Hãng khác

Mỹ điều tra về cạnh tranh giữa các hãng hàng không lớn

Hoàng Hà 27/10/2024 13:06

Bộ Tư pháp và Bộ Giao thông Vận tải Mỹ vừa khởi động cuộc điều tra lớn về sự cạnh tranh trong ngành hàng không nhằm đảm bảo vé máy bay hợp lý và dịch vụ tốt hơn cho người dân.

Ngày 24/10, Bộ Tư pháp và Bộ Giao thông Vận tải Mỹ chính thức công bố mở cuộc điều tra quy mô lớn về tình hình cạnh tranh trong ngành hàng không. Cuộc điều tra này nhắm đến các vấn đề như sáp nhập giữa các hãng hàng không lớn, hành vi hạn chế cạnh tranh các yếu tố làm ảnh hưởng đến sự sẵn có và giá vé máy bay.

delta-air-lines-and-united-airlines-aircraft-at-lax-shutterstock_1758546641.jpg
Bộ Tư pháp và Bộ Giao thông Vận tải Mỹ khởi động cuộc điều tra lớn về sự cạnh tranh trong ngành hàng không nhằm đảm bảo vé máy bay hợp lý và dịch vụ tốt hơn cho người dân. Ảnh: Shutterstock.

Cụ thể, hai cơ quan này đã phát động yêu cầu cung cấp thông tin (RFI) từ các bên liên quan bao gồm hành khách, phi công, nhân viên mặt đất, hãng hàng không các tổ chức liên quan. Cuộc điều tra nhằm thu thập dữ liệu về các vụ sáp nhập trước đây, hành vi loại trừ hãng nhỏ, quyền tiếp cận sân bay và trải nghiệm của nhân viên trong ngành.

Mở cuộc điều tra về cạnh tranh giữa các hãng hàng không

Ông Jonathan Kanter, trợ lý bộ trưởng phụ trách chống độc quyền của Bộ Tư pháp, chia sẻ: "Chúng tôi muốn lắng nghe từ tất cả những người liên quan đến ngành hàng không, từ hành khách đến các nhà cung cấp dịch vụ, để hiểu rõ hơn về các khó khăn và thách thức mà họ đang gặp phải".

Cuộc điều tra này sẽ kéo dài đến ngày 23/12 năm nay để đảm bảo các bên có đủ thời gian gửi ý kiến đóng góp. Mục tiêu chính là tạo cơ hội cho người dân Mỹ được hưởng dịch vụ hàng không chất lượng hơn với giá cả hợp lý hơn.

Nỗ lực cải thiện dịch vụ, giảm giá vé

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Mỹ, ông Pete Buttigieg, cũng khẳng định tầm quan trọng của việc cạnh tranh công bằng trong ngành hàng không đối với đời sống người dân.

Ông nhấn mạnh: "Người Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào hàng không để di chuyển, không chỉ để làm việc mà còn để thăm gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, nhiều cộng đồng nhỏ đã không còn tiếp cận được với dịch vụ hàng không, khiến việc đi lại của họ trở nên khó khăn hơn".

american-airlines-and-jetblue-aircraft-at-jfk-shutterstock_2407069165.jpg
Chính phủ Mỹ nỗ lực đảm bảo quyền lợi của hành khách trước tình trạng sáp nhập, vốn có thể dẫn đến độc quyền và giá vé cao. Ảnh: Shutterstock.

Ông Buttigieg cho biết việc thúc đẩy cạnh tranh sẽ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ và giảm giá vé, đặc biệt là đối với các khu vực nông thôn và các cộng đồng nhỏ lẻ, nơi ít được tiếp cận với dịch vụ hàng không thương mại.

Đại diện cả hai bộ đều thống nhất rằng cuộc điều tra này nhằm xóa bỏ các rào cản cạnh tranh, mở ra nhiều cơ hội cho người dân được tiếp cận dịch vụ tốt hơn và giá vé hợp lý hơn. Đây cũng là nỗ lực của chính phủ nhằm đảm bảo quyền lợi của hành khách trước tình trạng sáp nhập, vốn có thể dẫn đến độc quyền và giá vé cao.

Tăng cường chống sáp nhập các hãng hàng không

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden từ lâu đã có những động thái mạnh mẽ nhằm kiểm soát các vụ sáp nhập trong ngành hàng không. Tháng 7/2021, Tổng thống Biden đã ký ban hành lệnh hành pháp với mục tiêu thúc đẩy cạnh tranh trong nền kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực dịch vụ như hàng không.

Nhờ đó, Bộ Tư pháp và Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện các biện pháp quyết liệt, như giải tán liên minh giữa American Airlines và JetBlue tại khu vực Đông Bắc (NEA), đồng thời thắng kiện vụ ngăn chặn sáp nhập giữa JetBlue và Spirit Airlines.

Các cơ quan này cũng đã bảo vệ thành công quyền lợi của người dân tại các cộng đồng nhỏ và các hãng hàng không quy mô nhỏ hơn sau khi Alaska Airlines và Hawaiian Airlines tiến hành sáp nhập.

a350_1_3-2.png
Delta Air Lines dẫn đầu thị trường hàng không nội địa Mỹ với 17,7% thị phần. Ảnh: Delta Air Lines.

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Giao thông Vận tải Mỹ, từ tháng 8/2023 đến tháng 7/2024, Delta Air Lines dẫn đầu thị trường nội địa Mỹ với 17,7% thị phần. Ngay sau đó là Southwest Airlines (17,5%) và American Airlines (17,4%). United Airlines chiếm 15,9%, xếp ở vị trí thứ tư. Sau khi sáp nhập, Alaska Airlines và Hawaiian Airlines sẽ chiếm tổng cộng 7,7% thị phần.

Những nỗ lực này của chính quyền Biden không chỉ nhằm kiểm soát sáp nhập mà còn thúc đẩy môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn, mang lại lợi ích to lớn cho người tiêu dùng và giúp cải thiện chất lượng dịch vụ hàng không tại Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mỹ điều tra về cạnh tranh giữa các hãng hàng không lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO