Tốc độ siêu thanh của MiG-31 giúp tên lửa Kh-47M2 Kinzhal nhanh chóng đạt được vận tốc và độ cao cần thiết, khiến đối phương không kịp trở tay.
Tổ hợp tên lửa siêu vượt âm phóng từ trên không của Nga đang sử dụng tại chiến trường Ukraine trở thành mối lo ngại chính đối với các nước phương Tây.
Gần đây Mỹ và Pháp cũng đã công bố loại tên lửa tương tự nhưng mới chỉ trong giai đoạn thử nghiệm, chưa đi vào chiến đấu.
Sức mạnh của tổ hợp này đến từ sự kết hợp hoàn hảo giữa Kh-47M2 Kinzhal, loại tên lửa siêu vượt âm, và MiG-31, máy bay nhanh nhất thế giới.
Dưới đây là một số lý do khiến MiG-31 là sự lựa chọn hàng đầu để phóng “Dao găm” Kh-47M2.
Cả hai khoang của MiG-31 của phi công đều có thiết kế để điều khiển máy bay như nhau. Thông thường phi công phía trước điều khiển bay, còn phi công phía sau phụ trách radar, vũ khí.
Điều này giảm bớt khối lượng công việc của phi công lái và tăng hiệu quả của kíp bay. Các phi công dễ dàng phân chia nhiệm vụ khi sử dụng loại vũ khí tinh vi như tên lửa siêu âm mới Kinzhal.
Để loại bỏ hoàn toàn hệ thống phòng thủ của đối phương, Kh-47M2 cần đạt được độ cao 18-20 km một cách nhanh nhất, từ đó bổ nhào xuống mục tiêu với phương gần như thẳng đứng.
Đạt được điều này, tên lửa cần một thiết bị bay đủ nhanh giúp nó vượt qua tầng không khí đậm đặc ban đầu. MiG-31 chính là lựa chọn tối ưu thực hiện nhiệm vụ này.
Theo Mil.ru, MiG-31 là tiêm kích đánh chặn hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết được biên chế cho không quân Nga. Phương tây gọi MiG-31 là “Foxhound” (Chó săn cáo), ám chỉ tốc độ và khả năng linh hoạt tuyệt vời của máy bay này.
MiG-31 được trang bị động cơ turbine phản lực Aviadvigatel D30-F6 có lực đẩy khoảng 15,4 tấn, cho phép máy bay đạt tốc độ tối đa Mach 1.23 (1.500 km/h) ở độ cao thấp. Tốc độ tới hạn trên độ cao lớn đạt Mach 2,83 (3.400 km/h). Nếu dùng nhiên liệu phụ trội thì tốc độ của MiG-31 vượt qua Mach 3,2 (3.800 km/h).
Đây là vận tốc nhanh nhất mà một chiếc tiêm kích đạt được. Chỉ có một vài máy bay ném bom và máy bay trinh sát có thể vượt qua được tốc độ này.
Trần bay tối đa của MiG-31 là 20 km, bán kính chiến đấu 700 km và bán kính tuần tiễu hơn 3.000 km.
Người ta còn gọi MiG-31 với cái tên "radar bay". Đây là máy bay chiến đấu đầu tiên trên thế giới được trang bị radar quét mạng pha điện tử bị động Zaslon S-800.
Tầm hoạt động tối đa của Zaslon đối với các mục tiêu có kích thước máy bay chiến đấu xấp xỉ 200 km, theo dõi cùng lúc 10 mục tiêu và tấn công 4 mục tiêu trong số đó với tên lửa Vympel R-33 AA-9 "Amos".
Công nghệ này không máy bay chiến đấu nào của Mỹ thời đó có được, cho đến tận năm 2005 khi F-22 ra đời.
Phiên bản nâng cấp MiG-31M, MiG-31D và MiG-31BS được trang bị radar Zaslon-M với antenna lớn và phạm vi dò tìm rộng, có khả năng theo dõi đồng thời 24 mục tiêu, điều khiển tên lửa tấn công 6 mục tiêu cùng lúc.