Động cơ mới tạo ra cuộc cách mạng cho dòng máy bay Boeing 737 cũ kỹ nhưng cũng mang đến không ít rủi ro.
LEAP - viết tắt của Leading Edge Aviation Propulsion (Động lực dẫn lối hàng không) là động cơ phản lực cánh quạt có tỷ lệ đường vòng cao do hãng CFM chế tạo.
Biển thể LEAP -1B có lực đẩy 10,4-12,7 tấn (100-120 kN), với lực đẩy cất cánh tối đa là 13,3 tấn.
Theo thiết kế, động cơ CFM LEAP có hiệu suất đẩy cao với tỷ lệ đường vòng là 9:1. Tức là với mỗi 9 kg không khí đi qua động cơ tạo thành lực đẩy, chỉ có 1 kg không khí đốt cháy ở lõi.
Ít không khí hơn trong lõi động cơ có nghĩa là cần ít nhiên liệu hơn để trộn với nó, dẫn đến tiết kiệm nhiên liệu đáng kể.
Cánh quạt của động cơ LEAP được sản xuất bằng vật liệu composite gia cường bằng sợi carbon (CFRP). Vật liệu này làm giảm trọng lượng đồng thời cho phép tạo ra những hình dạng tối ưu về khí động lực học.
Ở vòng tua máy tối đa, động cơ CFM LEAP tạo ra tỷ lệ áp suất 22:1 trong máy nén áp suất cao và tỷ lệ áp suất kết hợp là 50:1.
Đây chính là những lý do để Boeing lựa chọn LEAP cho dòng máy bay 737 MAX cạnh tranh với A320/321 của đối thủ Airbus.
Boeing tuyên bố 737 MAX tiết kiệm nhiên liệu hơn 15-20% so với các thế hệ trước. Hiệu suất hoạt động của LEAP đóng góp đáng kể vào kết quả này. Hiệu suất của động cơ phản lực cánh quạt thường được đo bằng lượng nhiên liệu tiêu thụ trên mỗi lực đẩy tạo ra.
Tuy nhiên thiết kế thân vỏ kiểu cũ của dòng 737 dường như không theo kịp được hiệu suất hoạt động ấn tượng của động cơ mới.
Động cơ lớn hơn với lực đẩy tốt hơn khiến mũi 737 MAX có xu hướng hướng lên trên khi bay.
Boeing đã “chữa cháy” bằng việc trang bị cho máy bay hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay - MCAS. Với 1 cảm biến góc tấn ở mũi tàu bay, MCAS sẽ tự động điều chỉnh cánh đuôi để máy bay luôn trong trạng thái cân bằng.
Tuy nhiên chính hệ thống này lại là nguyên nhân dẫn đến 2 vụ tai nạn của 737 MAX năm 2018 và 2019, khiến 346 hành khách và thành viên phi hành đoàn tử vong.
Khi Boeing tuyên bố các vấn đề với MCAS đã được khắc phục, một chiếc Boeing 737 MAX 9 của Alaskan Airlines gặp trường hợp giảm áp suất không kiểm soát khi bị bung tấm bịt cửa khi đang trên độ cao hành trình vào đầu năm nay.
Tuy nhiên tính đến nay, Boeing đã sản xuất tổng cộng hơn 1.500 chiếc 737 MAX cho các hãng khai thác lớn bao gồm United Airlines, Southwest Airlines và American Airlines. Vẫn còn hàng trăm đơn hàng tồn đọng đang đợi nhà sản xuất này xử lý.
Boeing 737 MAX 8 là biến thể phổ biến nhất của tàu bay trên toàn thế giới, tiếp theo là 737 MAX 9 lớn hơn, trong khi 737 MAX 10 vẫn đang được sản xuất sau nhiều lần trì hoãn. Biến thể lớn nhất của 737 MAX dự kiến được đưa vào hoạt động thương mại năm 2025.