Quốc tế

Công nhân Boeing đình công vì làm 6 năm chỉ tăng 2% lương

Thắng Nguyễn 18/09/2024 00:04

Công nhân của Boeing đã tuần hành trên đường phố thay vì chế tạo máy bay từ ngày 13/9, sau khi họ từ chối thỏa thuận tăng lương 25% trong 4 năm.

13boeing-cklf-superjumbo-v2.jpg

Cuộc đình công của 33.000 thợ máy sẽ không làm gián đoạn các chuyến bay của hãng hàng không trong thời gian tới, nhưng ​​sẽ đóng cửa hoạt động sản xuất máy bay phản lực bán chạy nhất của Boeing.

Sự kiện này góp thêm một bước thụt lùi nữa đối với một công ty vốn đã phải đối mặt với khoản lỗ hàng tỷ USD và danh tiếng bị tổn hại trong thời gian qua.

Thỏa thuận lương tồn tại 16 năm

Ngày 12/9, 96% thành viên trong Hiệp hội Công nhân và thợ máy hàng không quốc tế (IAM) bỏ phiếu đình công sau khi từ chối thỏa thuận mà Boeing đề ra.

Ngay sau nửa đêm, những công nhân đình công đã đứng bên ngoài nhà máy Boeing ở Renton, Washington (Mỹ).

Họ cầm trên tay tấm biển ghi dòng chữ "Bạn đã thấy giá nhà chưa?" Tiếng còi xe inh ỏi và một chiếc máy phát những bài hát bao gồm "We're Not Gonna Take It" (tạm dịch: "Chúng ta sẽ không chịu đựng thêm nữa") của Twisted Sister và "Look What You Made Me Do" (tạm dịch: "Nhìn xem bạn đã bắt tôi làm gì") của Taylor Swift.

30.000 công nhân Boeing thuộc công đoàn IAM ngày đình công do CEO mới của Boeing Kelly Ortberg đưa ra thỏa thuận tăng lương 25% trong 4 năm, thấp hơn nhiều so với mức 40% mà họn yêu cầu. Ảnh minh họa: Reuters.
30.000 công nhân Boeing thất vọng về chế độ lương và phúc lợi của Boeing. Ảnh: Reuters.

Nhiều công nhân nói với các phóng viên rằng họ coi mức lương được đề nghị là không đủ khi xét đến mức chi phí sinh hoạt tăng cao ở bờ Tây nước Mỹ. John Olson cho biết lương của ông chỉ tăng 2% trong 6 năm làm việc tại Boeing.

"Thỏa thuận cuối cùng chúng tôi đàm phán là 16 năm trước và công ty đang căn cứ vào mức lương tăng của thời điểm đó để tăng lương. Họ thậm chí còn không theo kịp chi phí lạm phát", người thợ 45 tuổi này cho biết.

Những người khác cho biết họ không hài lòng về quyết định thay đổi tiêu chí tính tiền thưởng hàng năm của công ty.

Boeing nhượng bộ nhưng chưa đủ

Boeing công bố mức thu nhập trung bình năm của thợ máy là 75.608 USD, chưa tính tiền làm thêm giờ. Con số này sẽ tăng lên 106.350 USD vào cuối thỏa thuận 4 năm được đề xuất.

Theo thỏa thuận bị từ chối, người lao động sẽ nhận được khoản thanh toán một lần là 3.000 USD và một phần chi phí chăm sóc sức khỏe bù lại việc giảm bớt khoản tăng lương.

Boeing cũng đáp ứng một yêu cầu quan trọng của công đoàn bằng cách hứa sẽ chế tạo máy bay mới tiếp theo, được dự đoán là dòng 797 tại tiểu bang Washington (Mỹ).

Tuy nhiên, lời đề nghị này không đáp ứng được yêu cầu ban đầu của công đoàn về việc tăng lương 40% trong 3 năm.

boeing-2-gty-er-240913_1726246160337_hpEmbed_3x2 (1)
Hoạt động sản xuất máy bay 737 MAX bán chạy nhất của Boeing bị đình trệ, gây thiệt hại hàng trăm triệu USD mỗi ngày. Ảnh: Getty Images.

Công đoàn cũng muốn khôi phục lại chế độ lương hưu truyền thống, vốn đã bị cắt bỏ cách đây 10 năm.

Người đứng đầu công đoàn địa phương, Chủ tịch IAM Jon Holden, cho biết sẽ lấy ý kiến hội viên để tìm hiểu những vấn đề nào họ muốn được giải quyết khi các cuộc đàm phán được nối lại.

Boeing nói rằng họ sẵn sàng quay lại bàn đàm phán để đạt được một thỏa thuận mới. "Chúng tôi vẫn cam kết thiết lập lại mối quan hệ với nhân viên và công đoàn", đại diện công ty cho biết.

Thế khó của Boeing

Giám đốc tài chính của Boeing Brian West phát biểu tại một hội nghị các nhà đầu tư ở California (Mỹ) ngày 13/9, cho biết công ty rất thất vọng khi đã đạt được thỏa thuận với ban lãnh đạo công đoàn, nhưng lại bị các công nhân từ chối.

Cuộc đình công sẽ khiến Boeing bị thiệt hại lớn. West cho biết Boeing có tổng nợ khoảng 60 tỷ USD và đang tìm cách tiết kiệm tiền mặt.

Cổ phiếu Boeing đã giảm 3,7% vào ngày 13/9, ghi nhận mức giảm gần 40% trong năm qua. Giá trị thị trường của công ty bị giảm khoảng 58 tỷ USD.

boeing-737-renton-kelly-ortberg-2024.jpg
Từ khi nhậm chức, CEO Boeing đã quan tâm hơn tới vấn đề an toàn sản xuất và đời sống của công nhân nhằm xoa dịu tình hình. Ảnh: Boeing.

Ông từ chối ước tính tác động tài chính của cuộc đình công, nói rằng điều đó sẽ phụ thuộc vào thời gian đình công kéo dài bao lâu. Tuy nhiên các nhà phân tích tính toán rằng hãng sẽ mất trên 100 triệu USD mỗi ngày cho đến khi đình công kết thúc.

Trước cuộc đình công, CEO mới Kelly Ortberg đã thu thập phản hồi từ công nhân trong các chuyến thăm nhà máy và ông "đã bắt tay vào làm việc để đạt được thỏa thuận đáp ứng và giải quyết mối quan tâm của họ", West cho biết.

Rủi ro cho cả hai bên

Nhiều sự cố đã bủa vây Boeing trong năm nay, từ vụ bung tấm bịt cửa trên máy bay chở khách của Alaska Airlines vào tháng 1 cho đến việc NASA để hai phi hành gia ở lại không gian thay vì đưa họ về trên một tàu vũ trụ Boeing gặp sự cố.

Các chuyên gia nói với ABC News rằng những khó khăn của công ty đã góp phần tạo tiền đề cho cuộc đình công. Hàng loạt sự cố làm tăng thêm sự thất vọng của công nhân và tạo thêm động lực để họ hành động.

Henry Harteveldt, một nhà phân tích ngành du lịch tại Atmosphere Research Group, cho rằng rằng công nhân coi mình đang bị yêu cầu phải hy sinh những điều cần thiết để duy trì sản xuất, trong khi vấn đề đến từ sự quản lý yếu kém của lãnh đạo công ty.

gettyimages-2170953422-restricted.jpg
Công nhân kỳ vọng mọi yêu cầu sẽ được đáp ứng nhưng nó cũng đem lại rủi ro về việc làm, nếu tình hình kinh doanh của công ty đi xuống. Ảnh: Getty Images.

Các chuyên gia cho biết những sự cố nghiêm trọng của Boeing mà ban lãnh đạo công ty phải chịu trách nhiệm đã tạo điều kiện cho người lao động thu hút sự đồng cảm từ công chúng.

"Cảm tình của công chúng có thể nghiêng về phía người lao động hơn vì tất cả chúng ta đều chứng kiến ​​những sự cố kinh hoàng của Boeing trong vài năm qua", Jungho Suh, giảng viên tại Đại học George Washington (Mỹ), nói với ABC News.

Phân tích của Bank of America Global Research sau khi xem xét 7 cuộc đình công kể từ năm 1948 phát hiện ra rằng Boeing đang ở trong tình thế đặc biệt yếu thế.

Tuy nhiên, việc ngừng làm việc kéo dài có thể gây thêm nguy hiểm cho công ty, vốn đã suy yếu và cuối cùng gây tổn hại cho người lao động.

Art Wheaton, Giám đốc nghiên cứu lao động tại Viện Công nhân thuộc Đại học Cornell ở New York (Mỹ), nói với ABC News nếu Boeing phá sản, người lao động sẽ mất việc.

"Nhưng các vấn đề Boeing gặp phải là hệ quả của việc hy sinh chất lượng để tăng sản lượng máy bay với ít nhân công hơn. Người lao động muốn được trả lương xứng đáng và máy bay an toàn", Wheaton cho biết.

Giải quyết trên bàn đàm phán

Giám đốc điều hành Kelly Ortberg đã thừa nhận những sai lầm của Boeing trong một lá thư gửi cho các thành viên công đoàn trước khi cuộc bỏ phiếu đình công diễn ra.

Kelly Ortberg nói rằng với Boeing, không có gì bí mật khi doanh nghiệp đang trong giai đoạn khó khăn, một phần do những sai lầm trong quá khứ.

“Nhưng một cuộc đình công sẽ khiến quá trình phục hồi của công ty bị đe dọa, làm xói mòn thêm lòng tin của khách hàng và tổn hại đến tương lai chung của chúng ta", Ortberg viết.

gettyimages-2170865140.jpg
Đàm phán thành công cần sự nhượng bộ từ cả hai phía. Ảnh: Getty Images.

Một số chuyên gia cho biết Boeing có thể viện dẫn những khó khăn của công ty để gây áp lực tại bàn đàm phán.

Boeing đang gánh khoản nợ gần 60 tỷ USD, Stephanie Pope, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Boeing Commercial Airplanes, lưu ý trong một lá thư gửi cho các thành viên công đoàn vào đầu tuần này.

Harteveldt thuộc Atmosphere Research Group cho biết nếu cuộc đình công kéo dài, Boeing sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi. Tình trạng này tạo ra nhiều vấn đề tiềm ẩn hơn cho người lao động.

Wheaton từ Đại học Cornell cho biết người lao động và lãnh đạo công ty sẽ trình bày các mong muốn của họ tại bàn thương lượng.

"Đó là lý do tại sao họ phải đàm phán", Wheaton cho biết. "Cả hai bên sẽ không đạt được mọi thứ họ muốn, nhưng phải tìm ra một tiếng nói chung".

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết các quan chức chính quyền Tổng thống Biden đã liên hệ với Boeing và công đoàn.

"Chúng tôi tin rằng họ cần đàm phán một cách thiện chí và hướng tới một thỏa thuận mang lại cho nhân viên những quyền lợi mà họ xứng đáng được hưởng. Điều đó cũng sẽ giúp công ty mạnh mẽ hơn", bà nói.

Nổi bật
Mới nhất
Công nhân Boeing đình công vì làm 6 năm chỉ tăng 2% lương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO