Các khoản lợi nhuận từ xóa nợ không tạo ra tiền, hoạt động bán tài sản diễn ra chậm chạp khiến đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines chỉ còn trông đợi vào thị trường hàng không phục hồi.
Tổng công ty hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines công bố báo cáo tài chính quý II ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.034 tỷ đồng, nâng lũy kế lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 5.475 tỷ đồng. Đóng góp phần lớn vào khoản lợi nhuận này là thu nhập từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay của Pacific Airlines.
Ban lãnh đạo Vietnam Airlines đã thực hiện nhiều giải pháp giảm chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ… nhưng trên thực tế hoạt động kinh doanh hàng không cốt lõi của hãng vẫn còn nhiều khó khăn do thị trường phục hồi chưa như kỳ vọng và chi phí hoạt động, chí phí tài chính ở mức cao.
Báo cáo từ công ty mẹ Vietnam Airlines cho thấy sau khi có lãi trong quý I nhờ cao điểm Tết Nguyên Đán, hãng tiếp tục lỗ hoạt động trong quý II khoảng 300 tỷ đồng do đây là mùa thấp điểm trong hoạt động vận tải hàng không.
Điếm tích cực là số lỗ đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (hơn 1.000 tỷ đồng). Vietnam Airlines cho biết đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa và hầu hết đường bay quốc tế, đồng thời mở thêm các đường bay mới giúp doanh thu tăng 25%.
Tuy nhiên, chi phí hoạt động của hãng vẫn tăng 18,6% do giá vốn tăng và chi chí tài chính, quản lý doanh nghiệp, bán hàng ở mức cao dẫn đến công ty mẹ không có lãi.
Trong khi đó, các công ty con và liên kết của Vietnam Airlines cũng hoạt động kém hiệu quả hơn so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19.
Nằm trong đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines giai đoạn 2021-2025, từ cuối năm ngoái, Pacific Airlines đã bắt đầu ghi nhận các khoản thu nhập bất thường do bên cho thuê máy bay xóa nợ. Đây là nhóm giải pháp tái cơ cấu tài sản, danh mục đầu tư cũng như sắp xếp lại đội bay…
Đến ngày 18/3, hãng hoàn trả toàn bộ tàu bay và ghi nhận thu nhập từ xóa nợ khoảng 3.000 tỷ đồng trong quý I và hơn 1.600 tỷ đồng trong quý II. Ước tính Pacific Airlines ghi nhận tổng cộng khoảng 220 triệu USD (5.500 tỷ đồng) từ việc hoàn trả lại toàn bộ đội bay A320.
Khoản lợi nhuận này đã góp phần giảm tình trạng âm vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines từ 17.000 tỷ đồng cuối năm ngoái xuống còn 11.533 tỷ đồng. Lãnh đạo hãng hàng không quốc gia kỳ vọng đến cuối năm 2025 sẽ hết âm vốn chủ sở hữu.
Sau khi hoàn trả đội bay cũ, Pacific Airlines thuê lại 3 tàu bay của công ty mẹ để duy trì hoạt động. Vietnam Airlines từng thông báo mời nhà đầu tư có năng lực tham gia tái cơ cấu hãng bay này.
Trước đó, Vietnam Airlines đã chuyển nhượng thành công 35% vốn góp tại hãng hàng không Cambodia Angkor Air (K6) thu về 35 triệu USD. Tuy nhiên, quy trình lựa chọn nhà đầu tư ở Pacific Airlines được cho là gặp rất nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách theo các quy định hiện hành đối với doanh nghiệp Nhà nước.
Đầu năm ngoái, hãng cũng thông báo về kế hoạch chuyển nhượng vốn tại Công ty nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec). Đây là doanh nghiệp được Chính phủ yêu cầu Vietnam Airlines chuyển giao về PVN từ tháng 9/2022 nhưng chưa thực hiện.
Đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines giai đoạn 2021-2025 nhằm đưa hãng hàng không quốc gia thoát khỏi tình trạng khó khăn về tài chính do ảnh hưởng của dịch Covid-19 có 3 nhóm giải pháp quan trọng gồm: Phục hồi hoạt động kinh doanh; cơ cấu tài sản, danh mục đầu tư và phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu.
Đến nay, ngoài việc phát hành cổ phiếu tăng vốn thành công, hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines phục hồi yếu và quá trình bán tài sản diễn ra chậm do vướng mắc nhiều quy định và thị trường không thuận lợi.
Tháng 9/2021, hãng phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu huy động 8.000 tỷ đồng, trong đó vai trò cổ đông Nhà nước được giao cho Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC rót gần 7.000 tỷ đồng. Trong đợt tăng vốn này, cổ đông chiến lược ANA Holdings không tham gia và tặng toàn bộ quyền mua cho cán bộ, công nhân viên của Vietnam Airlines.
Việc SCIC đầu tư vào Vietnam Airlines nằm trong gói giải pháp 12.000 tỷ đồng hỗ trợ hãng hàng không quốc gia được Quốc hội thông qua năm 2021. Khoảng 4.000 tỷ đồng còn lại là khoản vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi từ 3 ngân hàng thương mại là SHB, SeAbank và MSB. Khoản vay này mới đây được Quốc hội đồng ý gia hạn do Vietnam Airlines vẫn còn khó khăn về tài chính.
Mới đây Vietnam Airlines nhận thêm một tàu bay thân rộng Boeing 787-10 nhằm tăng khả năng cung ứng trong dịp cao điểm, đặc biệt là các đường bay quốc tế đang phục hồi nhanh. Trong 6 tháng đầu năm, lượng khách bay quốc tế phục hồi gần bằng mức trước đại dịch. Đây có thể là yếu tố thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines nhờ sở hữu đội tàu bay thân rộng 30 chiếc.
Tuy vậy, Vietnam Airlines đánh giá môi trường kinh doanh vẫn sẽ phải đối mặt với các khó khăn trong 6 tháng cuối năm như xung đột lan rộng ở châu Âu và Trung Đông hay cạnh tranh ở thị trường quốc tế gia tăng nhanh chóng khi các hãng hàng không nước ngoài tăng cường hoạt động khai thác đến Việt Nam.