An toàn hàng không đang trở thành mối quan tâm lớn với nhiều người sau hàng loạt sự cố nghiêm trong xảy ra thời gian gần đây. Khi chiếc máy bay lao vút lên bầu trời sẽ khiến nhiều người cảm thấy bất an. Liệu có bao nhiêu nguy hiểm sẽ xảy ra giữa không trung mênh mông ấy. Thế nhưng theo các chuyên gia, các vấn đề nguy hiểm xảy ra chủ yếu trong tai nạn hàng không lại không nằm ở hành trình bay đó.
CNN ngày 29/3 đăng tải bài viết lấy ý kiến của các phi công và chuyên gia hàng không cho rằng, những thời điểm rủi ro nhất trong một chuyến bay tập trung vào 2 giai đoạn quan trọng: cất cánh và hạ cánh chứ không phải khi máy bay đang “lơ lửng” trên không trung. Theo số liệu của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế ghi nhận trong năm 2024, trong số 1.468 vụ tai nạn, 770 vụ xảy ra lúc hạ cánh và 124 vụ diễn ra khi cất cánh.
CNN đưa ra dẫn chứng là những câu chuyện cụ thể. Chẳng hạn như ngày 29/1, tại sân bay Ronald Reagan Washington, Mỹ, máy bay của hãng American Airlines vài phút trước khi hạ cánh đã bị một chiếc trực thăng đang bay huấn luyện đâm phải. Đầu tháng 2, 104 hành khách và phi hành đoàn trên một chuyến bay của United Airlines từ Houston đến New York phải sơ tán khẩn cấp khi động cơ bị cháy trước khi cất cánh. Giữa tháng 2, một chiếc máy bay hạng nhẹ của Vince Neil chệch khỏi đường băng khi hạ cánh và đâm vào một chiếc Gulfstream trên đường cất cánh hạ cánh tại bang Arizona khiến phi công thiệt mạng.
Nguyên nhân chính dẫn đến những mối nguy hiểm của hai giai đoạn này là thời gian để phản ứng lại với các tình huống nguy hiểm. Theo tính toán, khi ở trên độ cao 10.000m phi công sẽ có thời gian và không gian để xử lý các sự cố. Nhưng nếu các vấn đề bất ngờ xảy ra trên mặt đất, thì phi công sẽ không có nhiều thời gian để xử lý các sự cố như: động cơ hỏng, thiết bị hạ cánh bị kẹt, nhiễu động do thời tiết xấu hoặc máy bay gặp phải các vật cản trên đường cất cánh hạ cánh…
Ngoài ra, quá trình cất và hạ cánh đòi hỏi sự tập trung rất cao từ tất cả phi hành đoàn. Đối với một máy bay thông thường thời gian cất cánh chỉ kéo dài từ 30 đến 35 giây, khi một động cơ bị hỏng hoặc thiết bị hạ cánh bị kẹt, người phi công sẽ chỉ có vài giây để đưa ra quyết định.
“Tỷ lệ tai nạn cao hơn trong hai giai đoạn này là do có nhiều nguy hiểm tiềm tàng và các thao tác cần thiết để cất và hạ cánh. Phi công có nhiều vấn đề phải lo nghĩ và căng thẳng, đến từ tình hình đường cất cánh hạ cánh tại sân bay, kiểm soát không lưu và máy bay” bà Mary Schiavo, nhà phân tích giao thông của CNN nhận định.
Theo bà Schiavo, hạ cánh nguy hiểm hơn cất cánh vì "hạ cánh ít lựa chọn hơn". Bà cũng khẳng định đây là thời điểm "thực sự quan trọng, đặc biệt khi máy bay đang ở giữa không trung và va chạm". Thậm chí, trong giai đoạn hạ cánh phi công còn phải phân tâm để liên lạc với bộ phận kiểm soát không lưu để có thể hạ cánh xuống đúng đường chỉ dẫn. Và phi công cũng chính là người thông báo cho phi hành đoàn quá trình hạ cánh sắp diễn ra để có những điều chỉnh và lưu ý với hành khách.
Cũng chính bởi tầm quan trọng như vậy mà các phi công được đào tạo và huấn luyện định kỳ để có thể phản ứng kịp thời trong trường hợp xảy ra sự cố ở những thời điểm then chốt này.
Ông Dennis Tajer, người phát ngôn của Hiệp hội phi công, tổ chức đại diện cho các phi công của hãng American Airlines, cho biết thời gian cất cánh, hạ cánh quan trọng đến mức FAA không cho phép nói chuyện hoặc làm việc không cần thiết dưới độ cao 3.000m. Quy tắc này có tên gọi là "buồng lái vô trùng", được FAA ban hành năm 1981 nhằm yêu cầu phi công tập trung vào việc cất, hạ cánh - hai thời điểm quan trọng của chuyến bay. Đây cũng là lúc phi công phải thực hiện nhiều việc cùng lúc và sẽ có sự cố nếu làm sai điều gì đó.
“Điều quan trọng nhất là các phi công phải dồn toàn bộ sự chú ý vào một việc duy nhất – đó là điều khiển máy bay một cách chính xác” ông Tajer nhấn mạnh.
Ông Tajer cũng cho biết, phi công phải tuân thủ hàng loạt danh sách kiểm tra để thực hiện các quy trình này một cách an toàn.
Ngành hàng không cũng có nhiều cơ chế dự phòng để can thiệp kịp thời nếu phi công hoặc kiểm soát viên không lưu mắc sai sót.
CNN dẫn câu chuyện cuối tháng 3 vừa qua, chuyến bay 3278 của Southwest Airlines vô tình di chuyển trên đường lăn tại Sân bay quốc tế Orland, Mỹ. Tháp không lưu đã ngay lập tức yêu cầu "hủy lệnh cất cánh" với chuyến bay, phi công đã phải ngay lập tức dừng lại.
“An toàn là trách nhiệm chung của những người đang bay trên bầu trời, từ các hãng bay, nhà khai thác và đơn vị kinh doanh. Các phi công luôn phải tập luyện không ngừng nghỉ, tự đặt ra các tiêu chuẩn cao nhất và làm việc mỗi ngày để đảm bảo di chuyển bằng đường hàng không vẫn là phương thức vận chuyển an toàn nhất”, ông Jason Ambrosi, Chủ tịch Hiệp hội Phi công hàng không, đại diện cho các phi công tại nhiều hãng bay trên thế giới chia sẻ.
Chính vì những lý do này, nên vào trước thời điểm máy bay cất và hạ cánh, tất cả các hành khách đều được khuyến cáo nên thắt dây an toàn, dựng thẳng lưng ghế, gập bàn ăn phía trước và mở tấm che cửa sổ. Đặc biệt, các hành khách nên theo dõi và nghe theo mọi hướng dẫn của đội ngũ tiếp viên hàng không hướng dẫn an toàn bay.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn máy bay cất và hạ cánh hành khách cũng được khuyến cáo không nên đi vệ sinh hay di chuyển ở khu vực lối đi trên máy bay. Bởi khi máy bay có sự thay đổi độ cao một cách đột ngột việc di chuyển sẽ rất dễ khiến cho hành khách bị ngã, gây nguy hiểm. Khi máy bay dừng và được tiếp viên thông báo thì các hành khách mới nên đứng dậy hoặc rời khỏi chỗ ngồi của mình.
Có thể thấy rằng an toàn hàng không vẫn luôn là một yếu tố quan trọng và không thể lơ là, đặc biệt là trong các giai đoạn cất cánh và hạ cánh. Mặc dù các sự cố không thể tránh khỏi, nhưng nhờ vào sự huấn luyện nghiêm ngặt và các biện pháp dự phòng, ngành hàng không luôn cố gắng tối đa để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo an toàn cho hành khách.