Du lịch

Bộ trưởng Văn hóa: 'Du lịch đêm không làm thì thiếu, làm xong lại bỏ'

Vân Khanh 06/06/2024 09:56

Đại biểu quốc hội bày tỏ lo ngại về chất lượng của các sản phẩm du lịch đêm cũng như những nguy cơ tiềm ẩn gây phát sinh tệ nạn xã hội.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng chiều 5/6, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Liên (Quảng Ngãi) cho rằng du lịch đêm là hướng đi đúng đắn, nhưng hiện đơn điệu, chưa đặc sắc để thu hút du khách. Thậm chí, loại hình này tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội.

Đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) thì đặt vấn đề với Bộ trưởng trong việc đổi mới sản phẩm du lịch đêm và lộ trình thí điểm ở 12 địa phương, mở rộng sản phẩm du lịch đêm trong thời gian tới.

"Vấn đề mới và khó"

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm với trọng tâm là hoạt động du lịch đêm, nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Bộ trưởng Văn hoá - Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Chính phủ.
Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Cụ thể, Bộ trưởng lấy ví dụ Hà Nội đã biết phát huy các giá trị di tích, di sản để làm nên sản phẩm, điển hình Văn Miếu - Quốc Tử giám có tour đêm Tinh hoa đạo học, Ninh Bình có Đêm Cố đô Hoa Lư còn TP.HCM có Quận 1 - Sắc màu đêm Sài Gòn.

Các sản phẩm này đáp ứng được một phần nhu cầu của khách. Tuy nhiên, ông nhìn nhận đây là vấn đề mới và khó, bởi sản phẩm du lịch là sản phẩm kinh tế tổng hợp, liên quan nhiều cấp, ngành.

Hiện, Việt Nam vẫn thiếu các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đêm; sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, quy hoạch không gian riêng cho du lịch đêm, nhận thức về phát triển du lịch đêm còn hạn chế.

Để giải bài toán phát triển kinh tế, du lịch đêm, ông Hùng cho rằng các địa phương cần giải bài toán quy hoạch, xác định địa điểm phát triển kinh tế đêm.

Chính quyền cũng cần có chính sách, chế độ cho những người tham gia và nghiên cứu phát triển thị trường. Ông Hùng nhấn mạnh "du lịch đêm nhiều nơi không làm thì thiếu, nhưng làm xong có khi bỏ lại". Nhiều địa phương phát triển du lịch đêm nhưng chỉ được một thời gian, sau đó khách không đến nữa.

Tiếp tục lấy Hà Nội làm minh chứng, Bộ trưởng cho rằng khu ẩm thực của Hà Nội trước đây rất sầm uất nhưng giờ không có nhiều khách.

Ông đề xuất địa phương xem xét nhu cầu mở thêm các cửa hiệu mua sắm, đưa thêm các gói sản phẩm.

"Hướng tiếp cận là các địa phương cần chủ động nghiên cứu, Bộ VHTT&DL sẽ tham gia, gợi mở một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa để thiết kế, tạo thêm trải nghiệm cho du khách", ông Hùng nói.

Làm được những việc này, Bộ trưởng Văn hóa tin rằng sản phẩm du lịch đêm sẽ tránh đơn điệu và thành công hơn.

Phải có hướng đi rõ ràng

Về gói sản phẩm du lịch đêm, ông Hùng cho biết mới chỉ đưa ra các hướng dẫn và thời gian tới thí điểm ở 12 tỉnh, thành phố, đặc biệt ở các địa điểm lớn.

Ông nhấn mạnh một trong những nguyên lý của thị trường là "bán cái người ta cần, chứ không phải bán cái chúng tôi có".

Phố đi bộ Bùi Viện, một trong những khu phố đêm nổi tiếng của TP.HCM. Ảnh: Georgios Domouchtsidis/Unsplash.
Phố đi bộ Bùi Viện, một trong những khu phố đêm nổi tiếng của TP.HCM. Ảnh: Georgios Domouchtsidis/Unsplash.

Một sản phẩm muốn làm ra nhưng không ai dùng thì rất khó. Trong khi đó, sản phẩm du lịch ban đêm còn phụ thuộc vào thị hiếu, tập quán, thói quen, nhu cầu và nhiều loại khách khác nhau, nên địa phương cần phân loại, phân tầng, phân nhóm, rồi sau đó mới chọn các gói.

Để phát triển du lịch đêm, trong thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp để phát triển sản phẩm du lịch đêm đặc sắc, đồng bộ, chuyên nghiệp.

Theo đó, việc đầu tiên cần quan tâm là xây dựng quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch đêm. Cần xác định khu vực, địa bàn cụ thể để định hướng phát triển tập trung mô hình sản phẩm du lịch đêm, xây dựng mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm đảm bảo kết nối thuận tiện.

Việc nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách phát triển sản phẩm du lịch đêm. Cần rà soát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, thời gian cung cấp dịch vụ, chính sách đối với lao động làm việc đêm; tổ chức đội ngũ an ninh, trật tự nhằm hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho du khách.

Ngoài ra, công tác tổ chức triển khai và quản lý các hoạt động du lịch đêm cũng cần được phát triển các mô hình sản phẩm du lịch đêm theo các hình thức: tuyến phố đi bộ, chợ đêm, không gian du lịch đêm linh hoạt, tổ hợp giải trí đêm riêng biệt. Ban hành các quy chế, quy định, quy tắc ứng xử đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, an toàn, tuân thủ quy định pháp luật...

Công tác quy hoạch được hoàn thiện còn cần quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển nhân lực du lịch; chuẩn hóa quy định về tiêu chuẩn của nhân lực du lịch; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trình độ, các kỹ năng quản lý, giao tiếp, ngoại ngữ… cho các đối tượng tham gia phát triển các dịch vụ du lịch đêm.

Khuyến khích, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển các sản phẩm, các chương trình trình diễn nghệ thuật sáng tạo, ẩm thực truyền thống, đặc sản vùng miền, các tổ hợp vui chơi tổng hợp riêng biệt quy mô lớn, đẳng cấp khu vực và quốc tế.

Cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các đối tượng liên quan tham gia vào phát triển du lịch đêm. Nghiên cứu, đánh giá, dự báo về thị trường khách và sản phẩm phù hợp và triển khai xúc tiến, quảng bá theo chiến lược phù hợp.

Cuối cùng là ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xây dựng, nâng cấp, phát triển hệ thống phần mềm quản lý, báo cáo sự cố, điểm nóng trên các thiết bị di động thông minh; tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá về sản phẩm du lịch đêm; triển khai các ứng dụng, tiện ích hỗ trợ khách du lịch, thanh toán trực tuyến, công nghệ tự động hóa trong cung cấp dịch vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bộ trưởng Văn hóa: 'Du lịch đêm không làm thì thiếu, làm xong lại bỏ'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO