Vietjet Air

Vì sao Vietjet Air phải bảo dưỡng tàu bay ở Lào?

An Huy 30/09/2024 11:29

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo mới đây tiết lộ Vietjet Air đang vận hành hơn 100 tàu bay nhưng không có khu bảo dưỡng (hangar) ở Việt Nam. Hàng trăm cán bộ kỹ thuật của Vietjet đang thực hiện bảo dưỡng kỹ thuật tàu bay ở sân bay Wattay (Lào) trong liên doanh với Lao Airlines.

opensky_z62_7878.jpg
Tàu bay của Vietjet Air hạ cánh tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: Thắng Nguyễn.

Bảo trì, bảo dưỡng là khâu quan trọng trong quá trình vận hành tàu bay của các hãng hàng không. Việc có hangar và tự chủ hoạt động bảo dưỡng sẽ giúp giảm chi phí vận hành các các hãng bay, từ đó góp phần giảm giá vé, tăng hiệu quả hoạt động.

Hangar liên doanh của Vietjet Air và Lao Airlines mới đi vào hoạt động từ năm ngoái, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và có thể thực hiện C - Check cho cả tàu bay thân hẹp A320, A321 và thân rộng A330 trong đội bay của Vietjet Air.

Ở trong nước, Vietjet Air cũng đang thực hiện các dự án đầu tư hangar ở nhiều sân bay nhằm đáp ứng nhu cầu bảo dưỡng đội bay lớn và liên tục tăng nhanh. Cụ thể, từ năm 2017, hãng đã thực hiện thủ tục thuê đất tại sân bay Cam Ranh để xây dựng khu sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay. Tuy nhiên đến nay dự án chưa được hoàn thành.

Tại miền Trung, sau khi Quy hoạch điều chỉnh CHKQT Đà Nẵng được phê duyệt (dự kiến quý III năm nya), Vietjet Air cũng sẽ tham gia đấu thầu dự án hangar bảo dưỡng tàu bay tại đây.

Năm ngoái, hãng đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Nhà máy A32 đầu tư xây dựng hangar bảo trì tàu bay của Vietjet tại khu đất của Nhà máy A32 tại sân bay Đà Nẵng, tổng mức đầu tư khoảng 50 tỷ đồng.

Vietjet Air cho biết các thủ tục liên quan đến phương án sử dụng đất đã được Nhà máy A32 hoàn thiện và gửi lên Bộ Quốc phòng xin phê duyệt. Kế hoạch năm nay sẽ tiếp tục hoàn thiện thủ tục để khởi công xây dựng hangar tại Nhà máy A32.

Trong kế hoạch đầu tư năm 2024, Viejet Air dự kiến tham giá đấu thầu dự án xây dựng 2 khu hangar tại sân bay Long Thành. Đây là kế hoạch quan trọng của Vietjet Air trong việc đầu tư các dự án tại sân bay Long Thành, trị giá hơn 1.500 tỷ đồng, bao gồm cả khu bảo trì phương tiện mặt đất, vệ sinh tàu bay, hangar, cung ứng suất ăn và trung tâm điều hành bay.

Liên quan đến các dự án này, hồi tháng 6, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt thông tin dự án đối với 2 hangar số 1 và số 4 tại sân bay Long Thành, tổng giá trị 785 tỷ đồng/hangar. Dự án sẽ được đấu thầu rộng rãi trong nước, kêu gọi nhà đầu tư xây dựng và nhận quyền kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng máy bay. Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư là quý II-III năm nay.

Hangar bảo dưỡng là hạng mục mà hãng bay nào cũng muốn được sở hữu, đặc biệt tại các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất hay sắp tới là Long Thành.

Tại Việt Nam, Vietnam Airlines là hãng hàng không duy nhất tự chủ được khâu bảo dưỡng máy bay thông qua công ty con là Công ty Kỹ thuật máy bay VAECO. Công ty này có 6 hangar tại 2 cơ sở ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Các hãng hàng không còn lại phải thuê hangar hoặc đưa máy bay ra các cơ sở nước ngoài để bảo dưỡng như Vietjet Air đang thực hiện tại Lào.

Sân bay Tân Sơn Nhất từng có 2 hangar của Công ty Kỹ thuật hàng không Ngôi Sao Việt, đáp ứng phần nào nhu cầu của các hãng. Khi các hangar này phải di dời để lấy mặt bằng thi công nhà ga T3, việc tìm kiếm nơi bảo dưỡng máy bay càng trở nên khó khăn.

Thị trường hàng không ngày càng phát triển với số lượng chuyến bay đi và đến các sân bay Việt Nam ngày càng lớn, kéo theo nhu cầu bảo dưỡng, sữa chữa tàu bay tăng cao. Điều này cũng thu hút nhiều doanh nghiệp liên quan hàng không tham gia vào lĩnh vực này.

Từ năm 2010, Công ty phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) thuộc ACV đã lập liên doanh SAAM - Công ty Dịch vụ bảo dưỡng máy bay CHK Miền Nam - với SIA Engineering thuộc Singapore Airlines. SAAM cung cấp chứng nhận bảo trì máy bay, dịch vụ kỹ thuật và phi kỹ thuật tại sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh và Đà Nẵng.

Trước đó năm 2008, một nhóm kỹ sư hàng không có kinh nghiệm lâu năm trong ngành đã thành lập Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Hàng không AESC. Đây là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được FAA (Mỹ) và EASA (châu Âu) cùng với Cục Hàng không Việt nam phê chuẩn là Tổ chức bảo dưỡng Part145, chứng chỉ quan trọng trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu máy bay.

Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam ngoài VAECO còn thành lập một liên doanh với Công ty ST Engineering Aerospace (Singapore) năm 2019 - Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ hàng không Việt Nam Singapore (VSTEA) - cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sữa chữa thiết bị tàu bay (aircraft components) cho nhiều dòng máy bay. Doanh nghiệp này cũng hỗ trợ các vấn đề kỹ thuật như khí nén, thủy lực, linh kiện điện, điện tử, bánh xe, phanh và thiết bị an toàn

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao Vietjet Air phải bảo dưỡng tàu bay ở Lào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO