Vietnamairlines

Quốc hội thẩm tra tờ trình về lui hạn trả khoản vay 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines

Nguyệt Quỳnh 20/11/2024 05:04

Chính phủ đề xuất gia hạn thời gian trả nợ tối đa thêm 3 lần (đến ngày 31/12/2027) đối với khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0% của hãng hàng không Vietnam Airlines.

Trong phiên làm việc đầu tuần, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra tờ trình của Chính phủ về một số giải pháp với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Ngân hàng Nhà nước mở rộng chính sách hỗ trợ tài chính cho Vietnam Airlines. Ảnh minh họa: Khánh Huyền.
Đề xuất gia hạn khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines được xem là biện pháp cần thiết để đảm bảo hãng tiếp tục duy trì hoạt động, góp phần giữ vững vai trò chủ đạo trong ngành hàng không quốc gia. Ảnh minh họa: Khánh Huyền.

Theo đó tại tờ trình, Chính phủ đề xuất gia hạn khoản vay tái cấp vốn nhằm hỗ trợ Vietnam Airlines vượt qua giai đoạn khó khăn tài chính do tác động kéo dài từ đại dịch Covid-19. Đây được xem là biện pháp cần thiết để đảm bảo Vietnam Airlines tiếp tục duy trì hoạt động, góp phần giữ vững vai trò chủ đạo trong ngành hàng không quốc gia.

Đa số ý kiến nhận định việc hỗ trợ Vietnam Airlines không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn liên quan đến an ninh hàng không và vị thế quốc gia. Do đó, các ý kiến thống nhất rằng tờ trình sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến tại phiên họp thứ 39.

Đại diện Vietnam Airlines khẳng định rằng các nguồn lực hỗ trợ sẽ được sử dụng một cách minh bạch và hiệu quả, hướng tới mục tiêu ổn định tài chính và phát triển bền vững. Cam kết này thể hiện trách nhiệm của Vietnam Airlines trong việc khẳng định vai trò là hãng hàng không quốc gia, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế đất nước.

Hồi tháng 6, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Phó thủ tướng Lê Thành Long đã trình bày tờ trình số 328/TTr-CP về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội. Đây là khoản vay trị giá 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0%, được đề xuất gia hạn thời gian trả nợ tối đa thêm 3 lần (đến ngày 31/12/2027).

Khó khăn từ đại dịch

Vietnam Airlines từng có vốn chủ sở hữu là 18.608 tỷ đồng vào cuối năm 2019. Trong giai đoạn Covid-19, hãng chịu khoản lỗ lớn, khiến vốn chủ sở hữu âm 17.026 tỷ đồng vào cuối năm 2023, kèm theo khoản nợ phải trả lên tới 74.743 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm nay, tình hình kinh doanh đã khả quan hơn trong điều kiện kinh doanh vẫn còn các yếu tố rủi ro tài chính và chi phí đầu vào tăng cao. Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines đạt hơn 85.466 tỷ đồng, tăng hơn 24,64% so với cùng kỳ năm 2023 và lãi sau thuế 6.263,7 tỷ đồng.

Mặc dù tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines đang được cải thiện tích cực, vốn chủ sở hữu hợp nhất của Tổng công ty tính đến ngày 30/9 vẫn âm 11.086 tỷ đồng (đầu kỳ là âm 17.025 tỷ đồng) và vốn chủ sở hữu của công ty mẹ âm 6.506 tỷ đồng (đầu kỳ là âm 8.377 tỷ đồng).

Những vấn đề như chênh lệch tỷ giá, thị trường lao động, xung đột vũ trang, thiếu hụt tàu bay, chuỗi cung ứng... sẽ là gánh nặng đối với chi phí quản lý, vận hành khai thác của Vietnam Airlines nói riêng cũng như các doanh nghiệp trong ngành hàng không nói chung trong quý IV năm nay.

Khoản vay 4.000 tỷ đồng của Vietnam Airlines

Năm 2020, Quốc hội thông qua gói giải pháp hỗ trợ 12.000 tỷ đồng bù đắp thanh khoản và tăng vốn chủ sở hữu cho Vietnam Airlines. Theo đó, hãng hàng không quốc gia đã ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại SeABank, MSB, SHB với tổng số tiền cho vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0%. Còn 8.000 tỷ để tăng vốn điều lệ qua phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu.

Giải pháp cho vay tái cấp vốn nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020 để góp phần giúp Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng. Đây là một trong các giải pháp của Chính phủ trong vai trò cổ đông Nhà nước nắm giữ 86,19% cổ phần, trong bối cảnh hãng hàng không quốc gia bên bờ vực phá sản, nợ phải trả quá hạn khoảng 6.240 tỷ đồng.

Bản thân Vietnam Airlines cũng đã nỗ lực để tự cứu mình. Ảnh: Khánh Huyền.
Trong 9 tháng đầu năm nay, tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines đã khả quan hơn trong điều kiện kinh doanh vẫn còn các yếu tố rủi ro tài chính và chi phí đầu vào tăng cao. Ảnh: Khánh Huyền.

Sau khi giải ngân 4.000 tỷ đồng dưới hình thức vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại, Vietnam Airlines sử dụng nguồn lực này để thanh toán các khoản nợ quá hạn và thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh phát sinh tại thời điểm giải ngân, tuyệt đối không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.

Tại thời điểm đó, gói hỗ trợ dù muộn hơn so với các hãng hàng không quốc tế nhưng được đánh giá là cần thiết để Vietnam Airlines có thể vượt qua đại dịch. Phía hãng cũng cho biết chỉ đề xuất vay và hỗ trợ chứ không xin ngân sách. Hãng sẽ quy tiền lãi ra cổ phiếu để trả cho Nhà nước và trả trong 3 năm.

Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, Vietnam Airlines cũng triển khai nhiều giải pháp tự thân nhằm cắt giảm chi phí như tái cơ cấu doanh nghiệp, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo quy mô thị trường, tối ưu hóa hoạt động bảo dưỡng tàu bay, đàm phán với các nhà cung ứng giãn, hoãn thanh toán và áp dụng chính sách tiền lương trong giai đoạn Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quốc hội thẩm tra tờ trình về lui hạn trả khoản vay 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO