Công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được tích cực triển khai, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và sẵn sàng đi vào vận hành cuối năm 2026.
Sân bay Long Thành – dự án hạ tầng hàng không lớn nhất cả nước – được kỳ vọng sẽ trở thành động lực phát triển kinh tế, dịch vụ và logistics cho toàn vùng Đông Nam Bộ. Để vận hành hiệu quả một công trình tầm cỡ quốc tế, bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở vật chất, công tác chuẩn bị nguồn nhân lực đạt chuẩn cũng đóng vai trò then chốt. Với nhu cầu gần 14.000 nhân sự ở nhiều vị trí khác nhau, đây vừa là thách thức đồng thời cũng là cơ hội để phát triển đội ngũ lao động chất lượng cao, góp phần nâng tầm vị thế của ngành hàng không Việt Nam.
Theo thông tin từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, khi đi vào hoạt động, nhu cầu nhân sự làm việc tại sân bay Long Thành dự kiến khoảng 13.769 người với đa dạng trình độ và kỹ năng.
Cụ thể, chia theo chức danh, nhiệm vụ, sẽ gồm 473 vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, gần 12.700 nhân sự chuyên môn nghiệp vụ, trực tiếp sản xuất kinh doanh và 610 vị trí lao động khác.
Nếu chia theo trình độ, Cảng hàng không Quốc tế Long Thành sẽ cần 5 tiến sĩ, 405 thạc sĩ, gần 5.400 nhân sự tốt nghiệp đại học, khoảng 2.249 nhân sự tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp và hơn 3.800 lao động cần tốt nghiệp sơ cấp. Ngoài ra, sân bay Long Thành cũng sẽ cần khoảng 1.900 lao động phổ thông phục vụ các công tác khác tại đây.
Đặc biệt, ngoài các yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ cho từng vị trí, lao động làm việc tại sân bay Long Thành cũng phải đáp ứng được yêu cầu cao về trình độ ngoại ngữ. Ngay cả lao động phổ thông cũng yêu cầu tốt nghiệp THPT và TOEIC 300.
Ông Võ Tấn Đức – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, chia sẻ, khi đi vào hoạt động, sân bay Long Thành sẽ là điểm nhấn tạo đà phát triển cho tỉnh Đồng Nai. Đồng thời tạo công ăn việc làm cho lượng lớn người lao động.
Các yêu cầu tuyển dụng sẽ đặt ra khá cao ở tất cả vị trí. Tuy nhiên, nhân sự cho hàng không là ngành nghề đặc thù, có điều kiện về đảm bảo an ninh và an toàn. Các đơn vị đào tạo ngành, nghề lĩnh vực hàng không cần được sự cấp phép của cơ quan chuyên môn trước khi làm việc.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đồng Nai, việc chuẩn bị nhân sự cho sân bay Long Thành là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.
Từ năm 2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai đã chủ động làm việc với Cục Hàng không Việt Nam về nhu cầu nhân lực phục vụ dự án sân bay Long Thành. Qua đó, dự báo số liệu, cung cấp thông tin về tiêu chuẩn, ngành nghề, nơi đào tạo và nhu cầu tuyển dụng cho các đơn vị liên quan cùng phối hợp.
Theo bà Hiền, thực trạng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Đồng Nai rất thuận lợi cho việc đáp ứng nhu cầu đào tạo khi dân số của tỉnh tính đến cuối năm 2022 khoảng 3,2 triệu người. Trong đó, độ tuổi lao động từ 15 tuổi trở lên khoảng 1,7 triệu người. Hằng năm, số học sinh tốt nghiệp THPT cũng khoảng từ 30.000 – 35.000 người.
Đồng Nai hiện cũng có 15 trường Cao đẳng, trung cấp và 5 trường học đại học với quy mô tuyển sinh, đào tạo từ 20.000 – 25.000 sinh viên mỗi năm.
Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ của địa phương này hiện vẫn rất thấp, chỉ đạt 22% (năm 2022). Hơn nữa, tất cả các ngành nghề của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh chưa có nghề nào đào tạo chuyên ngành hàng không.
Thay vào đó, các trường chỉ mới đào tạo phục vụ cung cấp lao động kỹ thuật cho các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Điều này khiến Đồng Nai khó “cáng đáng” được việc đào tạo nhân lực cho sân bay Long Thành trong thời gian ngắn sắp tới.
Cũng theo đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, việc đào tạo các ngành nghề phục vụ hoạt động của sân bay cần “trực quan, sinh động” thay vì chỉ giảng giải lý thuyết.
Thế nhưng, việc hợp tác để các cơ sở đào tạo của Đồng Nai tham quan, trao đổi và khảo sát các vị trí đòi hỏi kỹ năng làm việc, qua đó cập nhật, điều chỉnh chương trình giảng dạy… cũng chưa được suôn sẻ.
Nhận định về tầm quan trọng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho sân bay Long Thành, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, cho rằng, nếu không chuẩn bị kỹ, rất dễ phải trả giá trong tương lai.
Không chỉ phục vụ sân bay Long Thành, Đồng Nai còn sẽ phải chuẩn bị nguồn lao động cho hệ sinh thái xung quanh sân bay với diện tích rộng đến 30.000 ha, bao gồm các khu công nghiệp công nghệ cao, hoạt động logistics, công nghiệp bán lẻ, du lịch…
Ông Lĩnh cho rằng, các sân bay có thương hiệu quốc tế đều phải đào tạo nhân lực bài bản thì mới đưa vào sử dụng. Do đó, không thể cẩu thả trong việc đào tạo nhân lực.
Trong kế hoạch dài hạn, tỉnh Đồng Nai cũng đã đề xuất các phương án xã hội hóa giáo dục nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nhân lực ngành hàng không.
Dự thảo văn Quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn hướng đến 2050 đặt ra ưu tiên 1 trong lĩnh vực này là trong năm 2024 – 2025 sẽ kêu gọi đầu tư vào Dự án thành lập Trường trung cấp hoặc Cao đẳng tại xã Bình Sơn (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Dự án đã được quy hoạch với diện tích 4ha, quy mô đào tạo tối thiểu 500 người/năm. Nhóm ngành nghề đào tạo liên quan đến dịch vụ, kỹ thuật ngành hàng không.
Tiếp theo đó, giai đoạn 2024 – 2027, Đồng Nai kêu gọi đầu tư Dự án thành lập Trường Cao đẳng hoặc Trung cấp tại huyện Nhơn Trạch với quy mô 4ha trở lên. Các ngành nghề đào tạo tại dự án này gồm Kinh doanh và khai thác vận tải; Kiến trúc, quy hoạch và xây dựng.
Hiện tại, một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Đồng Nai đã bắt tay vào đào tạo các ngành nghề phục vụ sân bay Long Thành. Có thể kể đến như giữa năm 2023, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã ký kết hợp tác với Học viện Hàng không Vietjet (VJAA) về đào tạo nguồn nhân lực ngành hàng không.
Hai bên sẽ phối hợp đào tạo 4 ngành nghề, bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2023 – 2024. Trong đó, tất cả sinh viên phải đạt trình độ Anh văn TOEIC 450 thì mới được học các môn chuyên ngành hàng không.
Lilama 2 cũng đang hợp tác với Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) để đào tạo một số ngành trong lĩnh vực kỹ thuật hàng không, thời gian đào tạo kéo dài 3 năm.
Trong đó, học viên sẽ học 2 năm tại trường và 1 năm thực hành trên các loại máy bay tại VAECO. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, số lượng tuyển sinh và đào tạo tại trường không đáng kể so với nhu cầu.
Ông Nguyễn Xuân Phong - Trưởng ban chuẩn bị khai thác sân bay Long Thành cũng thông tin, trước khi vận hành, sân bay Long Thành phải có đầy đủ nguồn nhân lực để vận hành toàn bộ hệ thống.
Tuy nhiên, năng lực đào tạo của ba cơ sở trực thuộc ACV hiện còn khiêm tốn, nhất là ở mảng nhân lực kỹ thuật cao. Do đó, rất cần sự hợp tác từ các nguồn xã hội hóa khác trong việc huấn luyện, đào tạo nhân sự cho sân bay Long Thành trong thời gian tới.