Công nghệ

Nguy cơ tiềm tàng từ Starlink

Nguyễn Thắng 02/06/2024 07:09

Không thể phủ nhận tác động của Starlink đối với người dân ở khu vực nông thôn và hẻo lánh. Tuy nhiên, khi phạm vi tiếp cận của nó tăng lên, lo lắng về những mối nguy hiểm đến từ hệ thống ngày một tăng.

Trong bài đăng trên X, tài khoản truyền thông của Starlink đã thông báo mạng Internet vệ tinh của SpaceX đang có hơn 3 triệu người dùng gồm cả người dân và các tổ chức tại gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.

Hệ thống vệ tinh dày đặc ở tầm thấp giải quyết vấn đề kết nối Internet cho những vùng mà cáp quang khó có thể vươn tới. Nó cũng là giải pháp liên lạc hữu hiệu cho quân đội các nước, đặc biệt ở những khu vực đang xảy ra giao tranh.

aeolus-smaller-10.jpg
Mối lo ngại về Starlink tăng dần theo số lượng vệ tinh được triển khai. Ảnh: MIT Technology.

Tuy nhiên theo các chuyên gia hàng không vũ trụ, Starlink cũng mang theo nhiều mối nguy hiểm.

1. Rác vũ trụ

SpaceX, công ty mẹ của Starlink, có kế hoạch triển khai khoảng 42.000 vệ tinh vào quỹ đạo thấp của Trái Đất (LEO). Dự án này vẫn đang chờ Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) xem xét. Tháng 12/2022, cơ quan này đã cấp phép cho SpaceX phóng 7.500 vệ tinh thế hệ 2 của Starlink vào LEO.

Mối bận tâm tâm hàng đầu của FCC lúc này khi xem xét đề xuất của tỷ phú Elon Musk là vấn đề về rác vũ trụ. Đến nay, Starlink có khoảng 6.078 vệ tinh trên quỹ đạo, 6.008 chiếc trong số chúng đang hoạt động.

Trên quỹ đạo, vệ tinh có thể gặp trục trặc của phần cứng, bão Mặt Trời hoặc va chạm trong không gian dẫn đến mất khả năng sử dụng. Và ngay cả những thiết bị hoạt động tốt cũng chỉ tồn tại trong không gian khoảng 5 năm.

Các vệ tinh Starlink thế hệ đầu tiên nặng 260 kg. Vệ tinh thế hệ thứ 2 tăng gần 5 lần khối lượng, ở mức 1.249 kg. Để trấn an nguy cơ gây tai nạn, nhà sản xuất tuyên bố vệ tinh của họ sẽ tan rã khi bay qua bầu khí quyển.

Công cụ phần mềm xác định rằng có 1/18.200 khả năng một trong các vệ tinh có thể làm tổn thương hoặc giết chết con người. Mặc dù rất nhỏ, xác suất mảnh vỡ của vệ tinh rơi xuống khu dân cư vẫn tồn tại.

2. Nguy cơ va chạm

Tháng 2/2022, NASA đã nêu rõ nguy cơ va chạm với vệ tinh Starlink của các phi hành đoàn là mối lo ngại thực sự đối với cơ quan này. Ngoài ra, NASA cũng phải phải trì hoãn việc phóng tên lửa do các vệ tinh bay qua.

Chính phủ Trung Quốc đã phát biểu trước Liên Hợp Quốc rằng tàu vũ trụ của nước này phải thực hiện các thao tác khẩn cấp để tránh đâm vào các vệ tinh Starlink.

Những mảnh vụn của vệ tinh nhỏ nhưng tiềm ẩn nguy cơ rất lớn. Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ đã nhấn mạnh một vật thể nặng một kg va chạm với tốc độ 10 km/s có thể phá vỡ tàu vũ trụ nặng 1.000 kg. Khi vỡ ra như vậy, vô số mảnh lớn hơn 1 kg sẽ được tạo ra.

SpaceX đã đưa ra phản hồi mỗi vệ tinh đều có hệ thống chống va chạm tích hợp giúp thay đổi hướng của vật thể khi xác suất va chạm lớn hơn 1/100.000 (tiêu chuẩn ngành là xác suất 1/10.000).

Tất cả các vệ tinh Starlink, như đã đề cập ở trên, đều hoạt động ở khoảng cách “tự làm sạch” với Trái Đất, nghĩa là chúng sẽ rơi một cách tự nhiên trong vòng khoảng 5 năm và bốc cháy khi đi vào bầu khí quyển.

3. Mối nguy hiểm an ninh mạng

Khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra, SpaceX đã nhanh chóng giúp quân đội và người dân nước này có thể liên lạc với nhau trực tuyến. Các hệ thống viễn thông khác đã bị đã bị Nga phá hủy hoặc bị vô hiệu hóa bởi tác chiến điện tử.

Tuy nhiên John Scott-Railton, nhà nghiên cứu cấp cao tại Citizen Lab thuộc Trường Munk của Đại học Toronto, cho biết tín hiệu vô tuyến mà Starlink phát ra đều có thể theo dõi được. Do đó, tình báo Nga có khả năng xác định được máy phát tín hiệu và từ đó tấn công những địa điểm đó.

Quân đội Ukraine không phải là những người duy nhất lo ngại về Starlink. Vào tháng 5/2022, cơ quan An ninh quốc gia Trung Quốc đe dọa phá hủy các vệ tinh Starlink do “tiềm năng ứng dụng quân sự to lớn” của chúng.

Không chỉ các chính phủ trên thế giới lo ngại về tác động của Starlink, người dùng cá nhân cũng phải đối mặt với mối đe dọa bị hack.

Nhà nghiên cứu bảo mật Lennert Wouters, vào tháng 8/2022, đã hack thành công thiết bị đầu cuối của Starlink bằng công cụ có giá 25 USD.

May mắn cho Starlink, ý định của Wouter hoàn toàn mang tính học thuật nhưng nó cũng cho thấy nhiều lỗ hổng trong bảo mật của Starlink. Sẽ rất nguy hiểm nếu Starlink được sử dụng trên tàu thuyền, máy bay…

4. Ảnh hưởng đến môi trường

Hai nhà nghiên cứu Aaron C. Boley và Michael Byers, trong một bài viết, cho rằng các chất hóa học của các vệ tinh không còn hoạt động bốc cháy khi quay trở lại bầu khí quyển có thể làm hỏng tầng ozone bảo vệ hành tinh.

Trong tương lai, nếu SpaceX triển khai 42.000 vệ tinh, 24 trong số đó rơi mỗi ngày. Nhôm bị đốt cháy trở thành nhôm oxit (alumina), là chất có tác hại đặc biệt đến lớp bảo vệ Trái Đất.

Bản thân tên lửa mang vệ tinh lên quỹ đạo cũng góp phần gây ra vấn đề. Boley cho biết rất nhiều tên lửa sử dụng nhiên liệu có alumina làm phụ gia. Điều đó tạo ra những lỗ hổng nhỏ tạm thời trong tầng ozone tầng bình lưu.

Hiện tại, chưa có thêm bằng chứng thuyết phục nào ủng hộ quan điểm trên. Tuy nhiên, bộ đôi tác giả trên khẳng định: “Con người đặc biệt giỏi đánh giá thấp khả năng thay đổi môi trường của chúng ta”.

Theo Tổng hợp
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nguy cơ tiềm tàng từ Starlink
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO