Để phát huy lợi thế Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đồng Nai sẽ xây dựng Đề án Xây dựng khu thương mại tự do (Free Trade Zone - FTZ) gắn liền với 2 cực phát triển mới của tỉnh.
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh Cảng biển Phước An, với sự hình thành của sân bay Long Thành, Đồng Nai hội tụ các điều kiện địa lý phù hợp để phát triển mô hình FTZ.
Đầu tháng 1/2025, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai có buổi tiếp và làm việc với đại diện Công ty TNHH CT Strategies Việt Nam (CTS Việt Nam) để nghe báo cáo ý tưởng đề xuất xúc tiến phát triển FTZ kết nối sân bay Long Thành và cảng Phước An.
Từ góc độ của một đơn vị tư vấn về các FTZ, ông Trần Thoang, Giám đốc CTS Việt Nam, cho rằng, FTZ kết nối với sân bay Long Thành hình thành sẽ mang lại các lợi ích như: thu hút đầu tư chiến lược; tăng cường liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu; đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế địa phương.
Khi kết nối FTZ sân bay Long Thành và Cảng Phước An sẽ tạo ra các lợi thế nổi bật như liên kết đa phương thức; tăng năng lực vận chuyển hàng hóa; giảm chi phí logistics; phát triển thành trung tâm logistics Asean. Đồng thời, kết hợp được lợi thế hệ sinh thái các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Đồng Nai hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển FTZ với cấu trúc liên kết giữa sân bay Long Thành, Cảng Phước An và hệ sinh thái các khu công nghiệp, góp phần đưa Đồng Nai trở thành trung tâm logistics, sản xuất và thương mại hiện đại bậc nhất khu vực.
Tại buổi làm việc với CTS Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh thành lập tổ nghiên cứu xây dựng Đề án FTZ kết nối sân bay Long Thành và Cảng Phước An với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành liên quan, đơn vị tư vấn và các chuyên gia để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét vào đầu quý II/2025. Sau khi đề án được phê duyệt sẽ thực hiện các bước tiếp theo.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, thông tin, với đề xuất ý tưởng xây dựng FTZ kết nối sân bay Long Thành và Cảng Phước An, Sở này đã có báo cáo UBND tỉnh cho chủ trương thành lập một tổ nghiên cứu và đề xuất xây dựng đề án. Cùng với đó, Sở Kế hoạch và đầu tư cũng đã làm việc với các sở, ngành liên quan và các địa phương để thảo luận trước một bước về những lợi ích mang lại khi có FTZ.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, cơ hội để địa phương này thực hiện xây dựng FTZ ở giai đoạn này là rất “chín”. Do đó, Sở đã đề xuất lập tổ nghiên cứu để xúc tiến các bước lập đề án.
Về phía UBND tỉnh cũng sẽ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai làm việc cụ thể với đơn vị tư vấn để rà soát lại mô hình FTZ phù hợp trước khi thực hiện các thủ tục tiếp theo. Sau khi lựa chọn được mô hình sẽ rà soát để lựa chọn địa điểm. Nếu gắn với sân bay Long Thành thì lựa chọn địa điểm ở khu vực xung quanh sân bay, nếu gắn với Cảng Phước An thì địa điểm sẽ nằm gần cảng biển này.
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và thành viên Tổ Tư vấn Chính phủ, đánh giá, Đồng Nai có vị trí địa lý đắc địa với sân bay Long Thành và cảng biển Phước An. Việc thành lập FTZ gắn với sân bay, cảng biển nhằm kéo các nhà đầu tư lớn hội tụ về địa phương này là điều khả thi.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Trần Đình Thiên, mô hình FTZ mà Đồng Nai hướng đến phải là mô hình FTZ mới, chứ không phải là mô hình cũ, tức mô hình một khu phi thuế quan.
Cụ thể, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, bản chất FTZ thế hệ mới là tổ hợp của cả một hệ sinh thái gồm: logistics, công nghiệp, cảng, các dịch vụ…, chứ không phải chỉ là một khu liên quan xuất - nhập khẩu, miễn thuế.
Với mô hình FTZ thế hệ mới sẽ không chỉ giúp Đồng Nai giải quyết được vấn đề về tốc độ tăng trưởng kinh tế, mà còn giúp tỉnh tạo được động lực phát triển mới, tạo sức thu hút các nhà đầu tư lớn.
FTZ được hình thành ở nhiều nước như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia... Khi đầu tư vào đây, các doanh nghiệp được hưởng nhiều lợi ích như không phải đóng thuế xuất nhập khẩu; làm bàn đạp để tiếp cận thị trường; thuận lợi về vận chuyển, dịch vụ logistics; kết nối các doanh nghiệp khác trong và xung quanh FTZ. Ở Việt Nam, ngoài Đồng Nai, các tỉnh thành như Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM... cũng đề xuất phát triển FTZ ở địa bàn.
Riêng với Đà Nẵng, hồi đầu tháng 10/2024, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký quyết định phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện nghị quyết số 136 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó có nội dung về Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Theo đó, trong tháng 12/2024, Đà Nẵng hoàn thành việc xây dựng đề án, hồ sơ thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để trình Thủ tướng ban hành quyết định thành lập.
Quý 4 năm 2024 - quý I/2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định, trình Thủ tướng ban hành quyết định thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Đến cuối tháng 11/2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường và Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương đã đồng chủ trì hội thảo tham vấn ý kiến về Đề án xây dựng Khu thương mại tự do tại thành phố này.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường cho rằng, Đà Nẵng nỗ lực xây dựng mô hình Khu thương mại tự do như một bước khơi thông trước, mở đường trước, tạo lối mới, như kỳ vọng và chủ trương của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Tại hội thảo, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam có nhiều nền tảng để thành lập Khu thương mại tự do.
Chính phủ cho phép Đà Nẵng làm thí điểm để rút kinh nghiệm cho cả nước áp dụng. Việt Nam nên học tập từ mô hình ở Dubai, các chính sách đều lấy doanh nghiệp là trung tâm.
“Dubai không kiếm tiền từ thuế, vì thuế thu nhập bằng không và họ kinh doanh bằng cách cho thuê đất, hay gắn với một người địa phương và phải trả tiền hằng năm”, TS Võ Trí Thành nêu ý kiến tại cuộc họp.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, Khu thương mại tự do như một đặc khu kinh tế thu nhỏ. Để thành công đòi hỏi chính sách ưu đãi đầu tư tối đa về miễn giảm thuế.
Ngoài ra, trong phân khu du lịch thương mại, bản chất là mua sắm hàng miễn thuế, cần có chính sách cho khách du lịch nội địa được hưởng một phần ưu đãi như khách quốc tế.
“Cần đề xuất chính sách chung, thành lập một trung tâm chung xử lý các vấn đề của cả Khu thương mại tự do và Trung tâm tài chính, có thể chế chung. Cơ quan quản lý tại đây phải được giao hai thẩm quyền là cấp phép và giám sát”, ông Thành nhận định.
Trong Thông báo số 12/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 13/1/2025, kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp triển khai Dự án Đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành giai đoạn 1 và các dự án giao thông kết nối với dự án, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai xây dựng Đề án Đầu tư FTZ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.