Ngành hàng không Mỹ đang trải qua tình trạng thiếu hụt kiểm soát viên không lưu nghiêm trọng, dẫn đến nhiều sự cố an toàn và chậm trễ chuyến bay.
Ngành hàng không Mỹ đang đối mặt với một trong những thách thức nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua khi lực lượng kiểm soát viên không lưu thiếu hụt trầm trọng. Tình trạng này không chỉ gây ra nhiều sự cố đe dọa an toàn mà còn kéo theo hàng loạt chuyến bay bị chậm trễ, gây nên áp lực lớn cho toàn ngành và đòi hỏi những giải pháp mạnh để vượt qua khó khăn.
Kiểm soát viên không lưu đóng vai trò trung tâm trong việc đảm bảo sự an toàn và trôi chảy của ngành hàng không Mỹ. Mỗi ngày, hơn 45.000 chuyến bay cất cánh trên khắp nước Mỹ, với hàng triệu hành khách dựa vào đội ngũ kiểm soát viên để điều phối các chuyến bay một cách an toàn và hiệu quả.
Tuy nhiên, báo cáo từ Tổng Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải Mỹ cho thấy hơn 77% cơ sở kiểm soát không lưu trên toàn quốc đang hoạt động dưới mức yêu cầu về nhân lực.
Trong khi đó, ngành hàng không đang trên đà phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, với nhu cầu ngày càng tăng về nhân lực và cơ sở hạ tầng để đảm bảo sự phát triển an toàn và bền vững. Nhiều chuyên gia ước tính rằng ngành này sẽ cần từ 2.500 đến 3.000 kiểm soát viên không lưu mới trong thập kỷ tiếp theo.
Theo Simple Flying, dự báo trong vòng 10 năm tới, số lượng kiểm soát viên không lưu được cấp chứng chỉ sẽ giảm tới 1.000 người. Trong khi đó, số nhân sự mới bổ sung dự kiến chỉ đạt chưa đến 200 người. Sự thiếu hụt này làm giảm năng lực vận hành đồng thời kéo theo hàng loạt vấn đề nghiêm trọng khác.
Tại sân bay quốc tế Newark Liberty, một trong những trung tâm hàng không quan trọng của nước Mỹ, số lượng kiểm soát viên chỉ đạt 59% so với yêu cầu. Ngành hàng không đang phải đối mặt với áp lực lớn khi vừa phải đảm bảo sự vận hành ổn định vừa đáp ứng nhu cầu gia tăng về dịch vụ hàng không sau đại dịch. Điều này đã gây ra tình trạng delay dây chuyền, ảnh hưởng đến các chuyến bay nội địa và cả quốc tế.
Đại dịch COVID-19 là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân lực này. Khi đại dịch bùng phát, số lượng chuyến bay giảm mạnh, nhiều kiểm soát viên không lưu kỳ cựu quyết định nghỉ hưu sớm. Đồng thời, các cơ quan quản lý tạm dừng tuyển dụng và đào tạo nhân sự mới, khiến lực lượng kiểm soát viên không lưu không được bổ sung kịp thời.
Khi ngành hàng không phục hồi mạnh mẽ sau dịch, số lượng chuyến bay tăng nhanh trở lại, các hãng hàng không nhanh chóng đưa máy bay ra khỏi kho lưu trữ để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao. Tuy nhiên, lực lượng kiểm soát viên không lưu không được chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với sự gia tăng đột biến này, dẫn đến tình trạng làm việc quá sức và nguy cơ xảy ra sai sót.
Tình trạng thiếu kiểm soát viên không lưu đã đẩy nhiều nhân viên vào tình thế làm việc liên tục 6 ngày mỗi tuần và phải làm thêm giờ tại nhiều cơ sở. Sự mệt mỏi kéo dài khiến hiệu quả công việc giảm sút và làm tăng nguy cơ xảy ra sai sót nghiêm trọng.
Từ tháng 5/2024, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã ghi nhận hơn 1.115 vụ xâm nhập đường băng và hơn 180 sự cố vận hành có liên quan đến lỗi của kiểm soát viên.
Các sự cố nổi bật bao gồm một máy bay Southwest 737 suýt va chạm với Delta 737 tại sân bay quốc tế Louis Armstrong ở New Orleans, hai chuyến bay của American Airlines và Frontier tại San Francisco suýt đâm nhau, và một máy bay của American Airlines phải leo cao đột ngột để tránh va chạm với chuyến bay của United Airlines trên bầu trời Dallas.
Những sự cố này minh chứng rõ nét cho áp lực đè nặng lên đội ngũ kiểm soát không lưu trong tình trạng thiếu nhân lực kéo dài.
Tại các sân bay lớn, đặc biệt là khu vực New York, sự thiếu hụt kiểm soát viên không lưu đã gây ra hàng loạt trì hoãn nghiêm trọng. Sân bay quốc tế Newark Liberty, một trung tâm hàng không quốc tế quan trọng, chỉ đạt 59% mục tiêu nhân lực cần thiết. Với lượng chuyến bay lớn và vai trò kết nối quốc tế, bất kỳ sự gián đoạn nào tại Newark cũng có thể ảnh hưởng đến các sân bay khác trên toàn cầu.
Từ tháng 8/2021 đến tháng 8/2022, khu vực New York ghi nhận 170 lần hạn chế số chuyến bay vì thiếu kiểm soát viên. Việc cắt giảm số lượng chuyến bay không chỉ làm tăng nguy cơ chậm trễ dây chuyền mà còn kéo theo sự bất tiện lớn cho hàng triệu hành khách.
Tình trạng này là một lời cảnh báo rõ ràng rằng nếu không có giải pháp kịp thời, sự quá tải tại các sân bay sẽ tiếp tục là một vấn đề nan giải, đe dọa đến hiệu quả và an toàn của ngành hàng không Mỹ.
Trước tình trạng nghiêm trọng này, FAA đã triển khai nhiều giải pháp để cải thiện. Một trong những bước đi đáng chú ý là việc thành lập ban chuyên gia vào cuối năm 2023 nhằm nghiên cứu và giải quyết tình trạng mệt mỏi của kiểm soát viên.
Ban chuyên gia này đã áp dụng các nghiên cứu khoa học về giấc ngủ và sức khỏe để xây dựng lịch trình làm việc phù hợp hơn, nhằm giảm áp lực cho lực lượng kiểm soát không lưu hiện tại.
Bên cạnh đó, FAA cũng đẩy nhanh quá trình đào tạo và chứng nhận kiểm soát viên mới. Ứng viên hiện có thể tham gia học tại các trung tâm đào tạo được công nhận trên toàn quốc hoặc tích lũy kinh nghiệm thông qua các chương trình huấn luyện trong quân đội.
Các chiến dịch nâng cao nhận thức cũng được triển khai để khuyến khích nhiều người tham gia vào ngành nghề đầy thách thức nhưng cũng rất quan trọng này.
Dù khó khăn vẫn còn, FAA đã đạt được một số tiến bộ đáng kể. "Dù vẫn còn một chặng đường dài, nhiều cơ sở hiện nay đã tốt hơn rất nhiều so với trước đây", người đứng đầu Tổ chức Kiểm soát Không lưu của FAA khẳng định.
Cuộc khủng hoảng kiểm soát viên không lưu là bài học lớn đối với ngành hàng không Mỹ. Tình trạng thiếu hụt nhân lực không chỉ ảnh hưởng đến sự an toàn và ổn định của các chuyến bay mà còn làm rõ những lỗ hổng trong việc quản lý và chuẩn bị lực lượng lao động cho các tình huống bất ngờ.