Tài chính

Hàng không thế giới được dự báo phá 3 kỷ lục trong năm 2024

Hoàng Anh 04/06/2024 07:18

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) có những dự báo tích cực về bức tranh hàng không năm nay.

Ngày 2/6, Hội nghị Thường niên Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) lần thứ 80 và Hội nghị Thượng đỉnh Vận tải Hàng không Thế giới khai mạc tại Dubai (UAE) với sự tham dự của các lãnh đạo ngành hàng không thế giới. Song hành với hội nghị, IATA công bố báo cáo tình hình hàng không thế giới đầu năm 2024 và dự đoán triển vọng cả năm.

Hàng không thế giới “đạp gió rẽ sóng"

IATA dự báo hàng không thế giới phá 3 kỷ lục trong năm nay là: tổng doanh thu các hãng hàng không ​đạt 996 tỷ USD (+9,7%); tổng chi phí ​đạt 936 tỷ USD (+9,4%); tổng lượt khách du lịch dự kiến ​đạt 4,96 tỷ lượt.

IATA cũng nâng dự kiến lợi nhuận ròng của hãng bay toàn cầu lên con số 30,5 tỷ USD, tỷ suất lợi nhuận ròng đạt 3,1%. Nếu đạt thành tích này, đó là sự cải thiện rõ rệt so với 27,4 tỷ USD lợi nhuận ròng năm 2023.

Theo dự báo, toàn thế giới sẽ có khoảng 38,7 triệu chuyến bay cất cánh. Con số này thấp hơn 1,4 triệu chuyến bay ước tính hồi đầu năm. Nguyên nhân nằm ở tốc độ giao máy bay chậm chạp vì các vấn đề dai dẳng về chuỗi cung ứng.

Số lượng máy bay dự kiến ​​giao năm nay ​​là 1.583 chiếc, thấp hơn 11% so với kỳ vọng 1.777 chiếc công bố chỉ vài tháng trước. Các hãng bay đang phải dùng lại hoặc tăng công suất những chiếc máy bay cỡ lớn như A380 để ứng phó với sự thiết hụt.

z5505095666882_38cf1509cf0618437f8b2e49c182d7e4.jpg
Các chỉ số tăng trưởng của ngành hàng không theo dự báo của IATA.

Doanh thu từ hành khách dự kiến ​năm nay đạt 744 tỷ USD, tăng 15,2% so với 646 tỷ USD năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng doanh thu từ số km hành khách (RPK) dự kiến ​​là 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngành hàng không đang trên đường hướng tới lợi nhuận bền vững, nhưng vẫn còn một khoảng trống lớn cần bù đắp. Tỷ suất lợi nhuận 5,7% trên vốn đầu tư thấp hơn nhiều so với chi phí vốn lên tới 9%.

Nhiên liệu máy bay dự kiến​ đạt trung bình 113,8 USD/thùng, tương đương tổng chi phí nhiên liệu 291 tỷ USD, chiếm 31% tổng chi phí vận hành. Giá dầu thô tiếp tục bị thổi lên cao vì chi phí lọc dầu thô thành nhiên liệu máy bay dự kiến​ chiếm đến 30% trong tổng chi phí nhiên liệu máy bay.

Chi phí tăng mạnh khiến hãng bay chỉ kiếm được bình quân 6,14 USD trên mỗi hàng khách. “Số tiền đó là dấu hiệu cho thấy lợi nhuận quá thấp. Ở nhiều nơi, 6,14 USD chỉ đủ mua một ly cà phê”, Tổng giám đốc IATA Willie Walsh nói.

Du lịch cất cánh trở lại

Khi đo bằng đồng USD cố định theo tỷ giá năm 2018, giá vé máy bay khứ hồi trung bình năm nay dự kiến ​​là 252 USD, thấp hơn đáng kể so với mức 306 USD của năm 2019. Thống kê cho thấy xu hướng sẵn sàng chi trả cho du lịch hàng không ngày càng tăng. Dữ liệu thăm dò ý kiến ​​​​vào tháng 4 của IATA cho ra kết quả 77% số người được hỏi đồng ý du lịch hàng không rất đáng “đồng tiền bát gạo”.

anh-chup-man-hinh-2024-06-03-luc-23.17.23.png
Hàng không thế giới vút bay trong năm 2024. Ảnh: VegetaTorres.

Khoảng 39% số người được hỏi mong đợi đi du lịch nhiều hơn trong 12 tháng tới so với 12 tháng trước. Phần lớn (54%) nói họ mong đi du lịch nhiều như một năm trước. Chỉ 6% cho biết họ dự kiến đi du lịch ít hơn.

Khoảng 46% số người được hỏi dự định ​chi tiêu nhiều hơn cho du lịch. 45% dự kiến ​​chi tiêu tương tự cho việc đi du lịch trong 12 tháng tới trong khi 9% dự kiến ​​sẽ chi tiêu ít hơn.

Những thách thức với hàng không

Thách thức không bao giờ ngừng bủa vây hàng không. Sau đại dịch là đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu nguyên vật liệu, căng thẳng và xung đột khắp nơi. Khả năng sinh lời của ngành luôn mong manh và có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nhiều yếu tố.

Thứ nhất, sự phát triển kinh tế toàn cầu

Triển vọng của ngành hàng không luôn liên hệ chặt chẽ với các xu hướng kinh tế toàn cầu. Khi lạm phát tăng, lãi suất cao, giá cả hàng hoá phi mã, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, cắt giảm nhân sự tràn lan, nhiều người có xu hướng thắt chặt chi tiêu thay vì đi du lịch bất chấp, du lịch bù đắp như thời kỳ hậu đại dịch Covid-19.

190319-737max.jpeg
Boeing bị cấm tăng sản lượng khiến nhiều hãng bay phải hạ dự báo tăng trưởng. Ảnh: Boeing.

Thứ hai, chiến tranh và xung đột

Tác động của xung đột Nga-Ukraine và Israel-Hamas khiến máy bay dân dụng phải vòng tránh nhiều vùng không phận rộng lớn. Các chặng bay đường dài từ Bắc Mỹ sang châu Á bị ảnh hưởng nặng nhất.

Trước khi Nga đóng cửa không phận với nhiều quốc gia, chặng Bắc Mỹ - châu Á bay theo “Great Circle Distance" (tạm dịch: Vòng tròn lớn") để tiết kiệm chi phí. Vì Trái Đất là không gian 3 chiều, không phải mặt phẳng như trên bản đồ nên đường bay càng gần cực càng ngắn.

Giờ đây, đường bay Bắc Mỹ - châu Á và nhiều đường bay từng dùng không phận Nga phải chuyển hướng bay xa hơn, tốn nhiều nhiên liệu hơn, khiến lợi nhuận suy giảm.

Nguy hại lớn nhất của căng thẳng, xung đột và chiến sự ở nhiều nơi là nó làm trầm trọng thêm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu nguyên vật liệu phục vụ ngành công nghiệp chế tạo.

Thứ ba, rủi ro pháp lý

Các hãng hàng không có thể đối mặt với chi phí tuân thủ, chi phí liên quan đến chế độ quyền lợi của hành khách và các sáng kiến ​​môi trường ngày càng tăng.

2024 là năm có nhiều cuộc bầu cử nhất lịch sử thế giới. Hơn 2 tỷ người ở khoảng 50 quốc gia, chiếm hơn 60% GDP toàn cầu sẽ tham gia bỏ phiếu. Những cuộc bầu cử quan trọng tổ chức ở Nga, Mỹ và châu Âu sẽ định hình bức tranh chính trị thế giới trong năm nay và nhiều năm tiếp theo. Bất kỳ sự chuyển dịch chính trị nào cũng tiềm ẩn nguy cơ gây bất lợi.

IATA là tổ chức nghề nghiệp quốc tế của các hãng hàng không, với sự góp mặt của hơn 300 hãng hàng không đến từ 160 quốc gia, chiếm 83% lưu lượng khách toàn cầu. Trụ sở IATA đặt tại Montreal, Quebec, Canada.

Theo IATA
https://www.iata.org/en/pressroom/2024-releases/2024-06-03-01/
Copy Link
https://www.iata.org/en/pressroom/2024-releases/2024-06-03-01/
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hàng không thế giới được dự báo phá 3 kỷ lục trong năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO