Các hãng hàng không đã tham gia vào cuộc chạy đua ứng dụng AI để cải thiện hoạt động, tối ưu chi phí, gia tăng trải nghiệm khách hàng...
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tác động đáng kể đến nhiều khía cạnh quan trọng của ngành hàng không. Các hãng bay tìm cách tận dụng tối đa năng lực AI để quản lý giá cả, tối ưu doanh thu và chi phí, dự báo nhu cầu, cung cấp ưu đãi và trải nghiệm cá nhân hóa cho khách hàng...
Hãng hàng không quốc gia Hà Lan KLM xem AI như một phương tiện giảm phát thải và rác thải.
“Chúng tôi đang sử dụng AI để tối ưu hoá việc phục vụ ăn uống trên máy bay, giảm chất thải và trọng lượng tàu bay”, CEO Marjan Rintel của KLM cho biết.
Hãng này đã tìm hiểu chính xác lượng thực phẩm cần mang lên tàu bay và sử dụng AI để tìm ra món ăn nào được hành khách yêu thích nhất. Điều này cho phép KLM điều chỉnh cách đặt hàng, giúp giảm đáng kể chất thải rắn.
Việc mang ít hơn đồ dùng, thực phẩm lên máy bay tưởng chừng chỉ là sự thay đổi nhỏ nhoi, nhưng nhân lên hàng chục nghìn chuyến bay thì sẽ giúp tiết kiệm lượng lớn nhiên liệu, giảm phát thải ra bầu không khí và giảm chất thải rắn ra môi trường.
Ba hãng hàng không lớn nhất Mỹ gồm United Airlines, American Airlines và Delta Air Lines đã góp mặt trong cuộc đua AI. United Airlines sử dụng AI để hỗ trợ hành khách bay nối chuyến. Hãng triển khai công nghệ AI có tên Connection Saver để cung cấp cho hành khách thông tin về chuyến tiếp theo trong hành trình.
Công cụ này gửi cho hành khách - những người đã bật nhận thông báo trên điện thoại - một tin nhắn văn bản nêu chi tiết vị trí cổng ra máy bay cho chuyến bay nối chuyến và thời gian cần thiết để đến đó.
Trong khi đó, American Airlines sử dụng công nghệ Smart Gating. Công nghệ này tự động chỉ định chuyến bay đến cổng gần nhất còn trống, nhằm giảm thời gian máy bay phải chờ đợi
Từ tháng 12/2023, Delta Air Lines bắt đầu thử nghiệm AI để đặt chỗ và xác định số tiền mà khách hàng sẵn sàng trả cho các sản phẩm cao cấp ngoài giá vé cơ bản. Tổng giám đốc điều hành Ed Bastian của hãng hy vọng AI giúp rút ngắn thời gian khách hàng nhận được câu trả lời về đặt chỗ.
Alaska Airlines đang thử nghiệm một công cụ AI tìm kiếm chuyến bay nhằm hỗ trợ du khách lập kế hoạch chuyến đi và đổi điểm thành viên.
Công cụ này cho phép người dùng tìm kiếm điểm đến dựa trên chủ đề họ quan tâm, chẳng hạn như bãi biển ở Phú Quốc hoặc kỳ nghỉ ở Sa Pa. Hành khách cũng có thể tìm kiếm chuyến bay mà họ được phép đặt vé ưu đãi bằng cách trừ vào điểm thưởng.
Các nhà sản xuất máy bay cũng sớm ứng dụng AI. Boeing sử dụng AI trong hệ thống “Quản lý sức khỏe máy bay”. Hệ thống này theo dõi máy bay trong khi hoạt động và dự đoán vấn đề tiềm ẩn về an toàn bay, đưa ra cảnh báo kịp thời để hãng hàng không xem xét mang đi bảo dưỡng.
Trong khi đó, Airbus ứng dụng Skywise - nền tảng kỹ thuật số dùng AI để phân tích dữ liệu chuyến bay. Skywise có thể dự đoán các sự cố kỹ thuật có thể xảy ra, cho phép thực hiện biện pháp chủ động để hạn chế.
Tựu trung, AI có 3 vai trò chính trong ngành hàng không.
Quản lý doanh thu và định giá: AI và công nghệ máy học (machine learning) được triển khai để nâng cấp quy trình quản lý doanh thu: định giá, dự báo nhu cầu và phân khúc khách hàng.
Giải pháp AI cho phép các hãng hàng không tận dụng dữ liệu để lập kế hoạch kinh doanh tốt hơn và dự báo chính xác hơn, giảm nguy cơ gián đoạn và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Bằng cách tận dụng AI, các hãng hàng không có thể tối ưu hóa hàng tồn kho, dự kiến giúp họ tiết kiệm hàng tỷ USD.
Doanh thu phụ trợ: AI giúp gia tăng doanh thu phụ trợ, đó là doanh thu bổ sung từ phí hành lý, lựa chọn chỗ ngồi và mua hàng trên chuyến bay. Sự hỗ trợ của AI trong khía cạnh này mang đến cơ hội trị giá hàng tỷ USD để các hãng hàng không nâng cao lợi nhuận.
Trải nghiệm của khách hàng: Theo một cuộc khảo sát, 61% lãnh đạo trong ngành hàng không tin rằng tác động đáng kể nhất của AI trong ngành là cung cấp ưu đãi và trải nghiệm cá nhân hóa cho khách hàng. Sự cá nhân hóa này là chìa khóa để cải thiện sự hài lòng và trung thành của khách hàng.