Sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt trong tháng 9 tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2023. Điều này tạo nên áp lực cho các hãng bay trước mục tiêu sản lượng cả năm.
Theo quy luật chung, bắt đầu từ tháng 9 hàng năm, các hãng hàng không Việt Nam bước vào mùa thấp điểm kéo dài đến gần cuối tháng 12 với sản lượng vận chuyển hành khách giảm mạnh.
Khó đạt mục tiêu sản lượng vận chuyển hành khách cả năm
Sản lượng vận chuyển hành khách trong 9 tháng đầu năm nay vẫn còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu mà các hãng đề ra cho cả năm.
Theo đó, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO) đặt mục tiêu vận chuyển 18,073 triệu lượt hành khách nội địa và 8,98 triệu lượt hành khách quốc tế cho cả năm nay, nhưng đến hết tháng 9, Vietnam Airlines và 2 hãng hàng không trong nhóm mới vận chuyển được 12,8 triệu lượt hành khách nội địa và 5,494 triệu lượt hành khách quốc tế.
Như vậy, trung bình 3 tháng cuối năm nay, Vietnam Airlines Group phải vận chuyển được hơn 2,9 triệu hành khách/tháng để đạt được mục tiêu cả năm. Trong khi đó, tháng 7 - một trong những tháng cao điểm hè - Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO mới chỉ vận chuyển được hơn 2,36 triệu khách (tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2023).
Vietjet Air đặt mục tiêu vận chuyển 17,452 triệu lượt hành khách nội địa và 9,85 triệu lượt hành khách quốc tế cho cả năm, nhưng đến hết tháng 9 cũng chỉ vận chuyển được 11,5 triệu lượt hành khách nội địa và 7,53 triệu lượt hành khách quốc tế.
Áp lực hoàn thành mục tiêu sản lượng vận chuyển hành khách đối với 2 đơn vị đang nắm hơn 85% thị phần vận chuyển hàng không trong nước là rất lớn. Bởi tháng 10 và tháng 11 hàng năm thường là giai đoạn kinh doanh ảm đạm - thời kỳ các hãng bay thực hiện nhiều hoạt động bảo dưỡng, bảo trì đội tàu bay để đón đợt cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất ngành hàng không đang đối mặt đó là sụt giảm đội tàu bay. Tính đến ngày 15/9, số lượng tàu bay khai thác đăng ký quốc tịch Việt Nam là 213 chiếc, không tăng so với tháng 8 và giảm 36 máy bay so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, áp lực do tăng tỷ giá USD so với đồng nội tệ tại nhiều quốc gia trên thế giới, xung đột vũ trang tại một số quốc gia và khu vực... sẽ là gánh nặng đối với chi phí quản lý, vận hành, khai thác của hãng hàng không nói riêng cũng như các doanh nghiệp trong ngành hàng không nói chung trong quý IV.
Mùa thấp điểm đến sớm
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, tổng sản lượng vận chuyển hành khách của 6 hãng hàng không Việt Nam trong tháng 9 năm nay - tháng đầu tiên trong mùa thấp điểm đạt 4,5 triệu lượt (giảm 1,8% so với tháng 8). Trong đó, sản lượng vận chuyển hành khách nội địa đạt 3 triệu khách (giảm 3,5% so với tháng trước), sản lượng vận chuyển hành khách quốc tế đạt 1,5 triệu khách (tăng 1,6% so với tháng 8).
Cùng kỳ năm 2023, sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam tuy giảm tới 7% so với tháng 8/2023, nhưng vẫn đạt 5 triệu lượt khách, trong đó quốc tế đạt 1,55 triệu lượt và nội địa đạt 3,4 triệu lượt.
Sự sụt giảm về sản lượng vận chuyển hành khách đã xuất hiện ngay từ tháng 8. Theo đó, tính chung đến hết tháng 8, sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam đạt 5 triệu lượt (giảm 3,8% so với tháng 7), trong đó quốc tế đạt 1,5 triệu lượt, (tăng 2,3% so với tháng 7) và nội địa đạt 3,4 triệu lượt (giảm 6,3% so với tháng 7).
Trong kỳ nghỉ lễ 2/9 năm nay, dù có tới 4 ngày nghỉ liên tiếp, sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam chỉ đạt hơn 531.000 lượt (giảm 12% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, vận chuyển hành khách quốc tế đạt hơn 174.000 lượt (giảm 3,7%) và vận chuyển hành khách nội địa đạt 356.500 lượt (giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2023).
Theo quy luật chung, từ tháng 9 hàng năm, các hãng hàng không bắt đầu bước vào mùa thấp điểm với sản lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa đều giảm mạnh trước khi chờ giai đoạn thị trường tăng trở lại từ dịp Giáng sinh đến Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, mùa thấp điểm vận chuyển hàng không trong năm nay không chỉ đến sớm khi lượng khách đi lại đã chững lại ngay từ đầu tháng 8 mà có thể kéo dài đến hết tháng 12, dù giá vé máy bay trong nước đã giảm mạnh so với cao điểm hè.
Giá vé máy bay giảm, khách vẫn thờ ơ
So với giai đoạn cao điểm hè, bắt đầu từ cuối tháng 9, vé máy bay giảm khoảng 25% do vào mùa thấp điểm nhưng lượng khách quan tâm du lịch và mua vé thời điểm này thấp.
Chị Phương Hằng (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết giá vé máy bay chặng Hà Nội - Đà Nẵng từ tháng 10 đã rẻ hơn dịp cao điểm hè khá nhiều nhưng không bất ngờ. Hồi tháng 7, chị từng mua vé đi Đà Nẵng, giờ bay đêm với giá 3,8 triệu đồng khứ hồi, hiện tại bay giờ đẹp trong tuần tháng 11 khoảng hơn 2 triệu đồng khứ hồi, bay cuối tuần mức giá này cũng không chênh lệch quá nhiều.
"Giá vé rẻ nhưng đã hết hè, gia đình có con nhỏ cũng không thể đi chơi, chưa kể thời tiết hiện cũng không phù hợp nhất để đi du lịch", chị Hằng nói.
Theo khảo sát chiều 29/10, giá vé máy bay chặng Hà Nội - Phú Quốc cuối tháng 10, rẻ nhất vào khoảng 2,8 triệu đồng khứ hồi. Giờ bay lý tưởng có giá khoảng 3,4-4,5 triệu đồng. Giai đoạn hè, chặng này có giá khoảng 5 triệu đồng và từng trên mức 7 triệu đồng trong dịp lễ 30/4.
Với chặng Hà Nội - Nha Trang, giá vé khoảng 2,6 triệu đồng giờ bay bình thường và hơn 4 triệu đồng cho giờ bay đẹp.
Các chuyến bay từ TP.HCM cũng rẻ hơn so với cao điểm hè. Chặng TP.HCM - Đà Nẵng cuối tháng 10 có giá vé khoảng 2,6 triệu đồng, giờ bay bình thường. Đây là mức giá bình thường cho chặng này theo dữ liệu trung bình 12 tháng từ Google Flight.
Chặng TP.HCM - Phú Quốc giai đoạn tương tự có giá vé khứ hồi khoảng 1,6 triệu đồng cho giờ bay bình thường và hơn 2 triệu đồng cho giờ bay đẹp.
Trước đó theo dữ liệu từ Traveloka, lượng đặt và tìm kiếm vé máy bay của khách Việt tăng dần đều từ tháng 5 tới tháng 8. Tuy nhiên, từ tháng 9, lượng quan tâm giảm mạnh, lượt tìm kiếm giảm 38% và lượt mua giảm 50% so với tháng 8.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.