Trong nước

Thiếu tàu bay, thị phần các hãng bay Việt thay đổi thế nào trong 6 tháng đầu năm?

Vân Khanh 22/07/2024 05:07

Các hãng chủ động tìm phương án ứng phó trước tình trạng thiếu hụt tàu bay, đảm bảo hiệu quả hoạt động của ngành hàng không.

Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy trong 6 tháng đầu năm, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển hơn 17 triệu lượt khách nội địa, bằng 82% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo đó, Vietnam Airlines và Vietjet Air là hai hãng hàng không chiếm thị phần nội địa lớn nhất, lần lượt là 42% và 44%. Theo sau là Bamboo Airways chiếm 7%, Vietravel Airlines chiếm 3%, cuối cùng là Pacific Airlines và VASCO với 4%.

opensky_z62_6169.jpg
Các hãng hàng không nội địa phục vụ hơn 17 triệu khách nội địa tỏng 6 tháng đầu năm. Ảnh: Thắng Nguyễn.

Hệ số sử dụng ghế trên các đường bay nội địa về cơ bản được duy trì ở mức trên 80% và các đường bay quốc tế ở mức trên 70%. Trong đó, Vietravel Airlines là hãng có hệ số sử dụng ghế cao nhất, trên 90% với cả mạng đường bay nội địa và quốc tế.

Với thị trường quốc tế, sản lượng vận chuyển hành khách quốc tế đạt hơn 20 triệu lượt khách, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023. Số lượng lượt cất hạ cánh quốc tế tại các cảng hàng không có khai thác quốc tế cũng tăng trưởng ấn tượng.

Dữ liệu: Cục Hàng không Việt Nam.

Riêng với các hãng hàng không Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, các hãng vận chuyển gần 9 triệu lượt khách quốc tế, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 44% thị phần vận chuyển khách quốc tế.

Trong đó, thị phần của Vietnam Airlines và Vietjet Air lần lượt là 17,8% và 24,5%. Nhìn chung, các hãng vẫn duy trì ổn định thị phần vận chuyển hàng không quốc tế, khoảng 40-45% trong tương quan so sánh với các hãng hàng không nước ngoài.

Trong thời gian qua, thị phần nội địa giảm so với cùng kỳ 2023 và 2019 bởi các hãng đã phải điều chỉnh giảm cung ứng trên các đường bay nội địa do khó khăn về đội tàu bay.

Số tàu bay của các hãng hàng không nội địa. Dữ liệu: Cục Hàng không Việt Nam.

Tính tới tháng 7, tổng số tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam trên AOC (chứng chỉ nhà khai thác máy bay được nhà chức trách hàng không phê chuẩn) là 195 chiếc, giảm 36 chiếc so với cùng kỳ 2023.

Tỷ lệ tàu bay khai thác của các hãng hàng không Việt Nam trên tổng số tàu bay trong AOC của các hãng năm 2023 đạt 94,4%. Tỷ lệ này giảm còn 85,6% trong năm nay do ảnh hưởng của việc triệu hồi động cơ.

Hiện Vietnam Airlines còn 96 tàu bay, giảm 6 chiếc so với năm 2023 và đang khai thác 82 tàu bay.

opensky_.jpg
Vietnam Airlines vừa nhận thêm tàu bay A320neo. Ảnh: Khánh Huyền.

Trong tháng 6 và tháng 7, hãng khai thác tổng số chuyến bay trung bình/ngày đạt lần lượt là 401 chuyến và 433 chuyến, tăng tương ứng 19-21 chuyến/ngày so với cùng kỳ năm 2023.

Thời gian khai thác trung bình đội tàu bay đạt 13 giờ/tàu/ngày, tăng 22% so với năm 2023.

Còn Vietjet Air hiện khai thác 73/85 tàu bay của hãng. Tổng số chuyến bay khai thác trung bình trong tháng 6-7 đạt 416 chuyến/ngày, bằng với cùng kỳ năm 2023. Thời gian khai thác trung bình đội tàu bay tăng 11,5 % so với năm 2023, đạt 14,5 giờ/ngày.

Vietravel Airlines đang vận hành 3 tàu bay, có tổng số chuyến bay khai thác trung bình tháng 6-7 vào khoảng 22-24 chuyến/ngày, tăng 2-4 chuyến/ngày. Thời gian khai thác trung bình đội tàu bay của hãng đạt 11,5 giờ/ngày, tăng 21% so với năm 2023.

Bamboo Airways thực hiện việc tái cơ cấu đội tàu bay nên số lượng chuyến bay của hãng thời điểm hiện tại giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Hãng đang vận hành 8/9 tàu bay, đạt tỷ lệ khai thác 87,5%. Thời gian khai thác trung bình đội tàu bay của hãng đạt 12,5 giờ/ngày, tăng 20,1% so với năm 2023.

Trước tình hình thiếu hụt tàu bay, các hãng vẫn duy trì mạng đường bay nội địa với 50 đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM và 20 cảng hàng không trên cả nước.

Đồng thời, các hãng hàng không Việt Nam đã tích cực tìm kiếm, đàm phán thuê tàu bay nhằm bổ sung, thay thế cho các tàu bay đang dừng khai thác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thiếu tàu bay, thị phần các hãng bay Việt thay đổi thế nào trong 6 tháng đầu năm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO