Trước khi được chuyển giao về Bộ Công an, nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không do Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo tổ chức và thực hiện.
Bắt đầu từ ngày 1/3, nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không sẽ được chuyển giao cho Bộ Công an. Sáng 28/2, Bộ Công an đã tổ chức Lễ bàn giao, tiếp nhận nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không về Bộ Công an và ra mắt Trung tâm An ninh hàng không quốc gia. Đây là sự kiện đánh dấu bước chuyển giao chính thức trong quản lý, vận hành lực lượng an ninh hàng không.
Vậy, an ninh hàng không làm những nhiệm vụ gì, ai là người thực hiện đảm bảo an ninh tại các sân bay, cảng hàng không?
Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không đóng vai trò quan trọng đối với an ninh hàng không tại sân bay. Họ thực hiện các nhiệm vụ kiểm soát an ninh hàng không như soi chiếu an ninh đối với hành khách, hành lý, hàng hóa, bảo vệ tàu bay, giữ gìn an ninh trật tự tại cảng hàng không…
Tại Việt Nam, Khoản 1 điều 190 Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 quy định, an ninh hàng không là việc sử dụng kết hợp các biện pháp, nguồn nhân lực, trang bị, thiết bị để phòng ngừa, ngăn chặn và đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng, bảo vệ an toàn cho tàu bay, hành khách, tổ bay và những người dưới mặt đất.
Đây là lĩnh vực có vai trò đặc biệt quan trọng với nền quốc phòng an ninh, có mối liên kết chặt chẽ, sâu sắc tới nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Từ yếu tố con người đến vật chất, cụ thể là tàu bay, đều được giám sát trực tiếp cực kỳ nghiêm ngặt. Điều này nhằm đảm bảo sự an toàn tuyệt đối đến mức chi tiết trong tất cả mọi hoạt động diễn ra ở sân bay.
Quyết định 1360/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 03/08/2010 quy định về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia.
Theo đó, Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia (ANHKQG) là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về bảo đảm an ninh hàng không dân dụng; chỉ đạo, chỉ huy đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng; nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành thuộc lĩnh vực bảo đảm an ninh hàng không dân dụng.
Ủy ban ANHKQG có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng về bảo đảm an ninh hàng không dân dụng.
Ủy ban ANHKQG chỉ đạo thực hiện phương án khẩn nguy tổng thể đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng; chỉ đạo, giải quyết các vướng mắc phát sinh giữa các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng.
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức diễn tập đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng cấp quốc gia. Đồng thời, chỉ huy đối phó, khắc phục các hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng cấp độ 1 hoặc theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Ủy ban ANHKQG gồm Chủ tịch là 1 Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch thường trực là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và các Phó chủ tịch là lãnh đạo của các Bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Giao thông vận tải. Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam là Ủy viên kiêm Chánh Văn phòng Ủy ban ANHKQG.
Theo Điều 8, Nghị định 92/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về an ninh hàng không, Kiểm soát an ninh hàng không là biện pháp bảo đảm an ninh hàng không để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng, bảo vệ an toàn cho tàu bay, hành khách, tổ bay, những người dưới mặt đất, tài sản và công trình, trang bị, thiết bị của ngành hàng không.
Kiểm tra an ninh hàng không là việc sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp biện pháp soi chiếu, kiểm tra trực quan và các biện pháp khác để nhận biết, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm về an ninh hàng không.
Soi chiếu an ninh hàng không là việc sử dụng trang bị, thiết bị kỹ thuật hoặc biện pháp khác để phát hiện vũ khí, chất nổ hoặc vật phẩm nguy hiểm khác có thể được sử dụng để thực hiện hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.
Cũng theo Nghị định 92, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không do Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo tổ chức để thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không và cung cấp dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không tại cảng hàng không, sân bay và cơ sở xử lý hàng hóa, bưu gửi để đưa lên tàu bay.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu tổ chức lực lượng kiểm soát an ninh hàng không để thực hiện bảo đảm an ninh hàng không tại cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu nằm ngoài khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay.
Doanh nghiệp sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, thiết bị tàu bay tổ chức lực lượng kiểm soát an ninh hàng không để thực hiện bảo đảm an ninh hàng không tại cơ sở sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, thiết bị tàu bay.
Hãng hàng không Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung tổ chức lực lượng kiểm soát an ninh hàng không để thực hiện các biện pháp kiểm soát an ninh hàng không trên tàu bay và hoạt động khai thác tàu bay bên ngoài khu vực cảng hàng không, sân bay.
Điều 94, Thông tư 13/2019/TT-BGTVT ngày 29 tháng 3 năm 2019 của Bộ GTVT quy định, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không được chia thành 3 nhóm gồm nhân viên an ninh soi chiếu, nhân viên an ninh cơ động và nhân viên an ninh kiểm soát.
Trong đó, lực lượng an ninh cơ động được đào tạo võ thuật nâng cao, trang bị áo giáp, dùi cui và công cụ hỗ trợ. Đây là lực lượng chịu trách nhiệm tuần tra, kiểm soát đám đông, lục soát tàu bay và trấn áp người gây rối.
Một số công việc hàng ngày của lực lượng này như tuần tra tại sảnh của nhà ga hành khách, nhắc nhở những cá nhân, phương tiện dừng đỗ, đón trả khách sai quy định...
Trong khi đó, bộ phận nhân viên soi chiếu có trách nhiệm khai thác các thiết bị soi chiếu an ninh đối với hành khác và hành lý, hàng hoá; cấm và ngăn chặn hàng vi mang các vật phẩm có tính chất nguy hiểm, uy hiếp, ảnh hưởng an ninh sân bay.
Các khu vực cụ thể sau bắt buộc phải kiểm tra soi chiếu an ninh: khu bay, nhà ga hàng hoá, khu bảo dưỡng máy bay, nhà ga hành khách, khu chế biến suất ăn hàng không, kiểm tra soi chiếu tăng cường.
Còn nhân viên kiểm soát an ninh là bộ phận đảm nhiệm vai trò giám sát an ninh tại các khu vực hạn chế của cảng hàng không. Đồng thời phải có trách nhiệm duy trì vật tư, đảm bảo an toàn cho cơ sở vật chất tại sân bay.
Thường xuyên tuần tra, canh gác, thiết lập vành đai sân bay. Đảm bảo tuyệt đối an ninh cho các chuyến bay và những hoạt động khác trong sân bay.
Riêng lực lượng kiểm soát an ninh hàng không được trang bị mũ kêpi; phần áo có cấp hiệu trên vai, phía ve cổ áo có ghim cài hình cành tùng. Họ là lực lượng được doanh nghiệp tuyển dụng, đào tạo để cung cấp dịch vụ an ninh cho hành khách và các đơn vị hoạt động tại cảng hàng không.
Khi phát hiện các hành vi vi phạm an ninh hàng không, lực lượng này sẽ ngăn chặn, bảo vệ hiện trường, tạm giữ người liên quan để bàn giao cho cảng vụ hàng không xử lý.