Phương tiện bay được xem là đối thủ của UAV tàng hình MQ-28 Ghost Bat do Boeing sản xuất được Airbus hé lộ trong tuần này.
Mẫu thiết kế dòng phương tiện bay không người lái (UAV) đời mới của Airbus, có tên gọi là Wingman, được trưng bày tại Triển lãm Hàng không Vũ trụ Quốc tế (ILA) diễn ra từ ngày 5 đến 9/6 tại Berlin (Đức).
Trong lĩnh vực hàng không quân sự, "Wingman" là thuật ngữ tiếng Anh chỉ phi công trên máy bay có nhiệm vụ bảo vệ và hỗ trợ người chỉ huy của một phi đội, đề xuất các lựa chọn chiến thuật để hướng tới sự thành công của các nhiệm vụ được giao.
UAV Wingman của Airbus cũng được thiết kế với vai trò tương tự, nhưng khác ở chỗ đây là phương tiện bay không cần người điều khiển. Hãng sản xuất máy bay số 1 châu Âu cho biết, Wingman dự kiến có thể thực hiện mọi việc từ "trinh sát đến gây nhiễu và tấn công các mục tiêu trên mặt đất hoặc trên không bằng đạn hoặc tên lửa dẫn đường chính xác".
Michael Schoellhorn, Giám đốc điều hành của Airbus Defense and Space (công ty con của Airbus chuyên trách các lĩnh vực quân sự và hàng không vũ trụ), cho biết mô hình của Wingman sẽ được trưng bày tại Berlin theo cách tương tự như "trưng bày một chiếc xe", do không phải tất cả những sản phẩm trưng bày đều có thể được đưa vào sản xuất hàng loạt.
“Không quân Đức đã bày tỏ nhu cầu rõ ràng về một phương tiện bay không người lái di chuyển cùng và hỗ trợ các nhiệm vụ của chiến đấu cơ có người lái trước khi Hệ thống Không chiến Tương lai đi vào hoạt động vào năm 2040," ông Schoellhorn cho hay.
“Ý tưởng về Wingman chính là câu trả lời. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy và tinh chỉnh sự đối mới được sản xuất tại Đức này, để hướng tới việc cung cấp cho Không quân Đức một giải pháp hợp lý với hiệu suất cần thiết để tối đa hóa hiệu quả và nhân rộng sức mạnh các phi đội chiến đấu cơ của họ trong những năm 2030”, vị giám đốc nói thêm.
Cũng theo ông Schoellhorn, mô hình được trưng bày tại ILA Berlin sẽ đóng vai trò là nền tảng và chất xúc tác để thúc đẩy các yêu cầu thiết kế cho từng thế hệ của thiết bị bay Wingman.
Trong quá trình hoạt động, UAV chiến đấu của Airbus được chỉ huy bởi phi công trên các chiến đấu cơ hiện đại như Eurofighter, và có khả năng thực hiện các nhiệm vụ có độ rủi ro cao, gây ra mối đe dọa lớn hơn đối với máy bay có người lái.
Các phi công trên máy bay đóng vai trò "chỉ huy" sẽ luôn có quyền kiểm soát nhiệm vụ đối với loại UAV này. Họ là những người có thẩm quyền ra quyết định cuối cùng, đồng thời được hưởng lợi từ sự bảo vệ và mức độ rủi ro thấp hơn mà việc giao nhiệm vụ chiến thuật cho các UAV mang lại.
Trọng tâm từ việc bổ sung UAV vào các phi đội có người lái là để tăng khối lượng tác chiến tổng thể một cách hợp lý để các lực lượng không quân có thể sánh ngang hoặc gần ngang hàng với quân số của các lực lượng đối lập trong những cuộc xung đột.