Do tình hình bất ổn sau những cuộc không kích của Israel tại Lebanon, nhiều hãng hàng không thông báo tạm ngừng các chuyến bay đến thủ đô Beirut của nước này.
Jordan đã đình chỉ tất cả các chuyến bay của các hãng hàng không nước này đến Beirut (Lebanon) cho đến khi có thông báo mới do căng thẳng khu vực gia tăng và cần đảm bảo an toàn trong hàng không dân dụng.
Tương tự, hãng hàng không EgyptAir (Ai Cập) hủy các chuyến bay đến Beirut bắt đầu từ ngày 24/9. Trong khi đó, tập đoàn Lufthansa Group của Đức thông báo tạm ngừng tất cả các chuyến bay đến Beirut cho tới ngày 26/10.
Qatar Airways (Qatar) thông báo hủy bay đến thủ đô Beirut của Lebanon cho đến ngày 25/9 nhằm bảo đảm an toàn cho hành khách - một ưu tiên hàng đầu của hãng này.
Pegasus Airlines (Thổ Nhĩ Kỳ) hủy các hoạt động bay đến Beirut ngày 24/9 sau khi đánh giá rủi ro về tình hình ở Lebanon.
Hãng hàng không thuê chuyến của Đức Sundair hủy các chuyến bay giữa Berlin (Đức) và Beirut ngày 23-27/9. Trước đó, hãng hủy các chuyến bay Bremen - Beirut cho đến ngày 23/10.
Một liên doanh giữa hãng hàng không Turkish Airlines (Thổ Nhĩ Kỳ) và Lufthansa (Đức) - SunExpress cũng tạm dừng khai thác các chuyến bay đến Beirut cho đến ngày 17/12.
Theo Al Jazeera, tính đến 17h30 ngày 24/9 (giờ Việt Nam), Bộ trưởng Y tế Lebanon Firass Abiad cho biết đã có 558 người chết do các cuộc không kích của Israel vào nước này, trong đó có 50 trẻ em và 94 phụ nữ. Hãng thông tấn Saudi Arabia nhấn mạnh thông tin này bác bỏ tuyên bố của Israel rằng họ chỉ nhắm vào các chiến binh Hezbollah.
Ngoài ra, ít nhất 1.835 người bị thương và 54 bệnh viện đang được huy động đang điều trị cho các nạn nhân.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) đã kêu gọi bảo vệ dân thường sau các cuộc không kích của Israel vào Lebanon hôm 23/9. Al Jazeera cho rằng đây là ngày chết chóc nhất tại đây kể từ cuộc chiến Israel - Hezbollah năm 2006.
"Luật nhân đạo quốc tế rất rõ ràng. Tất cả các bên trong một cuộc xung đột vũ trang phải luôn phân biệt giữa dân thường và những người tham chiến, giữa các mục tiêu dân sự và mục tiêu quân sự", người phát ngôn OHCHR Ravina Shamdasani cho biết trong một tuyên bố.
"Cần phải liên tục chú ý để bảo vệ dân thường và các mục tiêu dân sự. Luật chiến tranh cũng yêu cầu tất cả các bên phải tuân thủ nguyên tắc tương xứng", tuyên bố nhấn mạnh.
Đồng thời, OHCHR kêu gọi các cuộc điều tra độc lập, toàn diện và minh bạch về các vụ việc khiến dân thường bị sát hại hoặc bị thương nghiêm trọng.
Bộ Ngoại giao Palestine cảnh báo việc Israel mở rộng xung đột đối với Hezbollah và kêu gọi các nỗ lực quốc tế mới để chấm dứt chiến tranh.
Hôm 24/9, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian bày tỏ lo ngại về một cuộc xung đột khu vực nhưng cho biết Hezbollah - tổ chức mà Iran giúp thành lập vào năm 1983 - không thể tự mình chống lại Israel.
Người đứng đầu hoạt động đối ngoại của EU Josep Borrell mô tả cuộc xung đột leo thang giữa Israel và Hezbollah gần như là một "cuộc chiến tranh toàn diện".
Giới chức Israel cho biết sự gia tăng không kích vào các mục tiêu Hezbollah ở Lebanon là nhằm buộc nhóm này phải đồng ý với một giải pháp ngoại giao, ngừng các cuộc tấn công vào Israel hoặc đơn phương rút quân khỏi khu vực gần biên giới.