Quốc tế

Du lịch và hàng không sẽ đổi thay ra sao khi ông Trump tái đắc cử?

Hoàng Hà 07/11/2024 07:22

Sau khi ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, ngành du lịch sẽ đối diện với loạt thay đổi từ chính sách thương mại thuế quan đến bảo vệ người tiêu dùng và môi trường.

us travel industry
Ảnh: Shutterstock

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Donald Trump đã đưa chính sách thương mại lên hàng đầu với các mức thuế nhập khẩu cao, đặc biệt nhắm vào Trung Quốc. Ông áp dụng mức thuế lên đến 25% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, gây ra cuộc chiến thương mại kéo dài mà theo Quỹ Thuế (Tax Foundation), đã khiến người tiêu dùng Mỹ mất khoảng 80 tỷ USD.

Sau khi ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ, có khả năng các chính sách thuế sẽ được mở rộng và áp dụng trên diện rộng, bao gồm mức thuế chung 10% đối với mọi hàng nhập khẩu và mức thuế có thể lên tới 65% đối với các mặt hàng nhập từ Trung Quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường, đặc biệt là ngành du lịch, vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ nước ngoài.

Thuế nhập khẩu đè nặng lên du lịch

Việc áp thuế cao không chỉ ảnh hưởng đến các mặt hàng công nghiệp lớn mà còn tác động đến những sản phẩm nhỏ hơn, chẳng hạn như đồ gia dụng và các vật dụng phục vụ khách sạn.

Nick Burgess, tổng biên tập của trang Trip Trend Setters, nhận xét rằng các mức thuế nhập khẩu cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí phòng khách sạn, từ đó làm tăng giá thành dịch vụ. “Chính sách chủ chốt của ông Trump là đánh thuế cao lên đối tác thương mại lớn làm giảm sức mua của tầng lớp trung lưu”, ông chia sẻ.

gettyimages-1245274703-2bd07d8a3202f2a2c122390aa41dc82bbc361c98.jpg
Ảnh: Getty Images.

Sự gia tăng chi phí các mặt hàng như tủ lạnh, nệm, TV và lò vi sóng – những vật dụng phổ biến trong các khách sạn – có thể sẽ được chuyển cho khách hàng dưới hình thức tăng giá phòng. Như vậy, chi phí lưu trú sẽ đội lên đáng kể và khách du lịch có thể phải trả thêm tiền để bù đắp cho sự tăng giá của các sản phẩm này.

Theo ông Burgess, “người tiêu dùng có thể sẽ cảm nhận rõ áp lực chi phí trong toàn ngành du lịch”, khi mọi thứ từ chỗ ở đến dịch vụ đều bị ảnh hưởng.

Trì hoãn cấp visa, lệnh cấm du lịch có thể lặp lại

Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump từng gây tranh cãi với các quyết định hạn chế nhập cảnh và kiểm soát thị thực chặt chẽ. Một trong những quyết định nổi bật là Sắc lệnh Hành pháp 13769, ban hành vào năm 2017, cấm công dân từ một số quốc gia Trung Đông nhập cảnh vào Mỹ. Chính quyền Biden-Harris đã bãi bỏ lệnh cấm này, nhưng khi ông Trump tái đắc cử, khả năng các lệnh cấm này sẽ quay lại hoặc thậm chí được mở rộng hơn.

Ngoài ra, trong nhiệm kỳ đầu của mình, ông Trump đã thực hiện một số biện pháp khác gây khó khăn cho quy trình cấp thị thực. Chính quyền của ông đã đóng băng tuyển dụng nhân viên xử lý thị thực tại Bộ Ngoại giao, dẫn đến tình trạng chậm trễ kéo dài và thậm chí từ chối cấp thị thực cho nhiều quốc gia được xem là có mối đe dọa an ninh.

nu than tu do
Du khách chụp ảnh gần địa điểm du lịch nổi tiếng, tượng Nữ thần Tự do, tại New York. Ảnh: CTV News.

Kết quả là, những du khách từ các quốc gia này phải đối mặt với thời gian chờ đợi lâu hơn để có được visa du lịch đến Mỹ, điều này làm giảm lượng du khách quốc tế, ảnh hưởng đến doanh thu của ngành du lịch Mỹ.

Quy định minh bạch phí bổ sung có thể bị bãi bỏ

Một trong những chính sách bảo vệ người tiêu dùng mà chính quyền Biden đưa ra là yêu cầu các hãng hàng không phải minh bạch về mọi khoản phí bổ sung khi khách hàng mua vé. Quy định này dự kiến có hiệu lực vào tháng 10, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo rằng khách hàng nắm rõ các khoản phí mình phải trả khi đặt vé máy bay.

Tuy nhiên, khi ông Trump tái đắc cử, các quy định này có thể sẽ bị hủy bỏ, vì chính quyền của ông từng bác bỏ một quy định tương tự trong nhiệm kỳ đầu.

Dự án 2025, tập hợp các đề xuất chính sách bảo thủ mà nhiều cố vấn của ông Trump tham gia xây dựng, cho rằng quy định công khai phí bổ sung là một “gánh nặng” không cần thiết.

Tài liệu của dự án này nêu rõ: “Chính quyền Trump đã cải cách quy trình ban hành các quy định về ‘hành vi không công bằng và lừa đảo’ nhưng chính quyền Biden đã nhanh chóng đảo ngược những cải cách đó”. Nếu các quy định này bị bãi bỏ, người tiêu dùng sẽ khó lòng theo dõi các khoản phí bổ sung và dễ rơi vào tình trạng không biết rõ các khoản chi phí thực tế của mình khi mua vé máy bay.

Hủy các bảo vệ tài chính cho người tiêu dùng

Sau khi ông Trump trở lại, các biện pháp bảo vệ tài chính cho người tiêu dùng mà chính quyền Biden đề ra khó có thể được duy trì. Ông John Breyault từ Liên đoàn Người tiêu dùng Quốc gia cho biết trong nhiệm kỳ đầu, chính quyền ông Trump đã trao cho các hãng hàng không một “món quà phút chót” khi giảm bớt các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Một số biện pháp như hoàn tiền tự động khi chuyến bay bị hủy hoặc chậm trễ, vốn được đưa ra để bảo vệ quyền lợi hành khách, có thể sẽ không còn được duy trì dưới thời ông Trump.

boeing_327634_aal_73710_inflight_1356046218_1023-scaled.jpg
Một số chính sách bảo vệ tài chính cho người tiêu dùng, khách đi máy bay, có thể bị huỷ bỏ. Ảnh: Getty Images.

Joanna Teljeur, biên tập viên của AirAdvisor, khẳng định: “Nếu ông Trump được bầu, những quy định này sẽ không bao giờ được thông qua. Các quy định mới về hoàn tiền tự động cho vé máy bay bị hủy cũng sẽ bị loại bỏ”. Điều này có thể khiến hành khách mất đi các quyền lợi quan trọng và gặp khó khăn trong việc nhận được các khoản bồi thường khi chuyến bay bị hủy hoặc chậm trễ.

Quy định về môi trường giảm mạnh, đầu tư hạ tầng tăng cao

Dưới thời ông Trump, các quy định về môi trường đã được nới lỏng đáng kể. Ông giảm các tiêu chuẩn về chất lượng không khí và nước và hạn chế các biện pháp kiểm soát ô nhiễm đối với các nhà máy và phương tiện giao thông.

Vào ngày 1/6/2017, ông đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cho rằng hiệp định này không công bằng và sẽ làm tổn hại đến kinh tế Mỹ. Sự nới lỏng các quy định môi trường có thể sẽ được đẩy mạnh hơn nữa nếu ông Trump quay lại Nhà Trắng, điều này có thể tác động tiêu cực đến du lịch bền vững và các cam kết về môi trường của ngành.

Ngược lại, ông Trump lại tỏ ra rất ủng hộ các dự án hạ tầng. Trong một cuộc tranh luận vào năm 2016, ông từng mô tả sân bay LaGuardia của New York là “như thuộc thế giới thứ ba” và từ đó đề xuất một kế hoạch cơ sở hạ tầng khổng lồ trị giá 1,5 nghìn tỷ USD, nhằm nâng cấp hạ tầng của Mỹ trong 10 năm.

Dù kế hoạch này gặp khó khăn và chưa được triển khai, nhưng khi tái đắc cử và có một Quốc hội thân thiện, ông có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy các dự án tương tự để cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các sân bay, đường sắt và hệ thống giao thông công cộng. Điều này có thể mang lại lợi ích cho du lịch nội địa Mỹ, đồng thời cải thiện trải nghiệm của du khách trong nước và quốc tế.

Với những thay đổi mạnh tay từ chính sách thương mại, quy định về phí và bảo vệ người tiêu dùng đến môi trường và cơ sở hạ tầng, sự trở lại của ông Trump sẽ mang lại những tác động rõ rệt cho ngành du lịch. Các quyết định của ông không chỉ ảnh hưởng đến giá thành dịch vụ, khả năng di chuyển của du khách quốc tế mà còn tác động đến việc bảo vệ quyền lợi và an toàn tài chính của khách hàng.

Hoàng Hà