máy có công đoàn. Nếu không có hợp đồng bao gồm điều khoản này, Boeing có thể quyết định chế tạo máy bay tại một nhà máy không có công đoàn.
Một số lãnh đạo công đoàn cho biết đây là"hợp đồng tốt nhất mà chúng tôi từng đàm phán trong lịch sử".
Tuy nhiên, 95% thành viên của công đoàn Hiệp hội thợ máy và nhân viên hàng không quốc tế (IAM) đã bỏ phiếu chống lại thỏa thuận. Trong một cuộc bỏ phiếu riêng, 96% đã bỏ phiếu cho phép đình công, dễ dàng vượt qua ngưỡng 2/3 cần thiết để chấp thuận đình công. Cuộc đình công bắt đầu lúc rạng sáng 13/9 (giờ địa phương).
“Đây là cuộc chiến vì tương lai của chúng ta,” Jon Holden, Chủ tịch của District 751, chi nhánh IAM lớn nhất tại Boeing, cho biết khi công bố kết quả bỏ phiếu. Vị này cho biết IAM có thể quay lại đàm phán để thúc đẩy những vấn đề mà các thành viên cho là quan trọng.
Boeing cũng muốn tiếp tục đàm phán để đạt được thỏa thuận mới.
Theo The New York Times, Kelly Ortberg - Tổng giám đốc điều hành mới của Boeing - trước đó động viên nhân sự chấp thuận thỏa thuận. "Một cuộc đình công sẽ khiến quá trình phục hồi chung của chúng ta gặp nguy hiểm, ảnh hưởng thêm tới lòng tin của khách hàng", ông cho biết trong một tuyên bố hôm 11/9.
Boeing có tổng cộng 150.000 nhân sự tại Mỹ, gần một nửa ở tiểu bang Washington, ước tính đóng góp cho nền kinh tế nước này 79 tỷ USD mỗi năm, hỗ trợ 1,6 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp.
"Tôi sẵn sàng đình công 2 tháng hoặc thậm chí lâu hơn. Hãy tiếp tục cho tới khi chúng ta đạt được những gì xứng đáng", James Mann (26 tuổi), công nhân bộ phận cánh tàu bay của Boeing, cho biết.
Nếu tiếp tục kéo dài, cuộc đình công sẽ gây áp lực lên nhiều hãng bay phụ thuộc vào tàu bay của Boeing và các nhà cung cấp sản xuất phụ tùng và linh kiện cho máy bay của hãng.
Tổng giám đốc điều hành Air India Campbell Wilson cho biết việc giao tàu bay 737 MAX cho hãng hàng không này đã "bị chậm một chút" ngay cả trước khi có thông báo đình công, do sự giám sát của cơ quan quản lý sau sự cố bung tấm bịt cửa máy bay Alaska Airlines và các vấn đề về chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến toàn ngành.
Theo công ty tài chính TD Cowen, một cuộc đình công kéo dài 50 ngày có thể khiến Boeing mất 3-3,5 tỷ USD.
Cuộc đình công gần đây nhất của công nhân Boeing diễn ra năm 2008, khiến các nhà máy đóng cửa suốt 52 ngày, ước tính doanh thu giảm 100 triệu USD/ngày.
S&P Global Ratings cho biết một cuộc đình công kéo dài có thể quá trình phục hồi của hãng sản xuất máy bay này và gây tổn hại đến xếp hạng chung của hãng. Theo Reuters, cả S&P và Moody's đều xếp hạng tín nhiệm Boeing ở mức rất thấp.
Nhà Trắng chưa đưa ra phản hồi trước yêu cầu bình luận.