Sau hơn 1 tuần triển khai, công tác an ninh hàng không được Bộ Công an thực hiện chặt chẽ theo đúng quy trình, đồng thời vẫn đảm bảo sự thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho hành khách.
Từ ngày 1/3, Bộ Công an chính thức tiếp quản việc bảo đảm an ninh hàng không. Đây là một bước chuyển giao quan trọng, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý mà còn góp phần củng cố an ninh quốc gia trong lĩnh vực hàng không.
Ghi nhận của Opensky tại khu vực kiểm soát an ninh tại ga đi quốc tế - nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài ngày 7/3, bên cạnh lực lượng an ninh hàng không, Công an cửa khẩu Nội Bài đã bố trí cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giám sát an ninh và kiểm tra thủ tục xuất nhập cảnh. Những ngày đầu triển khai, quy trình làm thủ tục đều diễn ra bình thường, thuận lợi, không xảy ra tình trạng ùn tắc hay gián đoạn.
Thượng tá Phan Tuấn - Phó trưởng Công an cửa khẩu Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, cho biết đến thời điểm hiện tại, qua công tác kiểm tra cho thấy với tinh thần cao, trách nhiệm lớn, vận hành phối hợp với lực lượng tại chỗ công tác an ninh hàng không được đảm bảo, các chuyến bay được diễn ra an toàn, an ninh tuyệt đối và không làm gián đoạn, đứt gãy các hoạt động bình thường.
"Việc tiếp nhận chuyển giao nhiệm vụ an ninh hàng không từ Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) về Bộ Công an không ảnh hưởng đến quy trình, quy định làm thủ tục của hành khách tại các sân bay. Đồng thời cũng không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân cũng như việc kinh doanh của các hãng hàng không", Thượng tá Phan Tuấn khẳng định.
Bên cạnh đó, để đảm bảo mọi hoạt động kiểm soát an ninh hàng không được duy trì thông suốt, không gây ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp, trong thời gian tới, Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ tiếp nhận toàn bộ đội ngũ cán bộ đang làm nhiệm vụ từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Đồng thời, đơn vị này sẽ từng bước hoàn thiện quy trình với phương châm vừa đảm bảo đúng quy định vừa tạo thuận lợi tối đa cho hành khách.
Thượng tá Phan Tuấn cũng thông tin sắp tới sẽ cải tiến quy trình, đơn giản hóa một số thủ tục như chỉ kiểm tra hộ chiếu một lần để rút ngắn thời gian cho hành khách.
Anh Nguyễn Khánh Hoàng (trú tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết từ khi thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; trong đó giao Bộ Công an tiếp nhận nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không kể từ ngày 1/3, đây là lần đầu tiên anh bay quốc tế.
"Hôm nay bay tôi thấy khác so với trước khi có nhiều đồng chí an ninh hơn, kiểm tra chặt hơn nhưng rất kỹ lưỡng và cẩn thận. An toàn vẫn là trên hết nên tôi thấy thoải mái nếu có phải chờ đợi thêm 5-10 phút cũng không vấn đề gì", anh Hoàng chia sẻ.
Tương tự, chị Dương Thị Hạnh (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) cho biết các thủ tục diễn ra nhanh chóng, không gặp vướng mắc. "Việc Bộ Công an tiếp nhận nhiệm vụ an ninh hàng không khiến tôi yên tâm hơn", chị Hạnh chia sẻ.
Lực lượng an ninh hàng không thuộc Bộ Công an sẽ tiếp nhận 2/3 chức năng kiểm soát an ninh hàng không gồm quản lý Nhà nước về lĩnh vực bảo đảm an ninh hàng không; cung cấp dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không tại cảng hàng không, sân bay và cơ sở xử lý hàng hóa, bưu gửi để đưa lên tàu bay.
Để bảo đảm không làm rối loạn, đứt gãy, ảnh hưởng tới dây chuyền vận tải hàng không dân dụng và bảo đảm an toàn, Bộ Công an đã chuẩn bị kỹ lưỡng trong tiếp nhận các chức năng, nhiệm vụ, nhân sự cũng như xây dựng phương án kiểm soát an ninh và điều chỉnh quy trình với mục tiêu hướng đến là sự chặt chẽ trong quy trình, nhưng thông thoáng và tạo thuận lợi tối đa cho hành khách.
Trước đó, ngày 28/2 tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức lễ bàn giao, tiếp nhận nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không về Bộ Công an và ra mắt Trung tâm An ninh hàng không quốc gia, trên cơ sở tổ chức, xây dựng lại Phòng an ninh trên không hiện có (trực thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh điều hành) đảm nhiệm công tác cung cấp dịch vụ an ninh hàng không tại cảng hàng không, sân bay và cơ sở xử lý hàng hóa, bưu phẩm gửi để đưa lên tàu bay.
Cùng ngày 28/2, đồng loạt các cảng hàng không, sân bay trên cả nước bàn giao nhiệm vụ an ninh hàng không về Công an các địa phương. Lãnh đạo Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cảng hàng không, sân bay đều đánh giá việc Bộ Công an tiếp quản an ninh hàng không sẽ tạo nên một bước chuyển biến lớn và tăng tính chuyên nghiệp, hiệu quả.
Bởi Bộ Công an có kinh nghiệm phòng, chống khủng bố, bảo vệ an ninh quốc gia. Khi Bộ Công an đảm nhiệm, sự phối hợp giữa Công an, Quân đội, Hải quan, Biên phòng trong xử lý tình huống khẩn nguy, chống khủng bố và kiểm soát an ninh sân bay sẽ đồng bộ hơn, tăng cường năng lực phản ứng nhanh.
Hơn nữa, khi Công an đảm nhiệm các nhiệm vụ liên quan đến an ninh quốc gia và nhân viên sân bay tập trung vào thủ tục hành chính, kiểm tra hành lý và giám sát an ninh ở mức độ cơ bản sẽ giúp quy trình được thực hiện chặt chẽ, nhanh gọn hơn nhiều, tránh việc ùn tắc do chồng chéo nhiều khâu kiểm soát.
Hiện nay, Bộ Công an đang quản lý dữ liệu dân cư, việc liên kết dữ liệu hành khách với cơ sở dữ liệu của bộ, kết hợp với việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong kiểm soát an ninh sẽ càng giúp việc xác minh thông tin diễn ra nhanh chóng hơn, nâng cao tính chính xác và giảm thiểu thời gian chờ đợi cho hành khách.
Bên cạnh đó, từ cơ sở dữ liệu của ngành Công an và dữ liệu về quản lý an ninh sân bay, hành khách, việc phân tích dữ liệu lớn cũng giúp phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn, từ đó giúp ngành Công an đưa ra các điều chỉnh và quyết định kịp thời mà không cần quá nhiều bước thủ tục như trước đây.
Việc tinh gọn quy trình kiểm soát không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý mà còn tạo ra sự chuyên nghiệp, đảm bảo an ninh tuyệt đối, nâng cao trải nghiệm của hành khách và góp phần nâng tầm vị thế của ngành hàng không Việt Nam.
17 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cảng hàng không, sân bay thực hiện nhiệm vụ giám sát an ninh hàng không và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm soát an ninh hàng không gồm: Quảng Ninh (Vân Đồn), Hải Phòng (Cát Bi), Huế (Phú Bài), Cần Thơ (Cần Thơ), Lâm Đồng (Liên Khương), Đắk Lắk (Buôn Ma Thuột), Kiên Giang (Rạch Giá), Cà Mau (Cà Mau), Bà Rịa - Vũng Tàu (Côn Đảo), Bình Định (Phù Cát), Gia Lai (Pleiku), Phú Yên (Tuy Hòa), Quảng Nam (Chu Lai), Quảng Bình (Đồng Hới), Điện Biên (Điện Biên), Thanh Hóa (Thọ Xuân), Nghệ An (Vinh).