Hãng sản xuất động cơ lớn nhất thế giới GE Aerospace cho biết vẫn đang vật lộn với những hạn chế về chuỗi cung ứng dẫn đến sự sụt giảm trong việc giao động cơ phản lực.
Việc chậm trễ giao động cơ đang gây áp lực lên doanh thu của GE, khiến cổ phiếu của công ty giảm 8%, Reuters đưa tin ngày 23/10.
Hãng sản xuất động cơ lớn nhất thế giới cho biết những hạn chế về nguồn cung đã tác động đến cả động cơ cho máy bay thân hẹp và thân rộng. Tổng số động cơ được giao trong quý III năm nay đã sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Robert Stallard, một nhà phân tích của Vertical Research Partners, cho hay tăng trưởng doanh số của GE đã chậm lại ở cả mảng kinh doanh thương mại và quốc phòng.
GE Aerospace dự báo lượng động cơ LEAP, một trong những động cơ chính của các máy bay thân hẹp Airbus và Boeing, được giao đến hết năm 2024 sẽ giảm 10% so với năm 2023. Vào tháng 7, công ty dự đoán lượng giao hàng sẽ không đổi và tăng 5% trong năm nay.
Tổng giám đốc điều hành Larry Culp cho biết những nỗ lực giải quyết các hạn chế về chuỗi cung ứng đã cải thiện sản lượng vật liệu từ quý trước, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.
Theo ông Culp, cả các hãng hàng không và các nhà sản xuất máy bay đều có nhu cầu ngày một tăng về việc cung cấp động cơ mới. Việc giao ít động cơ hơn có thể sẽ làm tăng thêm nỗi lo cho các hãng hàng không, vốn đang chi hàng tỷ USD để sửa chữa nhằm duy trì hoạt động của các máy bay đời cũ, kém tiết kiệm nhiên liệu hơn do tình trạng thiếu hụt máy bay mới.
Airbus đã phải điều chỉnh mục tiêu giao máy bay phản lực của mình vào tháng 6 do sự chậm trễ trong việc giao động cơ LEAP.
Culp cho biết công ty phải rất nỗ lực để theo kịp kế hoạch của hãng sản xuất máy bay châu Âu nhằm tăng sản lượng của dòng máy bay A320neo bán chạy nhất của mình lên 75 máy bay phản lực mỗi tháng.