tạp chí bầu trời

Cần Thơ: Những suất cơm nghĩa tình

Sau khi TP Cần Thơ thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, quán cơm chay thiện nguyện 1.000 đồng và cửa hàng 0 đồng, đã hoạt động trở lại, tiếp tục là nơi giúp những người có hoàn cảnh khó khăn có bữa cơm ấm lòng.

Hoạt động từ năm 2018, “Quán cơm 1.000 đồng” tại địa chỉ số 100, đường Trần Việt Châu, quận Ninh Kiều, do Hội Từ thiện TP Cần Thơ thành lập, từ lâu, đã nổi danh với những suất cơm bảo đảm dinh dưỡng với thực phẩm được chế biến rất khéo, phong phú, cùng thái độ phục vụ nhã nhặn, ân cần, vui vẻ của những tình nguyện viên. Ông Ngô Thành Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội Từ thiện TP Cần Thơ, cho biết: “Với những hỗ trợ của các nhà hảo tâm, tổ chức xã hội, quán có thể miễn phí cho bà con nhưng chúng tôi chủ trương lấy 1.000 đồng tượng trưng để bà con vui vẻ, không mặc cảm khi đến ăn. Ai không có tiền đóng góp cũng không sao, quán vẫn phục vụ”.

Trước đây quán tổ chức 2 bữa cơm trên ngày, mỗi bữa hơn 200 phần phục vụ những người nghèo, người cơ nhỡ, sinh viên xa nhà. Hoạt động suốt tuần, nghỉ ngày chủ nhật. Từ tháng 6-2021, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp TP Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội, quán tạm nghỉ và chuyển sang nấu đồ ăn bồi dưỡng, cung cấp cho các ca trực đêm tại những chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại các tuyến ở cửa ngõ thành phố,… Khi thành phố thực hiện trạng thái “Bình thường mới”, Ban điều hành quán nhanh chóng tổ chức lại hoạt động.

Sơ chế rau củ

Hiện quán chỉ phục vụ 01 bữa cơm trưa trên ngày và hoạt động suốt tuần. Mỗi ngày bộ phận đi chợ mua thực phẩm từ 5g khuya, sau đó mọi người cùng nhau sơ chế, nấu nướng. Trước đây khách ăn tại quán. Bây giờ, thực hiện 5K, các suất ăn cho vào hộp để khách mang về,…

Có mặt tại quán vào một ngày đầu tháng 11 này, tôi như hòa chung niềm vui với những tình nguyện viên. Mọi người tích cực làm việc. Bếp trưởng Phạm Thúy Nga chạy tới lui để nấu thức ăn. Anh Nguyễn Văn Bích, cô Ba và những tình nguyện viên khác nhặt rau, thái củ, quả, vo gạo, dọn dẹp. Khi cơm chín và thực phẩm chế biến xong, mọi người chia các phần cơm vào hộp. Hôm nay thức ăn có tàu hũ sốt nước tương, sườn chiên, đậu que luộc, bí xào, mướp xào. Chị Nguyễn Thị Phương vui vẻ cho biết “Tụi mình cố gắng thay đổi thức ăn mỗi ngày. Tuy không có món canh như trước nhưng mỗi phần ăn đều đảm bảo các món kho, đồ xào, rau luộc”.

Cho cơm vào hộp để khách mang về (Từ trái qua: Anh Nguyễn Văn Bích, ông Ngô Thành Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội Từ thiện TP Cần Thơ, “Bếp trưởng” Phạm Thúy Nga, chị Nguyễn Thị Hồng Vinh)

Gần 10g, các hộp cơm đã được chuẩn bị sẵn trên bàn,… Khoảng 11g, là lúc thực khách tập trung đông. Có người bỏ tiền vào thùng thiện nguyện có người không, nhưng ai cũng được thoải mái lấy cơm theo nhu cầu. Anh Châu Thanh Phong, chạy xe Honda ôm, nhà ở một con hẻm trên đường Hòa Bình, phường An Cư, xin 04 phần cơm, bộc bạch: “Nhà tui có 05 người, trong đó mẹ già gần 80 tuổi. Mấy tháng nay do dịch bệnh nên không ai làm ăn được, cuộc sống rất thắt ngặt. Bây giờ được chạy xe nhưng cũng ít khách. Quán ăn thiện nguyện này giúp gia đình tôi giảm phần nào khó khăn. Tôi mang ơn lắm”. Chị Nguyễn Thị Hòa, ở Khu vực 2, phường Thới Bình, bán vé số, xin 02 phần cơm, kể “Em ở với Má trong căn nhà tình thương. Từ khi quán hoạt động Má con em đều ăn cơm ở đây. Mấy Cô, Dì trong quán nấu ăn khéo lắm. Suất cơm 1.000 đồng mà ăn bao no. Nhờ có quán tiền bán vé số em có thể dành dụm chút đỉnh phòng khi xảy ra chuyện. Hồi quán nghỉ em buồn lắm. Bây giờ quán hoạt động lại Má con em mừng hết sức. Mong quán sẽ phục vụ 2 bữa trên ngày như trước”.

Cho cơm vào hộp để khách mang về (Từ trái qua: Anh Nguyễn Văn Bích, ông Ngô Thành Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội Từ thiện TP Cần Thơ, “Bếp trưởng” Phạm Thúy Nga, chị Nguyễn Thị Hồng Vinh)

Ông Ngô Thành Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội Từ thiện TP Cần Thơ, trải lòng “Từ khi lên ý tưởng thành lập quán chúng tôi đã nhận được sự động viên, hỗ trợ của nhiều đơn vị, nhà hảo tâm, đặc biệt là Câu lạc bộ Bất động sản KC Cần Thơ, các nhà hảo tâm như anh Lê Phương Đông, Hồ Quốc Việt, chị Nguyễn Thị Hồng Vinh, chị Nguyễn Thị Phương, anh Nguyễn Văn Bích. Các anh chị vừa tham gia đi chợ, nấu nướng vừa sẵn sàng “móc hầu bao” hỗ trợ khi quán cần. Nhiều tình nguyện viên khác đến giúp công. Trước đây phần lớn rau củ quả được các tiểu thương chợ Tân An hỗ trợ, nhà hảo tâm tặng gạo, mỗi tháng chúng tôi bù lỗ khoảng 7 triệu đồng để duy trì bếp ăn. Hiện nay các chợ chưa hoạt động trở lại, gạo vẫn được tặng nhưng   mọi thứ còn lại đều phải mua nên mỗi tháng bếp ăn cần hơn 30 triệu đồng mới có thể hoạt động,… May mắn là nhiều nhà hảo tâm vẫn ở bên Hội Từ thiện để đem lại những phần cơm cho người nghèo. Hiện nay mỗi ngày quán phục vụ 250 phần cơm. Có ngày 300 phần. Khoảng 12g là hết cơm. Nhiều bà con đến trễ, năn nỉ nhưng chúng tôi đành chịu. Nấu thêm nữa là không đủ sức”.

Quả thật, duy trì được Bếp ăn từ thiện trong điều kiện hiện nay là sự cố gắng rất lớn của các tấm lòng hảo tâm.  Mỗi khi quán hết gạo, cạn kinh phí, anh Lê Phương Đông, trưởng văn phòng Đại diện Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), lại “cầu cứu” trên group của Hội. Chị Nguyễn Thị Hồng Vinh, chị Nguyễn Thị Phương, tất bật vận động người quen, bạn bè để bếp lúc nào cũng đủ gạo, mắm, muối, dầu ăn,… Chị Vinh bộc bạch “Tụi mình thấy bà con khó khăn quá nên cố gắng giúp, mong chia sẻ phần nào với bà con,… Thấy bà con vui là tụi mình rất hạnh phúc”.

Cửa hàng 0 đồng

Cùng với quán cơm, của hàng 0 đồng hoạt động trở lại nhằm chia sẻ quần áo, vật dụng cũ như giày dép, túi xách, dụng cụ học sinh, cho những lao động, học sinh nghèo. Ông Lâm Minh Tấn, phụ trách cửa hàng, cho biết “Khi nhà hảo tâm trao tặng, tôi soạn lại, xếp vật dụng lên kệ. Còn quần áo thì giặt giũ trước khi treo trên. Mình làm kỹ chút để bà con yên tâm hơn khi xin đồ về dùng”.

Dịch Covid-19 đã khiến cuộc sống của người nghèo càng thêm thắt ngặt. Nhưng trong khó khăn càng làm sáng hơn tấm lòng thơm thảo của những người dân hào hiệp, nơi vùng đất Tây Đô nghĩa tình.

Phượng Nguyên – Đan Phượng

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận