Căng thẳng ngày càng tăng trong các cuộc đàm phán khi cuộc đình công của 33.000 thợ máy Boeing ở Washinton (Mỹ) bước sang tuần thứ 5.
Boeing vừa đệ đơn kiện hành vi lao động không công bằng lên Ủy ban Quan hệ lao động quốc gia Mỹ (NLRB) chống lại Hiệp hội Thợ máy và Nhân viên Hàng không Quốc tế (IAM), Reuters ngày 11/10 đưa tin.
Trước đó vào ngày 8/10, Boeing đã rút lại lời đề nghị trả lương mới nhất sau hai ngày đàm phán với các nhà hòa giải liên bang, với lý do IAM từ chối xem xét nghiêm túc các đề xuất của công ty này.
Trong hồ sơ nộp lên NLRB, Boeing cũng cáo buộc các nhà lãnh đạo hiệp hội đã trình bày sai lệch những điều khoản trong đề nghị của Boeing với các thành viên của mình và không đưa những người có thẩm quyền ngồi vào bàn đàm phán.
Boeing cho biết IAM đã thương lượng thiếu thiện chí và lời tuyên bố của họ gây hiểu lầm, khiến việc tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng trở nên khó khăn.
IAM cho biết Boeing giữ vững quan đểm về mức tăng lương 30% trong 4 năm mà công ty đã đưa ra vào tháng trước, sau khi cuộc đình công bắt đầu nhưng Hiệp hội không đồng ý.
Hơn 90% thành viên của công đoàn đã bỏ phiếu bác bỏ đề nghị tăng lương 25% trước khi cuộc đình công bắt đầu. Họ muốn Boeing tăng lương 40% và khôi phục chế độ lương hưu đã bị hủy năm 2014.
Boeing cho biết họ vẫn cam kết thỏa hiệp để chấm dứt cuộc đình công khiến hoạt động sản xuất máy bay bán chạy nhất 737 MAX cũng như các máy bay thân rộng 767 và 777 phải tạm dừng. Vụ việc đang gây áp lực tài chính lên nhà sản xuất máy bay đang gặp khó khăn này.
Để tiết kiệm tiền, Boeing cho hàng nghìn nhân viên văn phòng nghỉ phép luân phiên và cho biết sẽ đóng băng hầu hết các đơn đặt hàng phụ tùng ngoại trừ máy bay 787, được sản xuất tại Nam Carolina.
Moody's Rating và S&P Global Ratings (Mỹ) đang xem xét hạ bậc tín dụng của Boeing xuống mức “rác”, với lý do nhu cầu “đốt" tiền mặt của hãng sản xuất máy bay thương mại lớn thứ nhì thế giới ngày càng tăng khi phải đương đầu với cuộc đình công kéo dài.
Hiện tại, S&P xếp hạng Boeing ở mức BBB-, mức đầu tư thấp nhất.
Tháng trước, IAM đã đệ đơn kiện Boeing về hành vi lao động không công bằng. Đến nay chưa có kết quả nào về vụ kiện được công bố.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Mỹ Pete Buttigieg cho biết vào đầu ngày 10/10 rằng việc giải quyết cuộc đình công ngày càng trở nên quan trọng.
Theo ông, giải pháp đưa ra vừa phải hỗ trợ công nhân vừa đảm bảo thành công của doanh nghiệp. “Cả hai yếu tố đó hoàn toàn có thể đạt được”, ông Buttigieg nói.
30 đảng viên Dân chủ tại Hạ viện Mỹ đã gửi thư tới Giám đốc điều hành Boeing Kelly Ortberg và IAM nhằm thúc giục hai bên thương lượng một cách thiện chí để đạt được một thỏa thuận công bằng sớm nhất.