Vietnamairlines

Làm thế nào để Vietnam Airlines thoái vốn khỏi Pacific Airlines?

An Huy 28/08/2024 08:41

Việc thoái vốn của Vietnam Airlines khỏi Pacific Airlines phải được đấu giá công khai. Nếu đấu giá không thành công thì chào bán cạnh tranh, cuối cùng là thỏa thuận nếu 2 phương án trên không thực hiện được.

Trong 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận hơn 4.665 tỷ đồng thu nhập nhờ được xóa nợ. Khoản thu này đóng góp phần lớn vào lợi nhuận hợp nhất của hãng hàng không quốc gia, giúp Vietnam Airlines giảm lỗ lũy kế và tình trạng âm vốn chủ sở hữu.

Thông tin từ hãng bay cho biết khoản thu nhập bất thường có được sau khi Pacific Airlines, hãng hàng không giá rẻ thuộc Vietnam Airlines, thực hiện kế hoạch trả lại các tàu bay và được bên cho vay xóa các khoản nợ phải trả, bắt đầu từ cuối năm ngoái.

Đến ngày 18/3, Pacific Airlines hoàn trả toàn bộ tàu bay và ghi nhận thu nhập từ xóa nợ khoảng 3.000 tỷ đồng trong quý I và hơn 1.600 tỷ đồng trong quý II. Ước tính, Pacific Airlines ghi nhận tổng cộng khoảng 220 triệu USD (5.500 tỷ đồng) từ việc hoàn trả lại toàn bộ đội bay A320.

Việc ghi nhận thu nhập và lợi nhuận từ xóa nợ chỉ giúp tình hình tài chính của Vietnam Airlines được cải thiện về mặt sổ sách. Giao dịch này không làm tăng dòng tiền cho Vietnam Airlines. Ngược lại, hãng sẽ phải cung cấp một số tàu bay cho Pacific Airlines vận hành để duy trì Giấy chứng nhận Người khai thác tàu bay và Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Sau khi được xóa nợ từ các bên cho thuê tàu bay, Pacific Airlines vẫn còn các khoản nợ khác phải trả cùng với tình trạng âm vốn chủ sở hữu do các khoản thua lỗ hàng nghìn tỷ kéo dài. Đây là lý do khiến Vietnam Airlines không thể thoái vốn khỏi hãng bay giá rẻ này.

opensky_pacificairlines.jpg
Vietnam Airlines hiện nắm gần 99% vốn của Pacific Airlines và chưa thể thoái vốn. Ảnh minh họa: Khánh Huyền.

Theo quy định hiện hành, việc thoái vốn khỏi Pacific Airlines phải đấu giá công khai, nếu đấu giá không thành công thì chào bán cạnh tranh, cuối cùng là thỏa thuận nếu 2 phương án trên không thực hiện được.

Tuy nhiên theo luật chứng khoán, điều kiện đấu giá công khai (hay chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) là doanh nghiệp phải có lãi 2 năm liền trước khi đấu giá và không có lỗ lũy kế.

Để tháo gỡ vướng mắc này, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Theo đó, việc chuyển nhượng cổ phần tại Pacific Airlines có thể thực hiện theo Luật Doanh nghiệp 2020, bằng hình thức hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Giải pháp thoái vốn của Vietnam Airlines tại Pacific Airlines nằm trong đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hãng hàng không quốc giá do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sau gần 3 năm thực hiện, vướng mắc pháp lý vẫn chưa được giải quyết khiến Vietnam Airlines không thể tìm nhà đầu tư tham giá tái cơ cấu hãng bay giá rẻ đầu tiên của Việt Nam.

Liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, một dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới được lấy ý kiến và đang được xem đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm nay. Cơ quan soạn thảo dự kiến trình Quốc hội khóa XV xem cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Trong dự thảo luật này, cơ quan soạn thảo cũng cho rằng việc chuyển nhượng vốn của Vietnam Airlines tại Pacific Airlines và Skypec đang gặp vướng mắc. Nguyên nhân là các doanh nghiệp này không đáp ứng điều kiện quy định dẫn đến không thể thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng, từ đó không thực hiện được các bước tiếp theo của việc thoái vốn.

Nếu Nghị định 91 không được sửa đổi sớm, Vietnam Airlines có thể phải chờ Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2026 để có cơ sở pháp lý thoái vốn khỏi Pacific Airlines.

Hồi đầu năm, một nghị định khác cũng được Ủy ban chứng khoán Nhà nước (SSC) lấy ý kiến để sửa đổi giúp Vietnam Airlines có thể hưởng lợi lớn về mặt chính sách. Cụ thể, SSC dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Theo dự thảo sửa đổi, Điều 120 trong nghị định quy định về cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc sẽ được bổ sung thêm khoản 7 với nội dung: "Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định".

Quy định này được xem là cơ sở pháp lý mở đường cho trường hợp duy trì niêm yết đặc biệt là hãng hàng không quốc gia. Nguyên nhân là Vietnam Airlines công bố báo cáo tài chính 2022 kiểm toán với khoản lỗ lớn dẫn đến tình trạng thua lỗ 3 năm liên tiếp, tổng lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp và vốn chủ sở hữu âm.

Năm 1991, Hãng hàng không Pacific Airlines được thành lập với các cổ đông là doanh nghiệp nhà nước. Năm 2007, Tập đoàn Qantas mua 30% cổ phần Pacific Airlines và hãng đổi tên thành Jetstar Pacific Airlines. Đến năm 2012, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã chuyển giao 68% vốn tại Jetstar Pacific cho Vietnam Airlines. Đến tháng 7/2020, Jetstar Pacific trở về tên khai sinh Pacific Airlines.

Trong quý 1/2022, Vietnam Airlines tiếp nhận 30% cổ phần do Qantas tặng nên nắm gần 99% vốn của Pacific Airlines, 1% còn lại của một cổ đông khác.

Dù được đầu tư từ Qantas Group nhưng kể từ khi hoạt động Pacific Airlines liên tiếp thua lỗ. Trong giai đoạn 2009-2021, hãng bay chỉ có lãi 3 năm, 9 năm còn lại thua lỗ. Ba năm 2020-2022, năm nào hãng này cũng thua lỗ hơn 2.000 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Làm thế nào để Vietnam Airlines thoái vốn khỏi Pacific Airlines?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO