Tin tức

Đình chỉ kiểm soát viên không lưu sau vụ 2 máy bay bị cảnh báo xung đột

Đình Kiên, Nguyệt Quỳnh 21/06/2024 19:59

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) lập tổ điều tra và đình chỉ các kiểm soát viên không lưu liên quan vụ việc xảy ra sáng 19/6.

0-38861-17189674288781670499408.jpg
Đài kiểm soát không lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: VATM.

Theo báo cáo của VATM, chiều 19/6, đơn vị nhận được báo cáo sơ bộ của Công ty Quản lý bay miền Nam về sự việc liên quan đến các chuyến bay HVN1575 (Nội Bài - Liên Khương), HVN 1557 (Nội Bài - Cam Ranh) và VJC244 (Tân Sơn Nhất - Thanh Hóa) tại Phân khu 1 (Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh), có cảnh báo xung đột ngắn hạn.

Sau khi hệ thống quản lý không lưu phát tín hiệu cảnh báo, kiểm soát viên không lưu cấp huấn lệnh để điều chỉnh quỹ đạo các chuyến bay liên quan đồng thời các tổ lái cũng thực hiện vòng tránh, đảm bảo an toàn cho chuyến bay.

Ngay khi sự việc xảy ra, kíp trực báo cáo, Công ty Quản lý bay miền Nam tạm thời đình chỉ các kiểm soát viên không lưu liên quan và tiến hành xác minh sự việc, cũng như báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Tiếp nhận thông tin, VATM đã ra quyết định thành lập tổ điều tra xác minh nội bộ do Trưởng ban An toàn chất lượng làm tổ trưởng để làm rõ nguyên nhân. VATM cho biết tổ điều tra đang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại Công ty Quản lý bay miền Nam và sẽ chính thức thông tin khi có kết quả.

Trao đổi với OpenSky, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Hàng không Việt Nam, xác nhận sự cố do kiểm soát viên không lưu nhầm lẫn số hiệu chuyến bay HVN1575 và HVN1557: "Hai máy bay đã vi phạm phân cách an toàn, mức độ uy hiếp an toàn mức D. Khoảng cách hai máy bay lúc gần nhất là 15 km (8 hải lý)".

Các hệ thống mặt đất và trên tàu bay đã đưa ra cảnh báo, phi công và kiểm soát viên không lưu đều nắm được tình huống. Theo quy định của ICAO, sự cố vi phạm phân cách được coi là nghiêm trọng khi kiểm soát viên không lưu không nắm được tình huống và không có biện pháp xử lý.

Ông Thắng nhận định các sự cố liên quan đến callsign (số hiệu chuyến bay) trên thế giới cũng đã được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đưa ra cảnh báo.

Để tránh xảy ra tình huống nhầm lẫn tương tự, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nhận định kiểm soát viên không lưu nên thống nhất với tổ lái, đổi callsign của một trong hai tàu bằng cách sử dụng số hiệu đăng ký tàu bay (registration marks). Các hãng bay có chuyến bay có khung giờ gần nhau cần rà soát, thay đổi số hiệu chuyến bay. Kiểm soát viên không lưu cũng cần nắm chắc quy tắc về số hiệu chuyến bay, đặc biệt trong trường hợp các chuyến bay khác hãng nhưng số hiệu gần giống nhau.

Sự cố không lưu xảy ra sáng 19/6 giữa chuyến bay từ Hà Nội đến Đà Lạt (HVN1575) và một chuyến bay khác từ TP.HCM đi Thanh Hoá (VJC244) tại không phận ACC Hồ Chí Minh.

Cụ thể, kiểm soát viên không lưu cấp huấn lệnh cho máy bay số hiệu HVN1575 trong hành trình từ Hà Nội đi Đà Lạt xuống mực bay 300 và sau đó huấn lệnh xuống mực bay 340, tàu bay xác nhận.

Cùng thời điểm, máy bay mang số hiệu VJC244 từ TP.HCM đi Thanh Hóa thiết lập liên lạc với phân khu 1, báo cáo đang bay thẳng, duy trì mực bay 330. Kiểm soát viên không lưu nhận dạng máy bay và yêu cầu duy trì mực bay 330, tàu bay xác nhận.

Kiểm soát viên không lưu sau đó tiếp tục cấp huấn lệnh cho HVN1575 tiếp tục xuống mực bay 240 và tàu bay xác nhận lại lần 2.

Tuy nhiên, màn hình hệ thống quản lý không lưu (ATM) xuất hiện cảnh báo STCA (cảnh báo xung đột ngắn hạn). Kiểm soát viên không lưu lập tức cấp huấn lệnh cho HVN1575 duy trì mực bay 340, rẽ trái và cấp huấn lệnh cho tàu bay VJC244 rẽ phải.

Sau đó, HVN1575 xác nhận nhận huấn lệnh xuống mực bay 240 trước đó. Cuối cùng, màn hình ATM hết cảnh báo STCA.

VATM chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trong toàn bộ vùng trời chủ quyền trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam và tại tất cả các cảng hàng không, sân bay trên cả nước.

Với quy mô cung cấp dịch vụ trên diện tích hơn 1 triệu km2, phạm vi hoạt động trải dài trên hơn 30 tỉnh, thành phố của cả nước, trực tiếp cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trên 35 đường hàng không nội địa và 36 đường hàng không quốc tế, đặc biệt FIR Hồ Chí Minh có các đường hàng không với mật độ bay cao, giữ vị trí quan trọng đối với hoạt động bay trên khu vực Biển Đông.

Xác định điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả cho tất cả các chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm là lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực cốt lõi, VATM chủ trương không ngừng thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ không lưu thông qua việc đổi mới, cải tiến phương thức điều hành bay; tối ưu hóa tổ chức vùng trời. Bên cạnh đó, Tổng công ty áp dụng công nghệ điều hành bay tiên tiến tại các sân bay có mật độ hoạt động bay cao; học tập, hợp tác với các cơ quan, tổ chức nước ngoài để nghiên cứu tối ưu hóa vùng trời và phương thức bay tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của hàng không trong nước và quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đình chỉ kiểm soát viên không lưu sau vụ 2 máy bay bị cảnh báo xung đột
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO