Các hãng hàng không tăng cường phối hợp với địa phương để đưa sản phẩm bay đêm đến gần với du khách, song vẫn phải đối mặt với một số bất cập.
Tại một cuộc họp hồi tháng 7, đại diện Sở Du lịch TP.HCM đánh giá việc hàng không tăng cường các chuyến bay đêm là đúng với nhu cầu đi lại tăng cao của người dân và du khách trong cao điểm hè, đặc biệt là các nhóm khách lẻ, nhóm gia đình và khách hội nghị.
Đồng thời, các chuyến bay đêm còn góp phần hạ nhiệt giá vé nội địa, giúp du khách có thêm lựa chọn điểm đến dịp hè. Từ đó, kích cầu du lịch nội địa, thu hút thêm du khách đến các địa phương.
Sau TP.HCM, mới đây, Vietnam Airlines tiếp tục phối hợp với sở du lịch và các cơ sở lưu trú tại 6 tỉnh, thành trên cả nước triển khai gói sản phẩm du lịch ưu đãi cho khách bay khung giờ sáng sớm và tối muộn, gồm Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Nha Trang, Ninh Thuận, Đà Lạt và Phú Quốc.
Chia sẻ với OpenSky, ông Trương Công Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Hướng dẫn viên chuyên nghiệp Phú Quốc, đánh giá việc hãng hàng không kết hợp với các địa phương tạo thêm ưu đãi cho khách thông qua các chuyến bay đêm là "điều đáng mừng".
Từ đầu năm, ngành hàng không Việt Nam đối mặt với tình trạng thiếu hụt máy bay, ảnh hưởng đến khả năng khai thác của các hãng. Với tình hình cầu đang lớn hơn cung như hiện nay, ông Tâm cho rằng "không thể đòi hỏi chuyện bay giờ vàng với giá rẻ".
Khảo sát của Cục Hàng không Việt Nam vào đầu tháng 8 chỉ ra giá vé chặng Hà Nội - Phú Quốc có mức tối đa là 4 triệu đồng. Mức giá cao nhất của Vietnam Airlines cung cấp là 3,05 triệu đồng tương đương 76% mức tối đa, khởi hành sáng 8/8. Tuy nhiên, với chuyến bay vào khung giờ sáng sớm hoặc đêm muộn, giá vé chỉ từ 27% mức tối đa.
Với mức chênh lệch như trên, ông Tâm đánh giá bay đêm là một giải pháp phù hợp dành cho những du khách muốn tiết kiệm chi phí.
"Thay vì ở khách sạn 4-5 sao, du khách hoàn toàn có thể lựa chọn phòng nghỉ với các mức giá khác nhau vào đêm đầu tiên. Để tiết kiệm chi phí, giá phòng 300.000-450.000 đồng/đêm trên đảo hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của khách", ông Tâm dẫn chứng.
Ngoài đáp ứng về cơ sở lưu trú, đại diện ngành du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết địa phương còn có sản phẩm du lịch đêm đa dạng, có thể kết hợp giữa các doanh nghiệp dịch vụ tạo thành những gói sản phẩm riêng, phù hợp với nhu cầu du khách.
Chủ tịch Hiệp hội Hướng dẫn viên chuyên nghiệp Phú Quốc chia sẻ thêm đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức về chương trình ưu đãi cho hành khách bay đêm. Ông kỳ vọng gói sản phẩm này sẽ sớm được triển khai để du khách nội địa có thêm cơ hội đến với Phú Quốc.
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cũng nhận định từ trước đến nay các chương trình bay đêm vốn kén khách vì hạn chế về thời gian, phát sinh thêm chi phí khách sạn.
Tuy nhiên, gói sản phẩm kết hợp giữa hãng hàng không và ngành du lịch các địa phương cũng là cách định hướng du khách quen với việc bay đêm, giảm tải tần suất các chuyến bay ban ngày trong bối cảnh giá vé tăng.
Bên cạnh đó, việc các điểm lưu trú giảm giá là để cân bằng lợi ích cho khách bay đêm.
Tại TP.HCM, sau hai tháng thử nghiệm, Sở Du lịch sẽ cùng các doanh nghiệp ngồi lại, cân nhắc phát triển sản phẩm, có thể xây dựng thêm chương trình khuyến mại khác như dịch vụ đưa đón sân bay, gói ăn uống tại khách sạn.
Chia sẻ với OpenSky, ông Huỳnh Ngọc Thượng, Giám đốc khách sạn ÊMM Hotel Saigon, cho biết từ khi triển khai ưu đãi dành cho khách bay đêm phối hợp giữa Sở Du lịch TP.HCM và Vietnam Airlines, đơn vị mới chỉ nhận được một booking áp dụng chương trình này.
Ông Thượng cho biết công tác truyền thông và quảng bá đã được các đơn vị liên quan làm tốt. Không chỉ Sở Du lịch, hãng bay mà cả cơ sở lưu trú cũng tích cực thực hiện quảng bá, giới thiệu chương trình đến du khách.
Tuy nhiên, các chuyến bay đêm vẫn còn nhiều bất cập với du khách. Theo ông Thượng, dù có giảm giá vé và giá phòng, du khách vẫn cần thời gian di chuyển, nghỉ ngơi. Đặc biệt với nhóm khách đi công tác, họ sẽ ưu tiên trải nghiệm hơn là chi phí.
Vấn đề này cũng đã được ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Corp, đề cập tại một hội thảo về hàng không - du lịch trước đó. Ông cho rằng bay đêm "rất khó có khách" bởi thông thường những người có tiền đi du lịch "không ai chọn phải khổ sở" để bay vào khung giờ đó.
Nhìn nhận bay đêm chỉ phù hợp với việc bay charter (thuê chuyến), theo ông Kỳ, khi thị trường có nhu cầu như thời điểm dịp Tết hay các dịp lễ, nhu cầu của hành khách đi lại nhiều thì các hãng hàng không buộc phải tăng chuyến bay đêm để đáp ứng.
Song, đại diện một số đơn vị lữ hành lại cho rằng các sản phẩm bay đêm mở ra cơ hội để kích cầu người Việt đi du lịch nội địa nhiều hơn, trong bối cảnh khách đang có xu hướng chọn điểm đến nước ngoài.
Đặc biệt với nhóm khách lẻ, đi tự túc, họ có thể dễ dàng tìm kiếm, đặt dịch vụ vé và phòng với mức giá tốt hơn mà không cần tìm đến các công ty du lịch.
Trong tháng 5-6, Vietnam Airlines ghi nhận tỷ lệ lấp đầy các chuyến bay trong khung sau 21h đến trước 5h sáng hôm sau tới các điểm du lịch trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Quy Nhơn, Phú Quốc… đạt cao từ 75% đến 94%.
Hãng hàng không quốc gia đánh giá kết quả tích cực này có được từ việc triển khai đồng loạt, hợp tác giữa hãng và các tỉnh, thành phố, đối tác.
Tại TP.HCM, sản phẩm bay đêm liên kết giữa Vietnam Airlines và 16 khách sạn trên địa bàn thành phố được khởi động từ 15/7. Các cơ sở lưu trú tham gia chương trình phải là đơn vị có quyết định công nhận hạng sao còn hiệu lực hoặc đạt điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ phục vụ khách du lịch theo quy định.
Chương trình thử nghiệm của thành phố kéo dài đến tháng 9. Trước mắt, sản phẩm này chỉ bao gồm dịch vụ vé máy bay và lưu trú, hướng đến đối tượng khách lẻ, du lịch tự túc.
Chương trình ưu đãi của Vietnam Airlines phối hợp cùng các địa phương áp dụng cho khách hàng có chuyến bay từ sau 21h đến trước 6h sáng và thời gian lưu trú tối thiểu từ 2 đêm. Mỗi cơ sở có chính sách ưu đãi và điều kiện áp dụng khác nhau.
Để nhận ưu đãi, hành khách sử dụng từ khóa "BAYDEM" khi đặt phòng qua hotline hoặc website của khách sạn và xuất trình thẻ lên tàu bay trùng thông tin người đặt phòng khi nhận phòng tại cơ sở. Ngày bay trên thẻ lên tàu bay là ngày nhận phòng hoặc trước ngày nhận phòng một ngày.