Tin tức

Boeing bị buộc tội đánh cắp bí mật thương mại

Hoàng Anh 02/06/2024 00:01

Mức bồi thường thiệt hại có thể lên tới 250 triệu USD cho vụ kiện chống lại Boeing.

Hôm 30/5, bồi thẩm đoàn liên bang Mỹ tuyên bố Boeing phạm tội đánh cắp 16 trong số 19 bí mật thương mại, đồng thời can thiệp sai trái vào quan hệ kinh doanh của Zunum Aero, một công ty khởi nghiệp hàng không vũ trụ ở thành phố Redmond, bang Washington, Mỹ.

Bồi thẩm đoàn phán quyết Boeing phải bồi thường 90 triệu USD cho Zunum. Số tiền phạt này bao gồm 67,08 triệu USD bồi thường cho tổn hại do hành vi đánh cắp bí mật thương mại; 14,15 triệu USD cho việc làm giàu bất chính và 11,56 triệu USD cho hành vi can thiệp trái pháp luật.

Nhưng vì Zunum không thể giảm nhẹ thiệt hại 20,82 triệu USD do biển thủ, tiền bồi thường họ có thể được hưởng giảm xuống 71,79 triệu USD.

Bồi thẩm đoàn cho biết hành vi trộm cắp bí mật thương mại của Boeing là cố ý và ác ý, điều này cho phép Thẩm phán Seattle áp đặt mức bồi thường cao hơn gấp nhiều lần.

boeing-1507251187-6014-1507251249.jpeg
Sóng gió bao trùm Boeing. Ảnh: AP.

Zunum thành lập năm 2013, đến năm 2017 nhận hàng triệu USD tiền đầu tư của Boeing và quỹ đầu tư công nghệ mạo hiểm JetBlue. Công ty cũng nhận 800.000 USD từ Quỹ Năng lượng sạch của Bộ Thương mại bang Washington (Mỹ).

Vào thời điểm đó, Zunum cho biết họ dự kiến ​đến năm 2020 đưa những chiếc đầu tiên trong dòng máy bay chạy hoàn toàn bằng điện và hybrid vào hoạt động. Năm 2018, hãng chọn động cơ trực thăng Safran để cung cấp turbine động cơ cho máy bay hybrid điện 12 chỗ. Nhưng chưa đầy một năm sau, startup này phải cắt giảm hoạt động do thiếu tiền mặt.

Năm 2020, Zunum khởi kiện Boeing ở toà án quận, cáo buộc nhà sản xuất máy bay dân dụng lớn thứ nhì thế giới đánh cắp bí mật thương mại, can thiệp vào nỗ lực hợp tác giữa Zunum với Safran, ngăn cản họ tìm thêm nhà đầu tư mới.

Bên nguyên cho biết Boeing tìm cách bơm tiền vào startup này để phát triển lĩnh vực máy bay chạy điện. Họ cáo buộc Boeing cử kỹ sư và nhân viên tiến hành thẩm định khoản đầu tư, nhưng sau đó đánh cắp thông tin và bí mật thương mại.

“Boeing trói buộc Zunum bằng sự đảm bảo đầu tư. Nhưng họ lại can thiệp thô bạo với nhà cung cấp của chúng tôi và phá hoại nỗ lực thu hút thêm nhà đầu tư”, nhà sáng lập Zunum cho hay.

Về phía Boeing, hãng phản đối phán quyết của bồi thẩm đoàn, cho rằng phán quyết này không phù hợp với luật pháp và sự thật nên sẽ tiến hành kháng cáo.

Trong phiên tòa, các luật sư phía Boeing lập luận hãng chỉ cố gắng hết sức để hỗ trợ Zunum, nhưng công ty khởi nghiệp này liên tục lỡ hẹn và không thể đáp ứng những tuyên bố đưa ra về công nghệ. Boeing cho biết họ chỉ sử dụng thông tin kỹ thuật của Zunum cho các mục đích được phép, chẳng hạn để quản lý khoản đầu tư.

10022018_zunum1_110345.jpg
Mô hình máy bay chạy điện có thể chở 9 khách của Zunum. Ảnh: Zunum.

Phán quyết của bồi thẩm đoàn liên bang đến cùng thời điểm Boeing vừa có cuộc gặp với Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA). Cuộc gặp kéo dài 3 tiếng, giám đốc điều hành Boeing có bài thuyết trình dài 11 trang về những công việc họ đang thực hiện để cải tiến chất lượng, nâng cao an toàn.

Hãng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các nhà cung cấp, đặc biệt với nhà thầu quan trọng Spirit AeroSystems, ngăn chặn họ chuyển thân máy bay lỗi đến Boeing.

Boeing cũng tăng cường đào tạo nhân viên, khuyến khích nhân viên nêu vấn đề, đơn giản hoá quy trình sản xuất và giảm những công việc phải di chuyển.

Dù nhận xét kế hoạch này toàn diện, phía FAA vẫn chưa hài lòng vì họ thấy Boeing còn nhiều điều cần làm. Do đó, FAA quyết định không cho Boeing gia tăng sản lượng 737 MAX vượt quá giới hạn hiện tại.

Đầu tháng 1, chiếc 737 MAX 9 của Alaska Airlines bị bung tấm bịt cửa giữa trời, để lại khoảng trống to bằng chiếc tủ lạnh. Bảy hành khách và một tiếp viên bị thương nhẹ. Nhà điều tra an toàn liên bang phát hiện bulông giữ tấm bịt cửa chưa được lắp trước khi bàn giao máy bay cho Alaska Airlines.

Sự cố khiến Boeing bị FAA cấm gia tăng năng suất lắp ráp dòng 737 MAX. Ba tháng đầu năm, Boeing chỉ giao 21 chiếc 737 MAX mỗi tháng, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 38 chiếc/tháng.

Sản lượng thấp làm tăng chi phí vận hành nhà máy lắp ráp. Giao máy bay ít hơn khiến công ty mất tiền mặt vì các hãng bay đều phải thanh toán phần lớn tiền mua khi họ nhận bàn giao.

Hôm 23/5, Giám đốc tài chính của Boeing cho biết công ty dự kiến ​​năm nay tạo ra dòng tiền âm vì phải tiêu nhiều tiền mặt. Dự kiến trong quý II, Boeing cần sử dụng khoảng 4 tỷ USD.

Theo Reuters
https://www.reuters.com/legal/litigation/boeing-hit-with-72-mln-verdict-ev-aircraft-trade-secrets-case-2024-05-31/
Copy Link
https://www.reuters.com/legal/litigation/boeing-hit-with-72-mln-verdict-ev-aircraft-trade-secrets-case-2024-05-31/
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Boeing bị buộc tội đánh cắp bí mật thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO