An toàn

UAV - Công cụ đắc lực ứng phó thảm họa

Hoàng Hà 13/09/2024 06:09

Với khả năng hoạt động linh hoạt trong điều kiện địa hình và thời tiết khó khăn, thiết bị bay không người lái (UAV) giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hai thành viên tổ bay chuẩn bị trước khi cất cánh ở Hà Nam (Trung Quốc). Ảnh: JOUAV.
Hai thành viên tổ bay chuẩn bị trước khi cất cánh ở Hà Nam (Trung Quốc). Ảnh: JOUAV.

Những chiếc UAV hiện đại không chỉ giúp đỡ trong việc tìm kiếm và cứu nạn mà còn hỗ trợ quản lý thảm họa từ giai đoạn ngăn ngừa, ứng phó đến phục hồi sau thảm họa.

Trung Quốc - UAV trong cứu trợ lũ lụt

Năm 2021, Trung Quốc phải đối mặt với một trong những trận lũ lụt lớn nhất tại tỉnh Hà Nam, miền Trung nước này, với hàng nghìn người bị cô lập do mưa lớn và ngập lụt.

f04cf606-dcfa-45b5-9036-0c9d021ec94f.jpeg
Chiếc UAV Wing Loong II của Trung Quốc tại Triển lãm hàng không Paris lần thứ 52 tại Sân bay Le Bourget, Pháp, ngày 20/6/2017. Ảnh: CFP.

Trong hoàn cảnh khắc nghiệt đó, các UAV đã đóng vai trò chủ chốt trong việc duy trì liên lạc và cứu trợ. Đáp ứng yêu cầu khẩn cấp từ Bộ Quản lý Khẩn cấp, China Mobile - nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới tính theo số lượng thuê bao - đã điều động máy bay không người lái Wing Loong II từ tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc, đến thành phố Củng Nghĩa, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Hà Nam.

Theo China Mobile, máy bay không người lái của họ dựa vào các trạm cơ sở viễn thông không dây và tín hiệu truyền thông ổn định, có thể cung cấp vùng phủ sóng liên tục hơn 50 km2, đảm bảo hoạt động ổn định và liên tục trong 24 giờ mà không cần dừng lại.

Ngoài ra, chi phí sản xuất của Wing Loong II tương đương với một vệ tinh Starlink và chỉ cần vài chiếc là có thể hoạt động trên phạm vi toàn quốc.

Bên cạnh đó, các thiết bị cứu trợ thông minh do công ty Yunzhou Tech tại Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, sản xuất cũng đã được sử dụng để hỗ trợ công tác cứu trợ. Tổng cộng, Yunzhou Tech đã phân bổ 118 thiết bị thông minh để hỗ trợ các đội cứu hộ, cứu nạn tại Hà Nam.

Yunzhou Tech cũng điều động một loạt máy bay không người lái và các nhà vận hành chuyên nghiệp đến Hà Nam để hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn địa phương và cung cấp các khóa đào tạo về cách sử dụng thiết bị cứu hộ.

Các thiết bị cứu nạn thông minh này có thể chịu tải tối đa 3 người lớn và hoạt động từ xa ở khoảng cách tối đa 800 m. Chúng có thể hoàn thành nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn dưới sự điều khiển của người vận hành, đại diện công ty cho biết.

DJI, công ty sản xuất máy bay không người lái có trụ sở tại Thâm Quyến, Quảng Đông, cũng huy động những người vận hành và vật tư sẵn có tại địa phương để hỗ trợ các công việc cách ly và khử trùng. Máy bay không người lái đã trở thành một lực lượng quan trọng trong các nỗ lực cứu hộ.

da7889b8-8adb-446f-9f1b-6facc5720aa7.jpeg
Đội cứu hộ giải cứu người lớn tuổi, trẻ em mắc kẹt trong một trường đại học ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, trong trận lụt tháng 7/2021. Ảnh: Global Times.

Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc cũng thông báo rằng các vệ tinh quan sát thời tiết, liên lạc và định vị của họ đã cung cấp thông tin thiết thực cho công tác cứu hộ tại địa phương.

Các thiết bị cứu hộ và hệ thống cung cấp nước từ xa do Công ty Thiết bị Sân bay Weihai Guangtai tại tỉnh Sơn Đông sản xuất cũng đã được triển khai tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Theo công ty này, hệ thống cung cấp nước từ xa của họ có khả năng cung cấp nước cũng như thoát nước từ khoảng cách hơn 6 km và có thể hoạt động 24/7.

Một ví dụ khác về sức mạnh của các nỗ lực cứu hộ được hỗ trợ bởi công nghệ là việc chia sẻ thông tin cứu hộ qua công nghệ đám mây từ một đối thủ của Google Docs tại Trung Quốc.

Một tài liệu trực tuyến của Tencent Docs, có tên "Thông tin về những người đang chờ cứu hộ" do một sinh viên đại học tên Manto tạo ra, đã nhanh chóng được lan truyền. Tài liệu này đã trở thành cứu sinh cho những người bị mắc kẹt trong lũ lụt khi có thể được chia sẻ, cập nhật bởi nhiều người cùng lúc, trở thành trung tâm phân phối thông tin cho cả các tổ chức và cá nhân sẵn sàng cung cấp nơi trú ẩn tạm thời, hỗ trợ y tế và các hình thức hỗ trợ khác.

Ngăn ngừa và ứng phó thảm họa ở Malawi

Vào tháng 11/2022, công ty chuyên về thiết bị bay không người lái UAV có tên GLOBHE của Thuỵ Điển đã hợp tác với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thực hiện một dự án ngăn ngừa lũ lụt tại Malawi, quốc gia thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

flood-impact-and-landslide-blantyre-sochi-malawi-768x512.jpeg
UAV của GLOBHE ghi lại hình ảnh trong dự án ngăn ngừa lũ lụt tại Malawi. Ảnh: GLOBHE.

GLOBHE triển khai các UAV để lập bản đồ nguy cơ lũ lụt, mô phỏng tình trạng các con sông và dự đoán mức nước trong các sự kiện thời tiết cực đoan. Dữ liệu của UAV kết hợp với dữ liệu vệ tinh đã giúp tạo ra bản đồ có độ phân giải cao, từ đó giúp các cộng đồng địa phương nhận biết rủi ro và có biện pháp phòng ngừa trước khi thảm họa xảy ra.

Một phần quan trọng của dự án là việc truyền đạt thông tin với cư dân địa phương. GLOBHE sáng tác một bài hát ngắn được phát trên radio để giải thích mục đích của dự án và vai trò của UAV trong việc giúp đỡ cộng đồng. Nhờ sự hợp tác này, các cộng đồng tại Malawi đã chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những cơn lũ tiềm ẩn, giúp giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ tính mạng người dân.

Khi thảm họa xảy ra vào tháng 3/2023, GLOBHE tiếp tục triển khai UAV để hỗ trợ hoạt động cứu hộ sau lũ lụt. Trong vòng 24 giờ, 8 UAV và phi công đã được điều động để hỗ trợ tìm kiếm và cứu hộ, giúp xác định những người dân dễ bị tổn thương nhất trong các khu vực bị ngập lụt.

Các UAV trang bị camera và cảm biến nhiệt đã cung cấp hình ảnh thời gian thực về tình hình tại hiện trường, giúp các đội cứu hộ dưới mặt đất xác định các điểm ưu tiên để triển khai cứu hộ.

shutterstockadam-melnyk_1716999940.jpeg
UAV đưa các gói cứu trợ y tế đến người dân bị cô lập. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Sau khi lũ qua đi, UAV tiếp tục hỗ trợ trong giai đoạn phục hồi, giúp đánh giá thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng và nhà cửa, đồng thời cung cấp dữ liệu quan trọng cho các công ty bảo hiểm. Nhờ dữ liệu chính xác từ UAV, các gia đình và doanh nghiệp đã nhanh chóng giải quyết được các yêu cầu bồi thường và tiếp tục quá trình tái thiết.

Cứu hộ, cứu nạn và truy bắt tội phạm ở Mỹ

Tại Mỹ, UAV đã trở thành công cụ hỗ trợ quan trọng không chỉ trong các hoạt động cứu hộ mà còn trong việc thực thi pháp luật. Tại bang Tây Virginia, lực lượng cảnh sát và đội cứu hộ, cứu nạn đã sử dụng UAV để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ tìm kiếm người mất tích, theo dõi tội phạm đến kiểm soát hỏa hoạn.

Với khả năng quan sát bằng tia hồng ngoại và tầm nhìn ban đêm, UAV có thể nhanh chóng xác định vị trí các nghi phạm lẩn trốn trong các khu vực rừng rậm hoặc ban đêm.

Lực lượng chức năng sử dụng UAV để thực hiện công việc cứu hộ, cứu nạn trong thiên tai. Ảnh minh họa: Shutterstock.
Lực lượng chức năng sử dụng UAV để thực hiện công việc cứu hộ, cứu nạn trong thiên tai. Ảnh minh họa: Shutterstock.
Theo dõi nghi phạm bằng máy bay không người lái. Ảnh: WBOY.
Theo dõi nghi phạm bằng máy bay không người lái. Ảnh: WBOY.

Trong một vụ cháy rừng gần 30 mẫu Anh (khoảng 12 ha) tại Cooper Rock vào tháng 3/2020, UAV đã giúp đội cứu hỏa xác định các điểm nóng và những khu vực cần ưu tiên kiểm soát, từ đó ngăn chặn đám cháy lan rộng. Đội cứu hỏa đã nhanh chóng dập tắt đám cháy nhờ dữ liệu quan trọng từ UAV, giúp giảm thiểu thiệt hại cho môi trường và tài sản.

Trong những tình huống bắt giữ con tin và đối đầu vũ trang, cảnh sát tại Tây Virginia đã sử dụng UAV để tiếp cận các tòa nhà nguy hiểm mà không cần phải trực tiếp điều động nhân lực vào bên trong. Các UAV này được trang bị hệ thống liên lạc hai chiều, giúp cảnh sát đàm phán từ xa với các nghi phạm trong thời gian lên tới 6 giờ. Nhờ vậy, lực lượng thực thi pháp luật có thể đảm bảo an toàn cho nhân viên trong khi vẫn kiểm soát được tình hình.

Ứng cứu nhân đạo

Tại các nước khác, công nghệ UAV cũng khẳng định tầm quan trọng trong nhiều tình huống thảm họa nhân đạo, như lũ lụt ở Libya và Mozambique.

shutterstockmahir-alawami_2370520013.jpeg
Hình ảnh lũ lụt ở Lybia tháng 11/2023. Ảnh: Shutterstock.

Nhờ vào khả năng cung cấp hình ảnh trên không chi tiết, UAV đã giúp các đội ứng cứu nhanh chóng xác định những khu vực cần được ưu tiên, từ đó tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực.

Trong trận lụt năm 2023 tại Libya, các máy bay không người lái không chỉ chụp lại không ảnh khu vực bị ngập lụt mà còn giúp xác định các cơ sở hạ tầng bị hư hại, hỗ trợ các công ty điện lực và cung cấp nước trong việc phục hồi hệ thống điện và nước.

Cơn bão Eloise đổ bộ vào Mozambique vào tháng 1/2021 làt ví dụ khác về sự thành công của UAV trong hoạt động ứng cứu. Trong trận bão này, UAV đã được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm người mất tích và đánh giá tác động của cơn bão tại nhiều khu vực khác nhau ở châu Phi. Khả năng bay ngay lập tức sau khi bão đi qua đã giúp UAV cung cấp dữ liệu quan trọng cho các hoạt động cứu trợ và hỗ trợ nhanh chóng đến những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.

Các UAV còn được sử dụng để vận chuyển các gói cứu trợ khẩn cấp gồm thuốc men và thức ăn đến những vùng không thể tiếp cận bằng các phương tiện truyền thống. Ngoài ra, nhờ khả năng bay qua các địa hình hiểm trở, UAV có thể tiếp cận nhanh chóng và tiết kiệm thời gian hơn so với các phương pháp thông thường, giúp tối ưu hóa các nỗ lực cứu trợ.

Những thành công trong cứu hộ, cứu nạn tại những địa điểm kể trên đã chứng minh UAV không chỉ là một công cụ hữu ích mà còn là phương tiện cứu mạng thực sự. Khả năng di chuyển nhanh, cung cấp hình ảnh chi tiết, và hoạt động trong những điều kiện khó khăn đã giúp UAV trở thành một phần không thể thiếu trong các chiến dịch cứu hộ trên toàn thế giới.

Dù có nhiều thành công, việc sử dụng UAV trong cứu hộ, cứu nạn vẫn gặp phải một số thách thức lớn. Hạn chế về phạm vi hoạt động, trọng tải và việc điều khiển đòi hỏi kỹ năng cao đang là những yếu tố cản trở. Đồng thời, vấn đề bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư cũng cần được xem xét khi sử dụng UAV để giám sát từ xa.

Tuy nhiên, tiềm năng của UAV trong việc cứu trợ nhân đạo và ứng phó với thiên tai là không thể phủ nhận. Sự tiến bộ không ngừng của công nghệ UAV đang mở ra những cơ hội lớn hơn trong tương lai.

Từ việc lập bản đồ thiệt hại sau lũ lụt, động đất, thiên tai đến hỗ trợ cảnh sát trong việc bắt giữ tội phạm, UAV đã và đang mở ra những cơ hội mới, giúp cải thiện hiệu quả của các hoạt động cứu hộ và giảm thiểu thiệt hại trong những tình huống khẩn cấp.

Nổi bật
Mới nhất
UAV - Công cụ đắc lực ứng phó thảm họa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO