Công nghệ

Thực trạng ảm đạm về chuỗi cung ứng hàng không

Việt Anh 23/06/2024 12:35

Một số nhân vật cấp cao tại GE Aerospace nhận định những thách thức về nguồn cung toàn cầu có thể sẽ tiếp tục tác động đến ngành hàng không trong năm tới.

Thông tin được Reuters trích dẫn từ ông Russel Stokes, người đứng đầu bộ phận động cơ và dịch vụ thương mại của GE Aerospace - một trong những nhà cung cấp máy bay lớn nhất của Mỹ. Theo ông Stokes, dù tình hình sẽ tốt dần lên, những khó khăn trong chuỗi cung ứng gây ảnh hưởng đến ngành hàng không còn tiếp diễn trong năm nay và có thể cả năm tới.

Không chỉ nhóm nhà sản xuất gặp khó trong việc tăng sản lượng máy bay do vấn đề nguồn cung, quá trình bảo trì máy bay đang hoạt động cũng kéo dài hơn.

"Cú sốc" hậu đại dịch

GE Aerospace, dù duy trì mục tiêu sản xuất của Boeing, đang phải đối mặt nhiều gánh nặng về chuỗi cung ứng. Trong hoạt động liên doanh với Safran sản xuất động cơ máy bay phản lực thân hẹp cho Boeing và Airbus, GE đã phải giảm ước tính sản lượng động cơ LEAP do những thách thức kể trên.

Larry Culp, Giám đốc điều hành GE Aerospace, nhận định nguyên nhân chính dẫn đến tình cảnh hiện tại đến từ việc sa thải lao động tay nghề trong bối cảnh suy thoái liên quan Covid-19.

Vấn đề còn phức tạp hơn khi hoạt động sản xuất của Boeing giảm tốc mạnh, do phải chịu giám sát của Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) sau nhiều sự cố với dòng máy bay 737 MAX.

car_1.jpg
GE Aerospace, dù vẫn duy trì các mục tiêu sản xuất của Boeing, cũng phải đối mặt với những gánh nặng trong chuỗi cung ứng. Ảnh: GE Aerospace.

Để giải quyết những trở ngại này, GE đã triển khai khoảng 500 kỹ sư làm việc tại chỗ với các nhà cung cấp. Công ty cũng áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến để giảm 30% thời gian xoay tua sửa chữa, đồng thời cải thiện tính linh hoạt và hiệu quả trong toàn bộ hoạt động của mình.

Bên cạnh đó, GE tìm kiếm giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo để vượt qua thách thức về chuỗi cung ứng, bao gồm kết hợp công nghệ chống sản phẩm nhái, vốn được sử dụng trong lĩnh vực nghệ thuật để phát hiện vật liệu kim loại giả mạo.

Các vấn đề về tính xác thực của vật liệu sản xuất máy bay từng gây rúng động ngành hàng không thời gian qua. Trong đó, có thể kể đến bê bối về linh kiện giả của AOC Technics năm ngoái và nguồn cung titanium không rõ nguồn gốc để sản xuất máy máy bay Airbus và Boeing năm nay.

Ngành thuê máy bay hưởng lợi

Với tốc độ sản xuất máy bay mới chững lại, ngày càng nhiều hãng hàng không tìm đến các đơn vị cho thuê máy bay để bù đắp thiếu hụt.

Andy Cronin, Giám đốc điều hành công ty thuê máy bay Avolon có trụ sở tại Dublin (Cộng Hòa Ireland), nói với Reuters rằng giá cho thuê máy bay sẽ tiếp tục tăng. Những công ty như Avolon được hưởng lợi, với lợi nhuận ròng lên tới 107 triệu USD trong quý vừa qua, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Kết thúc quý, công ty đạt tổng cộng 456 đơn đặt trước và cam kết thuê máy bay công nghệ mới.

Theo ghi nhận từ Aviation Week, những người trong ngành hàng không thậm chí rất bi quan về triển vọng cải thiện chuỗi cung ứng. Họ dự đoán tình trạng thiếu hụt có thể còn kéo dài ít nhất 3 năm nữa.

Jaime Nieto, Giám đốc thương mại của Rolls-Royce & Partners Finance, cho rằng nhu cầu lớn về động cơ dự phòng còn tiếp diễn trong 3-4 năm tới do thách thức trong sản xuất máy bay mới và sự gián đoạn chuỗi cung ứng. "Không thể sửa chữa vấn đề này (chuỗi cung ứng) chỉ bằng một cái bật công tắc", ông Nieto nói.

Theo Simple Flying, Aviation Week, Finimize
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thực trạng ảm đạm về chuỗi cung ứng hàng không
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO