Khoản vay tái cấp vốn cho Vietnam Airlines chỉ được xem là giải pháp tình thế. Để phát triển bền vững, bản thân hãng và Chính phủ còn cần tìm được giải pháp căn cơ.
Trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV ngày 29/6, Quốc hội đã thông qua nghị quyết, trong đó có nội dung cho phép Vietnam Airlines được gia hạn khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng của theo Nghị quyết số 135/2020.
Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu; tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 5 năm; lãi suất 0% và không tài sản bảo đảm.
Trước những khó khăn Vietnam Airlines đang đối mặt, việc gia hạn gói nợ này được đánh giá là giải pháp tình thế phù hợp.
Trong suốt quá trình thảo luận ở nghị trường, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự quan tâm đối với chính sách ảnh hưởng lớn đến hãng hàng không quốc gia trong giai đoạn trước mắt. Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, ủng hộ Quốc hội cho phép gia hạn gói nợ của Vietnam Airlines vì đây là "con đẻ của quốc gia, thương hiệu quốc gia".
Tuy nhiên, ông đặt câu hỏi giả sử sau khi được hỗ trợ, "hãng vẫn báo lỗ thì sao?", Nhà nước lấy tiền ra hỗ trợ lại lỗ tiếp "thì nguy hiểm".
Chia sẻ với OpenSky, tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên (nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội) cho rằng khoản vay 4.000 tỷ đồng mà Vietnam Airlines được nhận là phù hợp và chính đáng để tháo gỡ khó khăn.
Việc đại biểu Quốc hội băn khoăn về phương án gia hạn trả nợ của hãng "cũng hoàn toàn chính đáng". Song, băn khoăn này phải được đặt trong bối cảnh của kinh tế Việt Nam. Ở trường hợp cụ thể của Vietnam Airlines, Chính phủ là đại diện chủ sở hữu, đương nhiên có trách nhiệm không được làm thất thoát tài sản của Nhà nước.
Hỗ trợ Vietnam Airlines là chính đáng và phải có cái nhìn sòng phẳng với doanh nghiệp này
Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên
Ông Kiên cho rằng trong trường hợp này, các doanh nghiệp như Vietnam Airlines là công cụ được Nhà nước sử dụng để vừa thực hiện các nhiệm vụ chính trị, vừa đầu tư vào sản xuất kinh doanh để tạo ra lợi nhuận, tạo ra nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Vì vậy, khi doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn, Chính phủ cần có biện pháp tăng hay vay vốn, gia hạn nợ, cùng các chính sách hỗ trợ khác để không làm mất vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Thời gian qua, quá trình này chậm trễ do Chính phủ rơi vào tình thế vừa là chủ sở hữu, vừa là cơ quan quản lý. Để nhận được sự đồng tình của các cơ quan có thẩm quyền, Chính phủ phải thực hiện rất kỹ trách nhiệm giải trình để chứng minh cho dư luận xã hội thấy rằng việc hỗ trợ Vietnam Airlines là chính đáng.
"Khi Nhà nước hỗ trợ giảm thuế phí cho các cảng hàng không thì được cho là bình đẳng với doanh nghiệp. Nhưng khi hỗ trợ cho Vietnam Airlines thì lại bị đặt lên bàn cân so sánh với các hãng bay khác. Theo tôi, cần so sánh xem các hãng bay khác đã được chủ đầu tư của họ hỗ trợ thế nào thì mới sòng phẳng", ông Kiên bày tỏ.
Bên cạnh đó, việc Vietnam Airlines có thể trả nợ được không, ông Kiên nhận định cần “dựa trên nguyên tắc họ làm được”. Góc nhìn đúng ở đây theo ông Kiên là căn cứ vào thực tế.
“Vietnam Airlines trả được nợ đúng hạn là phương án trung bình. Tình hình tốt hơn thì doanh nghiệp có thể trả sớm, song nếu tình hình xấu đi, thời gian trả nợ cũng có thể tiếp tục kéo dài”, ông Kiên nhận định.
Trên thực tế, hãng bay đã nỗ lực và có biện pháp quyết liệt nhằm giải quyết bài toán kinh doanh. Lấy ví dụ từ chính Pacific Airlines, đơn vị thành viên của Vietnam Airlines, đã phải trả hết tàu bay và thuê lại chính 3 tàu của hãng mẹ để giữ giấy phép hoạt động. Nhờ động thái này, Vietnam Airlines ghi nhận khoản lãi kỷ lục trong quý đầu năm 2024.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng không thể nhìn vào đó và đánh giá kết quả kinh doanh của hãng. Khoản lãi này phần lớn do hoạt động tài chính, hết 6 tháng đầu năm “chưa chắc còn được như vậy”.
Đặt lên bàn cân so sánh giữa khoản vay 4.000 tỷ đồng của Vietnam Airlines với khoản nợ 58.000 tỷ đồng, sẽ thấy quy mô khoản vay trên thực tế không lớn đối với một doanh nghiệp “đầu tàu”. Vấn đề khiến nhiều người lo ngại là khoản vay này đã được gia hạn và đợt này lại gia hạn tiếp.
Song, để đánh giá khách quan, cần nhìn lại thực tế là trong giai đoạn 2021-2023, Vietnam Airlines liên tiếp lỗ nặng do chịu ảnh hưởng khách quan của nền kinh tế, của thị trường hàng không. Ngay từ thời điểm trải qua khủng hoảng do Covid-19 gây ra, hãng đã chủ động tìm kiếm các giải pháp để tự tái cơ cấu, nhưng không thể thực hiện sớm do chịu ràng buộc bởi các vấn đề cơ chế.
Qua 4 năm, hãng lỗ tổng cộng trên 32.000 tỷ. Chính vì vậy, nếu không được gia hạn nợ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình thanh khoản, khả năng duy trì hoạt động cũng như có nguy cơ phá sản.
Cứu lấy hãng lúc này chính là để “bảo vệ thương hiệu quốc gia" và đặc biệt là vốn Nhà nước.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong tất cả các phương án đã được thảo luận như phát hành thêm cổ phần, phát hành trái phiếu thì tái cấp vốn hỗ trợ Vietnam Airlines là “khả thi nhất hiện nay”.
Ông nhấn mạnh thêm một lần nữa đây vẫn chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu là ngay cả việc tái cấp vốn 3 lần cũng phải được thực thi một cách có hiệu quả.
Trong Nghị quyết của kỳ họp thứ 7 cũng giao nhiệm vụ này cho Chính phủ, yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các đơn vị có liên quan xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện cam kết trước Quốc hội về hiệu quả việc triển khai các giải pháp để cho vay tái cấp vốn.
Quốc hội nhấn mạnh đến việc gia hạn cấp vốn, nhưng việc sử dụng có hiệu quả các giải pháp tái cấp vốn là điều quan trọng nhất.
Việc tìm ra giải pháp căn cơ đã được đại biểu Đặng Bích Ngọc nêu ra tại nghị trường. Theo bà, giải pháp đó chính là tái cơ cấu tài chính nguồn vốn, tăng vốn điều lệ, thoái vốn tại các doanh nghiệp thành viên. Thực hiện tốt việc này mới giải quyết được 2 mục tiêu cho Vietnam Airlines là vừa có dòng tiền để xử lý thâm hụt, vừa có thu nhập để xử lý vấn đề âm vốn chủ sở hữu.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, Đề án tổng thể sớm phục hồi và phát triển bền vững của Vietnam Airlines được xây dựng từ đầu năm 2021, đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Bà Ngọc đề nghị Chính phủ làm rõ vướng mắc để sớm ban hành nội dung này.
Về phía Vietnam Airlines đã có nhiều nỗ lực triển khai, thực hiện các giải pháp tự thân, cơ cấu lại tổ chức, hoạt động cũng như tiết giảm chi phí, cơ cấu lại nợ vay, nhờ đó góp phần giảm lỗ. Trước tình hình hiện tại, hãng cần có các giải pháp tổng thể mới đảm bảo vượt qua khó khăn, sớm phục hồi và phát triển bền vững.
Tại Nghị quyết kỳ họp, Quốc hội cũng lưu ý rằng về lâu dài thì cần phải có giải pháp căn cơ toàn diện tái cấu trúc Vietnam Airlines nói riêng và ngành hàng không nói chung.
Nhiệm vụ này được giao rất rõ cho Chính phủ, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các cơ quan liên quan và Tổng công ty Hàng không Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển toàn diện, khẩn trương hoàn thiện đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn để sớm phục hồi và phát triển.
Đặc biệt, cần đẩy nhanh cơ cấu lại toàn diện Vietnam Airlines, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện cam kết trước Quốc hội về hiệu quả của việc triển khai giải pháp về cho vay tái cấp vốn. Các cơ quan tăng kiểm tra, kiểm toán, giám sát để thực hiện giải pháp này bảo đảm đúng quy định.
Còn theo tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, bản thân Vietnam Airlines đã rất quyết liệt để tự cứu mình, câu chuyện tiếp theo nằm ở việc Nhà nước có kiên định cứu không, có tìm cách để không bị mất vốn không.
Ông cho rằng ở thời điểm hiện tại hãy khoan bàn đến vấn đề “lập hãng hàng không bay phải có lãi” bởi thực tế, khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ vẫn còn “quá nhỏ bé, quá chậm”, dẫn đến việc “chưa đạt hiệu quả như mong muốn”.