Tiếp đà phục hồi, Vietnam Airlines kinh doanh khởi sắc trong quý III với biên lãi gộp cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
Thị trường vận tải phục hồi và việc áp dụng các giải pháp điều hành linh hoạt trong cung ứng tải vận chuyển, cắt giảm tối đa chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ… đã giúp Vietnam Airlines tiếp đà lợi nhuận trong 3 quý năm nay.
Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với tổng doanh thu hợp nhất đạt hơn 85.466 tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng trong quý III, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 26.830 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn bán hàng chỉ tăng nhẹ, giúp hãng đạt lợi nhuận gộp hơn 2.740 tỷ đồng, tăng gần 2,5 lần.
Biên lãi gộp ở mức 10,3%, đây cũng là mức lãi gộp cao nhất mà hãng bay này đạt được kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
Trong kỳ, Vietnam Airlines tiết giảm được nhiều loại chi phí như tài chính, bán hàng, quản lý. Trong đó, chi phí tài chính, chủ yếu là lãi vay, chỉ bằng 30% quý III/2023.
Sau khi trừ đi các chi phí, hãng hàng không quốc gia đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 862 tỷ đồng, cải thiện rất nhiều so với khoản lỗ 2.203 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Theo đại diện Vietnam Airlines, mức lợi nhuận đạt được chủ yếu do tiếp tục cải thiện hiệu quả công ty mẹ và cộng hưởng hệ sinh thái các công ty con kinh doanh có lãi so với cùng kỳ năm trước.
Tổng doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ quý III tăng 19,12% so với quý III/2023, tương đương tăng hơn 3.470 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 17,34%, tương đương tăng hơn 3.055,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước (doanh thu nội địa tăng 22,2%, doanh thu quốc tế tăng 11,3%) do Tổng công ty khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa, hầu hết các đường bay quốc tế đã được khai thác và mở thêm các đường bay mới.
Bên cạnh đó, tổng chi phí quý III của công ty mẹ tăng 5,53% tương đương tăng 1.101 tỷ đồng so với quý III/2023 chủ yếu tăng chi phí giá vốn (tăng tương ứng với tăng sản lượng) và chi phí tài chính giảm do ảnh hưởng của tỷ giá cuối kỳ lập báo cáo.
Công ty mẹ lãi gộp về cung cấp dịch vụ đạt hơn 2.021 tỷ đồng tăng 351,6% so cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế tăng hơn 2.368,8 tỷ đồng so với số lỗ quý III/2023.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp hợp nhất và công ty mẹ lũy kế 9 tháng từ đầu năm nay của Tổng công ty đạt lần lượt 6.263,7 tỷ đồng và 1.870,9 tỷ đồng. Đây là kết quả kinh doanh khả quan trong điều kiện kinh doanh vẫn còn các yếu tố rủi ro tài chính và chi phí đầu vào tăng cao.
Mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines đang được cải thiện tích cực, vốn chủ sở hữu hợp nhất của Tổng công ty tính đến ngày 30/9 vẫn âm 11.086 tỷ đồng (đầu kỳ là âm 17.025 tỷ đồng) và vốn chủ sở hữu của công ty mẹ âm 6.506 tỷ đồng (đầu kỳ là âm 8.377 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, áp lực do tăng tỷ giá đồng USD so với đồng nội tệ tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có việc làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không, xung đột vũ trang tại một số quốc gia và khu vực làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng sản phẩm, vật tư, thiết bị ngành hàng không, đồng thời có thể làm thay đổi kéo dài lịch trình, đường bay của các chuyến bay…
Những vấn đề trên sẽ là gánh nặng đối với chi phí quản lý, vận hành khai thác của Vietnam Airlines nói riêng cũng như các doanh nghiệp trong ngành hàng không nói chung trong quý IV năm nay.
Trong 9 tháng đầu năm nay, Vietnam Airlines thực hiện 106.400 chuyến bay an toàn. Vận chuyển hành khách đạt 17,2 triệu lượt, tăng 8,9% so cùng kỳ 2023, vận chuyển hàng hóa, bưu kiện đạt gần 226.000 tấn, tăng 42% so cùng kỳ năm 2023.
Vietnam Airlines đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa, khai thác trở lại hầu hết các đường bay quốc tế và mở thêm các đường bay mới.
Hãng cũng công bố mở đường bay thẳng Hà Nội, TP.HCM - Munich (Đức), Hà Nội - Phnôm Pênh (Campuchia), khai trương loạt đường bay Hà Nội, TP.HCM - Manila (Philippines) và khai thác lại đường bay Hà Nội - Thành Đô (Trung Quốc), Đà Nẵng - Đà Lạt, Đà Nẵng - Buôn Ma Thuột. Đồng thời, Vietnam Airlines khai thác máy bay thân rộng trên các đường bay giữa Việt Nam và Ấn Độ, Singapore, Trung Quốc.
Vietnam Airlines cũng cho biết Tổng công ty đã hoàn thành đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 để hãng sớm phục hồi và phát triển bền vững giai đoạn 2021-2035 và đã báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Theo đề án, trong năm 2024-2025 Vietnam Airlines thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu như tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền. Cùng đó, hãng cũng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hãng đang chuẩn bị sớm kế hoạch hoạt động đáp ứng nhu cầu hành khách quý cuối năm nay và đầu năm 2025 để chủ động điều hành tải cung ứng hợp lý trong các giai đoạn thấp điểm, cao điểm dịp Giáng sinh và Tết dương lịch.