tạp chí bầu trời

Bầu trời toàn cầu trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Đại dịch vi rút Corona đã ảnh hưởng tới mọi khu vực trên toàn cầu, song vẫn phải có những phát triển chiến lược trong quá trình chuyển đổi sang trạng thái bình thường mới. Sau đây là một số ví dụ về cách thức mà ngành hàng không đã vượt qua thách thức trên toàn cầu.

Châu Phi

Hàng không châu Phi dự kiến ​​sẽ giảm gần 60% nhu cầu vào năm 2020. Tác động tàn khốc của dịch COVID-19 đã làm tăng nhu cầu hợp tác xuyên biên giới giữa các quốc gia.

Nhằm đáp ứng nhu cầu này, Lộ trình Quản lý luồng không lưu (ATFM) Mombasa của CANSO đang tăng hết tốc lực về phía trước. Công tác triển khai các quy trình ATFM đã đặt một cột mốc quan trọng trên con đường tiến đến bầu trời chung liền mạch. Ý tưởng cơ bản là nhằm để các bên liên quan trong khu vực phối hợp với nhau thông qua hợp tác ra quyết định.

Lộ trình ATFM của Mombasa chia Châu Phi thành 4 khu vực (phía nam, phía đông, phía tây và trung tâm). Mặc dù các khu vực thông tin chuyến bay hiện có sẽ được giữ nguyên, song vẫn tăng cường công tác hài hòa trong mỗi phân khu với công việc được tiến hành trong suốt năm 2020.

Công tác tăng cường an toàn trở nên đặc biệt quan trọng do mức độ giao thông thay đổi trong suốt đại dịch. Cơ chế Đánh giá công bằng của CANSO đối với các ANSP Châu Phi là một sáng kiến ​​chung giữa các ANSP Châu Phi nhằm cải thiện an toàn hàng không và hiệu suất ATM liền mạch trên toàn Châu Phi. Giải pháp này khuyến khích các ANSP của Châu Phi hợp tác với nhau nhằm đánh giá các hệ thống quản lý an toàn (SMS) và các yêu cầu vận hành khác, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi về các biện pháp cải thiện an toàn và hiệu suất hoạt động.

An toàn tập trung vào công tác quản lý rủi ro và thực hiện Văn hóa công bằng, sẽ luôn là ưu tiên hàng đầu và sẽ tiếp tục là trọng tâm cho các nỗ lực của châu Phi trong những năm tới khi châu lục này dần quay trở lại mức nhu cầu trước COVID-19.

Châu Á- Thái Bình Dương

Dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn đối với các quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Nhìn chung, lưu lượng hàng không theo dự đoán sẽ giảm 53,8% vào năm 2020.

Khi ngành công nghiệp hàng không khởi động lại, năng lực phải đáp ứng được nhu cầu và đảm bảo các chuyến bay được thực hiện an toàn và liền mạch. Quản lý luồng không lưu (ATFM) phân phối đa điểm nút sẽ là chìa khóa cho vấn đề này. Trong đại dịch COVID-19, ATFM đã chuẩn bị cho khu vực khả năng bị gián đoạn công suất do các sự cố liên quan đến lây nhiễm và cũng sẽ cho phép khôi phục nhu cầu giao thông sau khi dịch bệnh bùng phát.

Dự án ATFM này có nguồn gốc từ một sáng kiến của ​​CANSO vào năm 2010 nhằm tìm kiếm sự hợp tác ra quyết định giữa Cục Hàng không Dân dụng Singapore (CAAS) và Tổng công ty Quản lý bay Thái Lan (AEROTHAI) trên tuyến đường bay Singapore-Bangkok nhưng đã mở rộng phạm vi hoạt động.

Dự án gần đây đã được đổi tên thành Hợp tác ATFM đa điểm nút xuyên biên giới châu Á - Thái Bình Dương (AMNAC). Điều này công nhận những thành tựu của dự án và nỗ lực hợp tác trong việc chuyển các hoạt động ATFM xuyên biên giới từ khái niệm thông qua các thử nghiệm khai thác và hướng tới việc triển khai hoạt động hiệu quả. Nghiên cứu của Airbus Prosky đã đưa ra dự đoán sau khi được triển khai đầy đủ, dự án này có thể mang lại ​​lợi ích ròng lên tới 1,4 tỷ đô la.

ATFM yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ ở cấp khu vực, ví dụ như thông qua các hội nghị trực tuyến thường xuyên nhằm cập nhật tin tức liên quan đến ATM do tình hình COVID-19. Đồng thời cũng sẽ thúc đẩy quản lý thông tin toàn hệ thống (SWIM) thông qua trao đổi thông tin.

Nhóm chuyên trách SWIM khu vực Châu Á-TBD của ICAO hiện đang triển khai giải pháp trên cơ sở SWIM hỗ trợ cho các thành phần dữ liệu ATFM. Ngoài ra, AMNAC đang phát triển/xác định các mô hình trao đổi thông tin, thông số kỹ thuật SWIM.

Châu Âu

Tất cả các bên liên quan trong ngành hàng không ở Châu Âu đang gặp khó khăn do đây là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề. Hơn 90% các chuyến bay ở châu Âu không hoạt động do dịch COVID-19 đạt đỉnh vào tháng 4 năm 2020 và nhu cầu hoạt động bay trong cả năm sẽ thấp hơn 56% so với mức năm 2019. Công tác cách ly kiểm dịch đã làm chậm đà tăng và nhu cầu đi lại của hành khách sẽ mất khá nhiều thời gian để đạt mức trước virus xảy ra. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm cho phép khu vực này điều chỉnh lại các vấn đề về năng lực.

Các ANSP của Châu Âu đã giúp các đồng nghiệp của mình tại các hãng hàng không thông qua việc hoãn đóng phí hơn 1 tỷ Euro theo Chương trình tính phí và hiệu suất của EU. CANSO coi đây là một sáng kiến ​​ngắn hạn, chỉ áp dụng một lần. Quan điểm chung của các ANSP là bất kỳ giải pháp nào mà Chương trình này thanh toán cho những năm tới phải phù hợp với tất cả các thành phần của ngành hàng không.

CANSO cũng đã tham gia cùng các hiệp hội hàng không châu Âu khác, kêu gọi tài trợ của EU nhằm thúc đẩy việc tiếp nhận công nghệ xanh trong lĩnh vực này, phù hợp với Thỏa thuận Xanh của EU.

Tính bền vững có khả năng trở thành yếu tố phát triển trọng tâm của ngành hàng không ở Châu Âu. Số hóa sẽ rất quan trọng, góp phần cải thiện hiệu quả môi trường và giúp ANSP có khả năng chống chịu tốt hơn và chuẩn bị tốt hơn nhằm xử lý các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Đài chỉ huy (Tower) kỹ thuật số là một công nghệ quan trọng trong lĩnh vực này. NATS đang giới thiệu đài chỉ huy kỹ thuật số tại London City. Và ở Thụy Điển, tại Sân bay Örnsköldsvik, LFV và các đối tác đã thiết lập môi trường nghiên cứu nhằm phát triển các sân bay tự trị và điều hành từ xa.

Trong khi đó, chương trình đài chỉ huy kỹ thuật số của HungaroControl đã ngày càng thành công, hoạt động ổn định trong khi vẫn tiến hành nâng cấp đài chỉ huy tại Sân bay Budapest.

Ở những khu vực khác ở Châu Âu, ANSP của Đức, DFS, có một số giải pháp ​​đáp ứng năng lực một cách hiệu quả. Chương trình 'bay theo kế hoạch đã nộp' nhằm đảm bảo các hãng hàng không tuân thủ chặt chẽ hơn với kế hoạch chuyến bay đã nộp của họ. DFS cũng đang phối hợp với Airtopsoft nhằm phát triển AirMagic, một hệ thống hỗ trợ quyết định khai thác mang lại hiệu quả hơn trong việc lập kế hoạch và phân bổ nhân sự tại các Trung tâm kiểm soát đường dài (ACC). AirMagic sử dụng mô phỏng thời gian nhanh nhằm liên kết lập kế hoạch nhân sự với công tác dự báo lưu lượng hoạt động bay.

Trong khi đó, DSNA, ANSP của Pháp, đang tiến hành đánh giá công cụ quản lý luồng không lưu có tên SINAPS, được triển khai tại Trung tâm kiểm soát đường dài Bordeaux (ACC) từ tháng 6/2019.

Châu Mỹ Latinh và Caribe

Mỹ Latinh và Caribe đứng sau phần còn lại của thế giới trong quá trình phục hồi sau COVID-19, nhưng các kết quả cho thấy nhu cầu hoạt động bay giảm xuống gần 60% trong năm nay.

Tuy nhiên, vị trí địa lý của khu vực này cho thấy hàng không sẽ rất quan trọng đối với sự kết nối và thúc đẩy các nền kinh tế phát triển trở lại. Cũng như các khu vực khác, năng lực đáp ưng nhu cầu, hợp tác giữa các quốc gia và tính bền vững là nội dung trọng tâm của quá trình khởi động lại.

Tổ chức Mạng lưới trao đổi dữ liệu ATFM của CANSO cho các quốc gia châu Mỹ (CADENA) tiếp tục đảm bảo các luồng không lưu thông suốt trong khu vực và phục vụ tốt hơn nhu cầu hợp tác ngày càng tăng.

Phòng điều hành bay ATO của FAA gần đây đã gia nhập CADENA, dấu hiệu cho thấy vai trò quan trọng của công tác triển khai và phục hồi không gian trong ngành hàng không. Sự hợp tác này sẽ đảm bảo an toàn hệ thống không phận toàn cầu và nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác liên lạc kịp thời và tầm quan trọng của phát hành NOTAM.

CADENA cho phép các đối tác trong ngành hàng không chia sẻ các dữ liệu quan trọng và có nhận thức tình huống chung. Quan trọng nhất, tổ chức này đang chứng minh sự dẫn đầu của ATM trong khu vực thông qua những thành tựu có thể đạt được trong nhiều lĩnh vực hoạt động.

Trong khi đó, các ANSP riêng lẻ đang dần chấp nhận trạng thái bình thường mới. Empresa Cubana de Navegación Aérea (ECNA), ANSP của Cuba, đã bị sụt giảm đáng kể doanh thu nhưng đã cố gắng giữ việc làm cho tất cả nhân viên khi cho nhân viên làm việc tại nhà nếu có thể.

Cân bằng năng lực với hiệu quả và bảo vệ môi trường là trọng tâm trong chiến lược của ECNA. Trung tâm Dự phòng di động và Phòng mô phỏng ATC (Simulator) là hai trong số các thành phần chính. ECNA cũng đang triển khai các trạm phát sóng VHF - giám sát phụ thuộc tự động mới trên toàn quốc nhằm tăng phạm vi liên lạc và giám sát cũng như dự phòng cho mạng lưới hiện có.

Tại Argentina, EANA đã tiến hành đàm phán lại một số hợp đồng dịch vụ và đầu tư, mặc dù điều này không hẳn do tác động của COVID mà là nỗ lực điều chỉnh dịch vụ và giá thị trường với chiến lược kinh doanh của tổ chức này. Hiện ANSP này đang nỗ lực để có được nguồn tài chính để không phải hủy bỏ bất kỳ khoản đầu tư nào cho giai đoạn 2020-2024.

Bắc Mỹ

Hoa Kỳ có thể tiếp tục cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu trong nước khi virus Corona phát triển, tuy nhiên nhu cầu tổng thể đã giảm đáng kể. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, đến cuối tháng 7, các hãng hàng không đã khôi phục 50% lịch trình năm 2019.

Để đưa khu vực này phát triển, Mỹ đã xuất bản tài liệu Runway to Recovery, trong đó nêu rõ các bước thiết lập lại tình trạng hoàn chỉnh của hệ thống vận tải hàng không.

Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) đóng vai trò quan trọng trong công tác hiện đại hóa hệ thống vận tải hàng không Hoa Kỳ. NextGen đã hoàn thiện các công việc cơ bản và mục tiêu tối đa hóa các khoản đầu tư của chính phủ và ngành được thực hiện thông qua việc bổ sung tính năng thiết bị nhằm tăng tính linh hoạt, khả năng dự đoán, gia tăng lưu lượng hoạt động bay và hiệu quả hơn.

Tận dụng tối đa chương trình giám sát phụ thuộc tự động-quảng bá (ADS-B) sẽ là chìa khóa mang lại nhiều lợi ích hơn. Việc áp dụng cả ADS-B và vùng phủ sóng radar giúp cho cơ sở hạ tầng giám sát FAA có kích thước hiệu quả hơn.

FAA cũng nhận thấy tiềm năng của ADS-B trên không gian nhằm cung cấp khả năng giám sát ở những vị trí không thể lắp đặt các trạm mặt đất, như không phận đại dương. Các chương trình đánh giá hiện tại đang được thực hiện sẽ giúp đánh giá những lợi ích của công nghệ này.

Truyền thông dữ liệu (Data Comm) là một thành phần quan trọng khác. Dịch vụ Data Comm đang hoạt động tại 62 sân bay và ba cơ sở kiểm soát đường dài tại phố Kansas, Indianapolis và Washington. Việc triển khai 17 trung tâm còn lại đang bị tạm dừng do COVID nhưng sẽ hoàn thành trong 2021-2022. Dịch vụ này sẽ hoạt động đầy đủ trong 2023-2024.

Tại Canada, NAV CANADA tiếp tục giám sát và quản lý 18 triệu km vuông không phận Canada và không phận đại dương trong thời gian bùng phát dịch. Quốc gia này đã thực hiện một số biện pháp phòng ngừa, bao gồm hạn chế tiếp xúc nơi làm việc và tăng cường các biện pháp dọn dẹp và vệ sinh môi trường.

Lịch trình của nhân viên cũng đã được sắp xếp lại sao cho làm việc với cùng các đồng nghiệp giống nhau mỗi ngày, giảm bớt sự tiếp xúc. Vì vậy, công tác giao tiếp với nhân viên và các bên liên quan ngày càng trở nên quan trọng. Có các bản cập nhật thường xuyên để đảm bảo hoạt động an toàn và hiệu quả, và đối với những nhân viên cần tư vấn, có một đường dây nóng của Chương trình Hỗ trợ Nhân viên và Gia đình bên cạnh các chương trình hỗ trợ khác.

Trung Đông

Các trung tâm hàng không chính ở Trung Đông đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các chuyến du lịch quốc tế đều bị tạm dừng. Chương trình Tăng cường ATM Trung Đông (MAEP) tiếp tục hướng tới bầu trời an toàn, bền vững và liền mạch trong khu vực. Như có thể mong đợi từ khu vực, có rất nhiều đổi mới.

Dubai đã ban hành luật mới về tàu bay không người lái nhằm thúc đẩy lĩnh vực mới nổi này. Luật pháp là một thành phần quan trọng của dự án Dubai Sky Dome được thiết kế nhằm cung cấp cho Tiểu vương quốc này một hệ thống sinh thái tàu bay không người lái. Dubai cũng đang nghiên cứu khái niệm đài chỉ huy kỹ thuật số.

Nhìn chung, các chính sách hàng không trong khu vực này cho thấy sẽ hỗ trợ phục hồi hàng không nhanh nhất có thể. Các sân bay đang tiếp tục triển khai các kế hoạch mở rộng và do đó, việc phát triển và hiện đại hóa hệ thống kiểm soát không lưu cũng đang được tiến hành thực hiện.

Trích nguồn: https://vatm.vn/bau-troi-toan-cau-trong-boi-canh-dai-dich-covid-19-n6098.html

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận