Hãng hàng không thế hệ mới của Việt Nam nhận chiếc tàu bay thân hẹp của Airbus sau 2 tháng chờ đợi.
Tối 7/10, giờ địa phương (rạng sáng 8/10, giờ Hà Nội), tại sân bay Orly ở Paris (Pháp), Airbus đã bàn giao tàu bay A321neo tiếp theo cho Vietjet Air. Lễ bàn giao có sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Sự kiện này diễn ra ngay sau khi Vietjet Air ký thỏa thuận thu xếp tài chính cho 4 tàu bay trị giá 560 triệu USD với Castlelake.
Tàu bay A321 thế hệ mới của Vietjet mang hình ảnh biểu tượng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp.
Theo thông báo của Vietjet hồi đầu tháng 8, hãng dự kiến nhận thêm 10 tàu bay mới, phần lớn là A321neo ACF nhằm tăng khả năng cung ứng tải của hãng trong bối cảnh thị trường hàng không toàn cầu khan hiếm tàu bay và nhu cầu di chuyển tăng cao.
Theo kế hoạch, đội tàu bay mới bắt đầu được giao đến hãng từ tháng 8 và hoàn tất vào cuối năm. Tuy nhiên, thực tế, đến đầu tháng 10, Airbus mới có thể giao hàng. Đây là tàu bay A321neo thứ 2 Vietjet nhận trong năm, chiếc đầu tiên được giao trong tháng 2.
Ngoài ra, Vietjet cũng đã ký hợp đồng đặt mua 20 tàu bay thân rộng thế hệ mới A330neo (A330-900) của Airbus với tổng trị giá 7,4 tỷ USD. Tuy nhiên, tình hình giao hàng liên tục suy giảm của Airbus trong những tháng gần đây khiến kế hoạch mở rộng đội tàu bay của Vietjet có thể không như kỳ vọng.
Sản lượng tàu bay của Airbus trong tháng 8 chỉ đạt 47 chiếc, giảm 30 chiếc so với tháng 7. Reuters cũng vừa dự báo nhà sản xuất máy bay châu Âu chỉ có thể giao khoảng 50 tàu bay trong tháng 9.
Để đạt được kế hoạch giao hàng của mình cũng như trả hết các đơn hàng theo kế hoạch cho các hãng hàng không, Airbus cần tăng sản lượng lên 91 tàu bay mỗi tháng trong khi sản lượng cao nhất trong năm chỉ đạt 77 chiếc.
A321neo ACF (Airbus Cabin Flex) là một trong những dòng máy bay hiện đại nhất hiện nay của Airbus. Mẫu tàu bay có cấu trúc khoang hành khách được cải tiến thiết kế, đảm bảo tiêu chuẩn về kích thước và khoảng cách giữa các ghế, mang lại trải nghiệm bay tối ưu.
Dòng tàu bay này còn giúp giảm tiếng ồn, giảm tiêu thụ nhiên liệu đến 16% và hạn chế lượng khí thải ra môi trường tới 50%.
Năm 2019, Vietjet Air là hãng hàng không đầu tiên trên thế giới đưa vào khai thác dòng máy bay này.
Để phục vụ cho việc mở rộng đội bay, trong 6 tháng đầu năm, Vietjet Air đã tăng vay nợ ròng thêm khoảng 4.000 tỷ đồng, bao gồm các khoản vay ngắn hạn được cung cấp bởi MSB, VIB, VietinBank và 1.300 tỷ đồng trái phiếu kỳ 60 tháng.
Phần lớn số tiền vay thêm được hãng bổ sung vào các khoản đặt cọc mua tàu bay phải nhận trong vòng 12 tháng tiếp theo. Việc tăng các khoản đặt cọc theo lộ trình của các hợp đồng thuê/mua để hãng nhận tàu mới vào đầu năm 2025.