Những cuộc đình công không chỉ khiến hàng nghìn chuyến bay bị gián đoạn mà còn dẫn đến thiệt hại tài chính lớn cho các hãng hàng không và nền kinh tế toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng đình công trong ngành hàng không đang lan rộng trên toàn cầu với sự tham gia của các nhóm nhân sự đa dạng như phi công, thợ máy, tiếp viên hàng không và nhân viên an ninh sân bay. Nguyên nhân chính của làn sóng này là bất đồng về điều kiện làm việc và lương thưởng, đặc biệt trong bối cảnh áp lực công việc gia tăng sau đại dịch COVID-19, khi mức lương và phúc lợi không tương xứng với khối lượng công việc.
Mới nhất, vào ngày 1/10, sân bay Brussels, sân bay lớn nhất của Bỉ, sẽ chứng kiến một trong những cuộc đình công lớn nhất trong lịch sử ngành hàng không nước này. Nhân viên an ninh sân bay Brussels đã lên kế hoạch để đòi hỏi cải thiện điều kiện làm việc và tăng lương. Sự kiện này khiến Brussels Airlines phải hủy bỏ 80% tổng số 203 chuyến bay dự kiến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng nghìn hành khách.
Đại diện của Brussels Airlines cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để giảm thiểu tác động lên hành khách, nhưng việc hủy hàng loạt chuyến bay là không thể tránh khỏi do thiếu nhân viên an ninh”.
Cuộc đình công tại Bỉ chỉ là một phần trong làn sóng lớn hơn tại châu Âu. Mùa hè năm 2024, nhiều sân bay lớn tại Pháp và Đức đã chứng kiến các diễn biến tương tự. Tại Pháp, tiếp viên của Air France đã tổ chức đình công kéo dài ba ngày vào tháng 8, khiến hơn 500 chuyến bay bị hủy.
Tại Đức, sân bay Frankfurt, một trong những trung tâm hàng không lớn nhất châu Âu, đối mặt với cuộc đình công của nhân viên mặt đất và thợ máy vào tháng 7/2024. Sự kiện này làm tê liệt sân bay với hàng trăm chuyến bay bị hủy và hoãn. Đây là lần thứ ba trong năm 2024 sân bay Frankfurt phải đối diện với tình trạng gián đoạn nghiêm trọng và có thể sẽ tiếp diễn nếu các yêu cầu của nhân viên không được đáp ứng.
Từ tháng 6 đến tháng 9/2024, có hơn 20 cuộc đình công lớn nhỏ đã diễn ra tại các sân bay lớn ở châu Âu, ảnh hưởng đến hàng nghìn chuyến bay và gây ra thiệt hại tài chính lớn cho các hãng hàng không.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA)
Euro News cho hay nguyên nhân chính xuất phát từ yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc và tăng lương, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát gia tăng ở Pháp và Đức. Các tiếp viên hàng không, thợ máy, nhân viên mặt đất cho rằng, mức lương hiện tại không còn đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt ngày càng đắt đỏ.
Không chỉ châu Âu, ngành hàng không ở Bắc Mỹ cũng phải đối mặt với các cuộc đình công nghiêm trọng. Vào tháng 9/2024, các phi công của Air Canada đe dọa đình công nhằm phản đối điều kiện làm việc và mức lương. Mặc dù một thỏa thuận đạt được vào phút chót, sự kiện này vẫn gây lo ngại lớn trong ngành. Các phi công yêu cầu tăng lương và phúc lợi để bù đắp cho áp lực công việc ngày càng tăng, nhưng tình trạng căng thẳng vẫn tiếp diễn khi nhiều công đoàn khác cũng đang đòi hỏi điều kiện làm việc tốt hơn.
Tại Australia, kỹ sư và thợ máy của Qantas đã lên kế hoạch đình công vào cuối tháng 9/2024, đe dọa sẽ làm gián đoạn các chuyến bay của hãng. Vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến Qantas trong bối cảnh hãng đang cố gắng phục hồi sau những tổn thất do đại dịch gây ra. Đình công của nhân viên kỹ thuật cũng làm chậm quá trình bảo dưỡng và kiểm tra an toàn máy bay, khiến hoạt động hàng không bị gián đoạn.
Cuộc đình công của hơn 33.000 công nhân tại Boeing là một trong những sự kiện nổi bật trong ngành hàng không năm 2024. Bắt đầu từ ngày 14/9/2024, công nhân tại các nhà máy của Boeing ở Washington, Oregon và California đã đình công sau khi từ chối hợp đồng mà Hiệp hội Thợ máy và Nhân viên Hàng không Quốc tế (IAM) đàm phán với Boeing. Sự kiện đã làm tê liệt việc sản xuất các dòng máy bay bán chạy nhất của Boeing như 737 MAX, 777 và 767, gây lo ngại lớn cho các hãng hàng không.
Mặc dù chưa gây ảnh hưởng ngay lập tức đến các chuyến bay thương mại, song nếu kéo dài, đình công có thể gây chậm trễ trong việc giao máy bay mới cho các hãng hàng không, từ đó ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng đội bay.
TD Cowen, một nhà phân tích hàng không, dự đoán nếu cuộc đình công kéo dài đến tháng 11/2024, Boeing có thể mất tới 3,5 tỷ USD do giảm số lượng máy bay bàn giao. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới các dòng máy bay thương mại mà còn gián đoạn các dự án quốc phòng của Boeing với chính phủ Mỹ.
Art Wheaton, Giám đốc nghiên cứu lao động tại Đại học Cornell, cho rằng: "Boeing đã chịu nhiều tổn thất tài chính trong những năm gần đây và họ không thể để đình công kéo dài mà không tìm ra giải pháp". Công nhân Boeing đang yêu cầu mức tăng lương 40% trong ba năm, cao hơn nhiều so với mức 25% (sau đó nâng lên 30%) mà Boeing đề xuất cho bốn năm. Ngoài ra, họ yêu cầu khôi phục chế độ hưu trí truyền thống bị loại bỏ từ hơn một thập kỷ trước.
Chúng tôi đang đấu tranh cho mức lương xứng đáng, trong khi các giám đốc điều hành của Boeing nhận hàng triệu USD tiền thưởng.
A.J. Jones - Nhân viên kiểm tra chất lượng tại Boeing
Cuộc đình công tại Boeing và các sân bay trên toàn cầu đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về tài chính cho ngành hàng không và nền kinh tế quốc gia. Các hãng hàng không buộc phải điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh, cắt giảm nhân sự và tái cơ cấu chiến lược để đối phó với sụt giảm doanh thu. Brussels Airlines báo cáo mất hơn 14 triệu euro trong quý I/2024 do đình công của nhân viên an ninh và mặt đất, trong khi Lufthansa cũng ghi nhận mức thiệt hại tới 5 triệu euro mỗi ngày đình công.
Không chỉ ảnh hưởng đến hàng không, đình công còn tác động mạnh đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là vận tải hàng hóa. IATA cho biết, đình công vào mùa hè năm 2024 đã làm tăng chi phí vận tải hàng không lên 15%, ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa công nghệ cao, dược phẩm và các sản phẩm dễ hỏng. Sự chậm trễ trong vận tải hàng hóa đã khiến nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào hàng không gặp khó khăn trong việc duy trì chuỗi cung ứng.
Nếu không có các biện pháp mạnh mẽ từ cả các hãng hàng không và chính phủ, tình trạng đình công trong ngành có thể tiếp tục kéo dài và lan rộng. Điều này đặc biệt đáng lo khi các công đoàn lao động kiên quyết đòi hỏi mức lương và điều kiện làm việc cao hơn. Tại Mỹ, nếu cuộc đình công của Boeing kéo dài đến tháng 11/2024, thiệt hại tài chính sẽ tăng, đồng thời gây chậm trễ việc giao máy bay cho các hãng bay toàn cầu.
Sự cạnh tranh giữa Boeing và Airbus cũng đang trở nên căng thẳng hơn khi Airbus có thể tận dụng tình hình để chiếm ưu thế về đơn hàng và mở rộng thị phần, đẩy Boeing vào thế khó.
Art Wheaton khuyến nghị Boeing nhanh chóng giải quyết yêu cầu của công nhân về lương thưởng và điều kiện làm việc. Ronald Epstein từ Bank of America cũng nhấn mạnh rằng Boeing không thể tiếp tục trì hoãn thỏa thuận nếu muốn duy trì vị thế cạnh tranh.
Ngoài ra, các chuyên gia khuyến nghị rằng việc duy trì đối thoại giữa công đoàn và doanh nghiệp là chìa khóa để ngăn chặn các cuộc đình công kéo dài. Sự hợp tác liên tục này giúp cả hai bên hiểu rõ thách thức và nhu cầu của nhau, từ đó có thể đạt được những thỏa thuận hợp lý trước khi căng thẳng leo thang.
Các hãng hàng không và nhà sản xuất máy bay nên tập trung vào đối thoại và duy trì sự hợp tác liên tục với công đoàn. Đây là giải pháp quan trọng để tránh những cuộc đình công kéo dài trong tương lai.
Art Wheaton - Giám đốc nghiên cứu lao động tại Đại học Cornell
Sự tham gia của chính phủ trong việc thiết lập các quy định về lương tối thiểu và điều kiện làm việc cũng rất quan trọng, nhằm tạo ra môi trường làm việc công bằng và ổn định hơn, giúp hạn chế nguy cơ đình công trong tương lai.