Vietnam Airlines được giao thực hiện các khu hangar bảo dưỡng máy bay tại lô 1 và 2 trong khi lô 3 và 4 giao cho Vietjet. Việc được giao triển khai các hangar bảo dưỡng máy bay tại dự án sân bay Long Thành là mong muốn bấy lâu nay của hãng hàng không Vietjet.
Chiều tối 20/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã đi thị sát, kiểm tra tiến độ thi công Nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai).
Tại cuộc họp sau buổi thị sát, Thủ tướng nghe báo cáo về tiến độ thực hiện các dự án thành phần thuộc dự án sân bay Long Thành, giai đoạn 1.
Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết, đối với Dự án thành phần 4 gồm các công trình nhà ga hàng hóa, kho giao nhận hàng hóa, khu xử lý vệ sinh máy bay, khu bảo dưỡng trang thiết bị mặt đất, khu cung cấp suất ăn trên máy bay... hiện đã lựa chọn được nhà đầu tư. Các nhà đầu tư cam kết hoàn thành trong tháng 12 tới.
Vướng mắc hiện nay đó là việc phân chia phần việc của các đơn vị. Trong đó đại diện Vietnam Airlines cho biết khu vực suất ăn, hangar, phục vụ mặt đất, các phần này đã xong phần thủ tục đầu tư. Dự kiến trong tháng 5 tới sẽ đồng loạt khởi công và cơ bản hoàn thành vào 31/12/2025.
Trong khi đó, đại diện hãng hàng không Vietjet cũng mong muốn được tham gia bảo dưỡng máy bay tại sân bay Long Thành. Vietjet cho rằng đơn vị này cũng xứng đáng phục vụ mặt đất, bảo dưỡng máy bay. Vietjet do đó mạnh dạn xin một phần để phục vụ cho đội tàu của hãng bay này.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải xong cơ bản sân bay Long Thành vào 31/12/2025, phải thần tốc để sân bay xong sớm, chào mừng những sự kiện lớn của đất nước, bay chuyến thử nghiệm đầu tiên vào ngày 31/12/2025.
Riêng đối với Dự án thành phần 4, các khu hangar lô 1 và 2 sẽ giao cho Vietnam Airlines, còn lô 3 và 4 giao cho Vietjet để triển khai bảo dưỡng.
Ngay sau khi Thủ tướng “quyết” việc phân chia đồng đều 4 khu hangar cho 2 “ông lớn” hàng không nội địa là Vietnam Airlines và Vietjet, phòng họp liền rộ lên nhiều tiếng vỗ tay đồng tình.
“Các khu hangar cần phải bảo đảm tiếp cận bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết và cùng thi đua làm tốt để hoàn thành các dự án được giao”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Việc có được 2 hangar tại sân bay Long Thành là mong muốn lâu nay của Vietjet khi đội tàu của hãng hàng không tư nhân này ngày càng tăng. Không có hangar bảo trì trong nước, Vietjet phải đưa tàu sang nước ngoài để bảo trì, bảo dưỡng khiến chi phí tăng cao, thời gian đợi tàu cũng lâu hơn.
Do đó, thời gian qua, Vietjet rất tích cực, nỗ lực trong việc giành quyền được đầu tư một trong các hangar tại sân bay Long Thành. Tuy vậy, đã có lúc Vietjet gần như không còn hy vọng khi Vietnam Airlines đề xuất được thực hiện cả 4 hangar tại cảng hàng không mới này.
Trước đó, hồi cuối năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng máy bay thuộc Dự án thành phần 4 (các công trình dịch vụ mặt đất) tại Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.
Theo quyết định phê duyệt của Bộ Giao thông Vận tải, nhà đầu tư trúng thầu là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Kỹ thuật máy bay (VAECO) - đơn vị thành viên của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Đây là nhà đầu tư đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo dưỡng máy bay tại Việt Nam.
Theo lộ trình đầu tư giai đoạn 1, sân bay Long Thành sẽ có 4 xưởng bảo dưỡng máy bay gồm: Hangar số 1, 2, 3 và 4.
Hãng hàng không Vietnam Airlines đã đề xuất đầu tư cả cụm 4 hangar nói trên. Thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, hãng đã nhận được quyền đầu tư hangar số 1, số 4 và đang tiếp tục xúc tiến giành quyền đầu tư 2 hangar còn lại.
Trước viễn cảnh hãng bay tư nhân không có hangar nào tại sân bay Long Thành, đầu tháng 1/2025 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ GTVT bổ sung 2 dự án hangar số 5 và 6, để mở thêm cơ hội cho các hãng hàng không nội địa.
Dự kiến, mỗi hangar rộng 38.135 m2, đáp ứng quy mô bảo dưỡng tại một thời điểm cho 1 máy bay thân rộng (code E) và 2 tàu bay thân hẹp. Thời gian thi công hangar trong 12 tháng.
Cục khẳng định việc này nhằm đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng khi các nhà đầu tư khác có cơ hội tiếp cận và cung cấp dịch vụ bảo dưỡng máy bay, đặc biệt là các hãng hàng không có quy mô đội máy bay lớn.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, các hãng bay nội địa đang sở hữu tổng cộng 199 máy bay. Trong đó, Vietnam Airlines có 95 máy bay, Vietjet Air có 92 máy bay. Các hãng còn lại như Bamboo, Pacific, Vietravel sở hữu lượng máy bay khiêm tốn.
Hiện, Vietnam Airlines là hãng bay duy nhất sở hữu các hangar bảo dưỡng máy bay tại Việt Nam, thông qua công ty thành viên Vaeco. Vietjet Air cũng có đội bay hùng hậu, nhưng chưa thiết lập được hangar, phải đưa máy bay ra nước ngoài bảo dưỡng với chi phí đội lên cao.
Theo lộ trình phát triển đội bay trong năm 2025, lượng máy bay của Vietjet có thể tăng lên 158 chiếc, vượt xa Vietnam Airlines (102 chiếc). Do đó, nhu cầu về một hangar bảo trì, bảo dưỡng máy bay của Vietjet là vô cùng cần thiết đối với hãng bay này.