Trong nước

Nghịch lý hàng không - du lịch Việt Nam

Văn Lý 01/10/2024 06:45

Trước đây, mùa cao điểm hàng không - du lịch nội địa Việt Nam thường vào khoảng tháng 6 đến hết tháng 8 hàng năm, trong khi cao điểm quốc tế lại bắt đầu từ tháng 10 đến hết tháng 4 năm sau. Mùa cao điểm vừa qua để lại những dấu ấn khác thường.

openskky_san bay 724 (58)
Ảnh: Khánh Huyền.
Mục lục

Tính đến tháng 9, các hãng bay trong nước có tổng cộng 195 tàu bay, giảm 36 chiếc so với 2023. Trong đó, số tàu bay khai thác là 167 chiếc (tỷ lệ khai thác 85,6%), giảm 51 chiếc so với năm ngoái.

Dự kiến đến hết năm nay, Vietnam Airlines sẽ có thêm 2 chiếc Airbus A320 và một tàu bay Boeing 787-10. Vietjet Air dự kiến nhận 7-9 tàu bay A321 và A330 cho giai đoạn còn lại của năm, trong đó có kế hoạch nhận 2 chiếc A321 trong tháng 10, số còn lại chưa thấy triển khai thực tế. Hãng bay này cũng đã nhận và đang chuẩn bị đưa vào khai thác 2 tàu bay Embraer E190. Trước đó, Bamboo Airways từng sử dụng tàu E190 cho các chặng bay đến/đi từ Côn Đảo.

Tổng thị trường vận tải hàng không trong nước năm nay dự kiến đạt xấp xỉ 78,3 triệu khách, tăng 7,7% so với năm 2023, trong đó vận chuyển nội địa đạt 34,8 triệu khách, giảm 23% so với 2023; vận chuyển quốc tế đạt 43,5 triệu khách, tăng 33,4% so với 2023.

Trong 8 tháng đầu năm, tổng thị trường đã đón hơn 51,3 triệu khách, tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó vận chuyển nội địa đạt hơn 23,9 triệu khách, giảm 19,4% so với cùng kỳ 2023; vận chuyển quốc tế đạt hơn 27,3 triệu khách, tăng 31,9% so với cùng kỳ 2023.

Khách đi lại nội địa sụt giảm

Theo số liệu thống kê, sản lượng vận chuyển của thị trường hàng không nội địa liên tục sụt giảm so với cùng kỳ năm 2023 cả về số lượt cất hạ cánh (CHC) tại các sân bay và số lượt khách vận chuyển.

Khach di noi dia giam sut - 01
Lượng khách tháng 6 đến đầu tháng 9 liên tục sụt giảm so với cùng kỳ 2023. Đồ họa: Nguyên Anh.

Số lượt khách bay nội địa thông qua các cảng hàng không sụt giảm rõ nét ở cả các sân bay có hoạt động bay lớn hoặc phục vụ du lịch.

Khach di noi dia giam sut - 02
Số lượt khách bay nội địa thông qua các cảng hàng không sụt giảm rõ nét ở cả các sân bay có hoạt động bay lớn hoặc phục vụ du lịch. Đồ họa: Nguyên Anh.

Đáng chú ý là hệ số sử dụng ghế của các hãng hàng không trên thị trường nội địa khá cao. Thông thường, khi hệ số sử dụng ghế trung bình đạt mức 75%, các hãng phải tính toán tăng tần suất khai thác để tăng tải cung ứng ra thị trường.

Trong mùa cao điểm vừa qua, hệ số sử dụng ghế của tất cả các hãng bay Việt Nam đều duy trì ở mức trên 80%, đặc biệt có hãng vượt trên 90%. Như vậy có thể thấy nhu cầu đi lại nội địa bằng đường hàng không còn cao hơn năng lực vận chuyển của các hãng hàng không. Điều này khiến các hãng không thể tăng ghế cung ứng ra thị trường vì khó thuê thêm tàu bay, không thể tăng thêm giờ khai thác vì số giờ bay của đội tàu bay đã đạt tới hạn.

Đặc biệt, khi thị trường khách quốc tế bắt đầu phục hồi mạnh mẽ, các hãng lớn có năng lực khai thác quốc tế ổn định phải tính toán tăng tần suất trên các đường bay hiện có, khôi phục các đường bay tạm dừng do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, hoặc mở thêm các đường bay quốc tế mới có nhiều tiềm năng để tăng tốc trong chạy đua về slot CHC tại các sân bay quốc tế trong và ngoài nước.

Chính điều này tác động lớn tới khả năng điều chỉnh tăng tải cung ứng tại thị trường nội địa của Vietnam Airlines và Vietjet Air trong những tháng cao điểm vừa qua.

Tan xuat hoat dong lai
Điều chỉnh tăng tải cung ứng nội địa của 5 hãng bay Việt. Đồ họa: Nguyên Anh.

Tổng số lượt khách trên thị trường nội địa được các hãng hàng không vận chuyển trong thời gian qua sụt giảm, nhưng xét theo chỉ số Hành khách - Km chuyên chở (Passenger - Kilometer Performed: PKP bằng Tổng số khách đã vận chuyển nhân Quãng đường hành khách đã được vận chuyển), hai hãng hàng không lớn chủ đạo trong vận chuyển hàng không nội địa đã cơ cấu lại hoạt động khai thác theo hướng tăng tỷ trọng bay đường bay dài hơn và giảm khai thác bay các chặng bay ngắn hơn.

Sự điều chỉnh này cũng có nghĩa là các hãng hướng tới đạt hiệu quả tốt hơn trong kinh doanh, cắt giảm các đường bay ngắn và dung lượng thị trường nhỏ hơn.

So lieu thong ke VNA & VJ
Số liệu thống kê sản lượng và thay đổi (%) so với cùng kỳ năm 2023 của Vietnam Airlines và Vietjet Air. Đồ họa: Nguyên Anh.

Như vậy, các điều kiện thị trường nói trên đã khiến thị trường hàng không nội địa ở tình trạng thiếu tải cung ứng, các hãng hàng không không phải cạnh tranh quyết liệt để nâng cao hệ số sử dụng ghế trên các chuyến bay, dẫn đến tỷ trọng vé máy bay thuộc các dải giá thấp sẽ giảm nhanh chóng.

Có nhiều yếu tố khác nhau tác động tới nhu cầu đi lại nội địa bằng đường hàng không. Từ góc độ kinh doanh vận chuyển hàng không, hạn chế về năng lực vận tải so với nhu cầu thị trường là yếu tố chính làm giảm cạnh tranh, thu hẹp các dải giá áp dụng, dẫn tới bức tranh thị trường hàng không nội địa nói trên.

Khách du lịch quốc tế gia tăng trái vụ

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế tháng 8 đạt 1,43 triệu lượt; tính chung 8 tháng đầu năm đạt gần 11,4 triệu lượt, tăng 45,8% so với cùng kỳ 2023 và tăng 1% so với cùng kỳ 2019 (trước đại dịch Covid-19).

Theo thống kê của ngành hàng không Việt Nam, số lượt khách quốc tế đến và đi từ Việt Nam gia tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2023. Tháng 6, tổng số khách quốc tế đã thực hiện chuyến bay là hơn 3,194 triệu lượt khách, tăng 23,2% so tháng 6/2023. Số liệu thống kê cho tháng 7 và tháng 8 lần lượt có hơn 3,52 triệu lượt khách, tăng 16,3% và hơn 3,55 triệu lượt khách, tăng 15,1% so với cùng kỳ 2023.

Bên cạnh sự tăng trưởng rõ nét về vận tải hành khách quốc tế của cả Vietnam Airlines và Vietjet Air, tăng trưởng vận tải của các hãng hàng không nước ngoài đến và đi từ Việt Nam qua các tháng 6, 7 và 8 ở mức cao, lần lượt là 30,2%, 31,7% và 33,7%, cho thấy thị trường quốc tế đã sôi động và có sự cạnh tranh quyết liệt.

snapinsta.app_444874751_1357778594900355_4191773788821744610_n_1080.jpg
Ảnh: heyitsahin_, Lee Yi Kyung.

Thông thường, giai đoạn cao điểm hè của vận chuyển hàng không nội địa ở Việt Nam chính lại là thấp điểm của hàng không - du lịch quốc tế. Diễn biến khác thường của thị trường hàng không Việt Nam trong thời gian vừa qua hé lộ thêm một số điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, mặc dù nguồn lực tàu bay sụt giảm lớn so với năm 2023, các hãng hàng không Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội, chủ động mở rộng khai thác thị trường quốc tế, khai trương hàng loạt đường bay mới và có kế hoạch tiếp tục khai thác đến các thị trường mới trong những tháng cuối năm.

Tháng 6 vừa qua, Vietnam Airlines đã chính thức khai trương 2 đường bay kết nối Việt Nam và Philippines, trở lại khai thác đường bay Hà Nội - Thành Đô (Trung Quốc), đồng thời công bố kế hoạch bay thẳng Việt Nam - Munich (Đức) trong tháng 10. Trước đó, ngay từ tháng 2 và đặc biệt từ đầu tháng 6 vừa qua, Vietjet Air đồng loạt khai trương 14 đường bay mới từ Hà Nội, TP.HCM và Phú Quốc tới nhiều thành phố ở Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Indonesia. Trong khi đó, dù chỉ có đội tàu bay 3 chiếc, Vietravel Airlines đã nỗ lực khai thác hàng loạt các chuyến bay thuê chuyến quốc tế đến các điểm du lịch ở Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc).

Gia tăng hoạt động vận chuyển quốc tế chính là giải pháp căn bản để các hãng hàng không Việt Nam thực hiện mục tiêu kép “cắt lỗ” và duy trì năng lực cạnh tranh quốc tế.

Thứ hai, việc các hãng hàng không nước ngoài gia tăng hoạt động bay đến Việt Nam không chỉ tạo ra áp lực cạnh tranh lớn đối với các hãng hàng không trong nước mà còn tạo ra áp lực ngày càng lớn đối với cơ sở hạ tầng giao thông hàng không Việt Nam, đặc biệt là các sân bay quốc tế có hoạt động bay lớn. Từ điểm này có thể đánh giá việc các hãng hãng không Việt Nam mở rộng hoạt động bay quốc tế là kịp thời và hợp lý để “chiếm giữ” các slot quan trọng ở “sân nhà” và ở các sân bay nước ngoài trước khi quá muộn khi cạnh tranh quốc tế gia tăng không ngừng.

Thứ ba, cơ cấu thị trường du lịch quốc tế sử dụng vận chuyển hàng không của Việt Nam đã có sự chuyển dịch và có thể ổn định trong trạng thái mới hình thành này trong ít nhất 2-3 năm tới. Du lịch quốc tế đến (inbound) tiếp tục gia tăng trong khi du lịch quốc tế đi (outbound) sau tăng trưởng đột biến sẽ giảm dần nhịp độ và duy trì ở một mức nhất định khi thị trường du lịch trong nước lấy lại nhịp độ tăng trưởng như năm 2023.

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, năm 2023 có khoảng 5 triệu lượt người Việt Nam đã đi du lịch nước ngoài. Từ đầu năm, số lượng người Việt xuất cảnh đi nước ngoài vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dự báo trong năm nay có hơn 10 triệu lượt, tăng khoảng 2 lần so với năm 2023.

Theo Tổng cục Thống kê, du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2023 đạt 12,6 triệu lượt khách, trong đó gần 11 triệu lượt khách đến bằng đường hàng không, chiếm 86,9% số lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong tám tháng đầu năm, khách quốc tế đến đạt hơn 11,4 triệu lượt, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 63,3% mục tiêu 18 triệu lượt khách quốc tế đến trong năm nay, trong đó có gần 9,7 triệu lượt khách đến bằng đường hàng không.

Tăng trưởng du lịch quốc tế trái vụ nói trên đặt ra thách thức: Liệu các hãng hàng không trong nước có đủ nguồn lực, sẵn sàng cho đợt tăng trưởng mới khi mùa cao điểm du lịch quốc tế đến Việt Nam bắt đầu từ tháng 10?

Giá vé giảm 3 tháng cuối năm

Từ tháng 10 đến hết tháng 12 là mùa thấp điểm của thị trường hàng không nội địa Việt Nam. Giá vé máy bay thường có xu hướng giảm trong giai đoạn này. Một số lý do chính, gồm:

- Nhu cầu đi lại giảm nhiều sau cao điểm du lịch hè và kỳ nghỉ lễ 2/9.

- Các hãng hàng không vẫn phải duy trì khai thác ở mức độ nhất định để giữ slot. Vì là mùa thấp điểm trong vận tải hàng không nội địa, các hãng hàng không phải triển khai nhiều chương trình khuyến mãi và ưu đãi để cạnh tranh và thu hút hành khách.

- Một số lượng nhất định tàu bay đưa ra khỏi khai thác để sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ nhằm chuẩn bị cho giai đoạn cao điểm Tết 2025, số khác tăng cường cho cao điểm quốc tế từ tháng 10. Vì vậy, các hãng cần tiếp tục khai thác tối đa giờ bay của đội tàu bay, kể cả tiếp tục bay đêm nên giá vé cũng sẽ thấp hơn để thu hút khách.

Nếu bay trong tháng 11, chặng Hà Nội - TP.HCM có giá vé khứ hồi khoảng 2,8-3 triệu đồng, khai thác bởi Vietjet Air. Chặng Hà Nội - Nha Trang khai thác bởi Vietjet Air có giá khứ hồi hơn 2 triệu đồng. Đối với đường bay Hà Nội - Đà Nẵng, Vietravel Airlines cung cấp vé với giá gần 2,4 triệu đồng khứ hồi, trong khi Vietjet Air bán ra với giá hơn 1,6 triệu đồng (khứ hồi) cho chặng Đà Nẵng - Hà Nội. Giá vé bay trong tháng 12 có chênh lệch không đáng kể.

Những xu hướng mới trong nhu cầu du lịch

Hiện tại thông tin về du lịch trong nước và quốc tế hết sức phong phú và tiếp cận dễ dàng, góp phần định hình các xu hướng mới dù rằng có thể mang tính ngắn hạn đối với khách Việt Nam.

Du lịch trong nước đã hình thành các xu hướng chính sau:

Du lịch ngắn ngày di chuyển bằng đường bộ trong phạm vi trên dưới 300 km theo tour hoặc tự tổ chức.

Nhóm các gia đình lựa chọn phương thức tự lái xe trong khi các hội hưu trí, hội những người bạn học đã cao tuổi, các công ty có văn hoá về team building… lại có xu hướng tổ chức tour qua các công ty du lịch. Đặc biệt, các nhóm, câu lạc bộ liên quan đến ôtô, môtô lại thường xuyên tổ chức các chuyến đi, gặp mặt offline bằng chính các phương tiện yêu thích của thành viên.

Nghỉ dưỡng kết hợp du lịch

Xu hướng này đã định hình rõ nét và ngày càng phát triển khi dịch vụ “tuần nghỉ’ tại các khách sạn, resort mới, cao cấp đang trở nên phổ biến. Thông thường thời gian của các “tuần nghỉ” được ấn định rõ trong hợp đồng dài hạn, do đó nhóm khách này thường phải lên kế hoạch đi lại từ rất sớm, tuỳ thuộc vào lựa chọn địa điểm lưu trú trong danh mục khách sạn, resort nêu trong hợp đồng, đi xa hải mua vé máy bay trước ít nhất 2 tháng. Các hãng hàng không có thể khai thác thông tin liên quan để dự báo nhu cầu vận chuyển và lập kế hoạch khai thác bay phù hợp.

Hội nghị, hội thảo kết hợp du lịch (MICE)

Mặc dù họp trực tuyến (online) đã phổ biến, tổ chức hội nghị, hội thảo của các ngành, cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp ở các địa phương khác nhau vẫn là một nhu cầu thực tiễn để không chỉ nâng cao chất lượng sự kiện, tăng cường kết nối giữa những người tham gia mà còn là sự tri ân đối với nhân sự cơ quan, đối tác, bạn hàng bằng các tour ngắn trong thời gian diễn ra sự kiện.

Ảnh: PSY Travel.
Ảnh: PSY Travel.

Xu hướng này đóng góp doanh thu không nhỏ cho các cơ sở lưu trú, du lịch địa phương và các hãng hàng không.

Đi nước ngoài du lịch cũng đã hình thành các xu hướng:

Du lịch làm đẹp hồ sơ xin visa

Nhiều gia đình có định hướng cho con, em mình đi du học nước ngoài thường chọn các tour du lịch ngắn ngày đến các thị trường cởi mở với khách du lịch, được miễn thị thực nhập cảnh hoặc xin visa thuận lợi như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Các gia đình có điều kiện hơn còn gửi con đến các các trại hè quốc tế. Số lần xuất cảnh sau đó nhập cảnh trở lại lưu trên hộ chiếu sẽ giúp “làm đẹp” hồ sơ xin visa du học trong tương lai.

Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết hiện có khoảng gần 200.000 du học sinh Việt Nam ở bậc trung học phổ thông, đại học và sau đại học, tương đương khoảng 40.000 người đi học nước ngoài mỗi năm. Nếu khoảng 20.000 chuẩn bị hồ sơ xin visa du học theo cách trên, cùng với các thành viên khác trong gia đình, có thể ước tính số lượt khách du lịch theo xu hướng này có thể đạt tới 80.000-100.000 lượt/năm.

Du lịch mua sắm, tranh thủ ưu đãi từ các chương trình kích cầu du lịch

Du khách Việt Nam hiện nay nắm bắt thông tin hết sức nhạy bén về thị trường để mua tour, tự thu xếp các chuyến đi du lịch nước ngoài với chi phí hợp lý hoặc thậm chí “có lãi”.

Các quốc gia như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản trong thời gian vừa qua có các chiến dịch kích cầu du lịch trong đó có nhiều chương trình hướng tới du khách từ Việt Nam khiến cho chi phí của các chuyến đi được xem là hợp lý với nhiều du khách trong nước.

Đặc biệt, mệnh giá tiền ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia suy yếu nhiều so với đồng USD trong thời gian qua thu hút rất nhiều du khách Việt Nam đi nước ngoài mua sắm. Ngoài ra, trước các đợt các mặt hàng công nghệ đời mới bán ra thị trường sẽ có các con sóng du lịch ra nước ngoài để mua hàng xách tay mang về, ví dụ như đợt mở bán chính thức iPhone 16 ở Đông Nam Á ngày 20/9 vừa qua thì Malaysia là điểm đến sáng nhất vì giá bán “mềm” nhất, mang lại khoản chênh lệch 4-9 triệu đồng/điện thoại cho người mang hàng xách tay sớm về Việt Nam.

Nếu các hãng hàng không Việt Nam quan tâm đến các xu hướng du lịch quốc tế nói trên của du khách trong nước và có các chính sách thu hút hợp lý, họ sẽ có thêm các nguồn khách ổn định.

snapinsta.app_347818885_790654895716619_5183913040025893213_n_1080.jpg
Ảnh: sixsensesninhvanbay.
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nghịch lý hàng không - du lịch Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO