Dự báo bi quan của Airbus về tình hình kinh doanh 2024 có thể khiến cuộc khủng hoảng ngành hàng không toàn cầu trầm trọng hơn.
Airbus luôn khiêm tốn với những thành công sau khi vượt qua Boeing để trở thành nhà sản xuất máy bay thương mại lớn nhất thế giới. Hãng sản xuất máy bay châu Âu cũng tỏ ra thận trọng trước tai ương bên phía "đối thủ truyền kiếp". Giám đốc điều hành Guillaume Faury từng nói không vui vì những rắc rối của Boeing bởi chúng không tốt cho sức khoẻ chung của toàn ngành hàng không.
Sự thận trọng của Airbus đến giờ được chứng minh là đúng đắn một cách khắc nghiệt.
Ngày 25/6, Airbus phát đi thông tin gây chấn động toàn ngành. Nhà sản xuất máy bay thương mại lớn nhất thế giới cắt giảm một loạt chỉ tiêu tăng trưởng và giao hàng. Dự kiến hãng chỉ giao được 770 máy bay so với 800 máy bay như dự báo đầu năm.
Giao ít máy bay hơn góp phần khiến Airbus phải hạ dự báo tăng trưởng từ 9% xuống còn 5%, tức giảm gần một nửa. Doanh thu hoạt động cơ bản dự báo giảm còn 5,885 tỷ USD thay vì 7,49 tỷ như ban đầu. Tiền nhàn rỗi là 3,745 tỷ USD thay vì 4,28 tỷ USD.
Thông tin lập tức gây ra loạt phản ứng tiêu cực với nhóm cổ phiếu hàng không vũ trụ ở "lục địa già". Trong phiên giao dịch 25/6, cổ phiếu nhóm này bốc hơi hơn 15 tỷ USD giá trị. Bản thân cổ phiếu Airbus bốc hơi 9,4% sau khi phục hồi từ mức giảm đến hơn 14% trong phiên.
Việc Airbus cắt gần một nửa chỉ tiêu tăng trưởng là quá lớn. Mức giảm này gây bất ngờ với các nhà phân tích châu Âu. Về phía Airbus, diễn biến vừa qua chứng minh khó khăn đang bủa vây hãng. Nhà phân tích Christophe Menard từ Ngân hàng Deutsche Bank (Đức) cho biết các đối tác của Airbus đang gặp rắc rối vì sự đảo ngược đột ngột và gây sốc.
Nhưng "cơn đau" này nhiều khả năng còn dai dẳng. Mức cắt giảm dự báo giao hàng năm nay của Airbus có thể chưa phải cuối cùng. Sau 5 tháng đầu năm, hãng mới giao 256 máy bay, trung bình 51 máy bay mỗi tháng.
Nếu duy trì tốc độ lắp ráp loanh quanh 50-55 máy bay/tháng, Airbus sẽ chỉ giao được 600-660 máy bay năm nay, kém xa chỉ tiêu mới 770 máy bay. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên nếu trong những tháng tới, Airbus tiếp tục hạ dự báo giao hàng.
Tiền mua máy bay thường được hãng hàng không thanh toán hết khi nhận hàng. Do đó việc giao ít máy bay khiến Airbus phải giảm dự báo doanh thu và các chỉ số khác. Nếu cắt tiếp sản lượng, Airbus cũng phải cắt thêm dự báo tăng trưởng và dự báo doanh thu.
Đó sẽ là kịch bản xấu với hàng không toàn cầu. Thiếu máy bay mới khiến các hãng bay phải sử dụng lâu hơn những mẫu tàu bay cũ, kém tiết kiệm nhiên liệu, yêu cầu bảo trì nhiều hơn, làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến doanh thu.
Các hãng hàng không phải chạy đua bổ sung năng lực dự phòng vì thiếu máy bay. Họ ngày càng phụ thuộc vào thị trường thuê ướt (thuê tàu bay kèm theo tổ bay) nhằm giải quyết bài toán phát triển trong thời gian ngắn hạn.
Trước khi Airbus công bố tin xấu, việc Boeing chậm trễ giao hàng làm đảo lộn kế hoạch 2024 của ngành hàng không, bao gồm kế hoạch thay đổi đội bay, mở rộng hoạt động kinh doanh và dự kiến doanh thu.
Chẳng hạn như United Airlines - hãng hàng không lớn bậc nhất thế giới - phải kêu gọi phi công tự nguyện nghỉ không lương trong tháng 5 hoặc thậm chí đến hết mùa hè vì thiếu máy bay.
American Airlines hay Southwest Airlines (Mỹ) báo lỗ nặng trong Quý I, lần lượt 312 triệu USD và 231 triệu USD, chủ yếu do Boeing chậm giao hàng. Chuyện tương tự giờ đây có thể xảy ra với đối tác của Airbus.
Song hành với dự báo kinh doanh và giao hàng không khả quan là mối nguy rạn nứt quan hệ. Những phát biểu gần đây cho thấy mâu thuẫn tiềm ẩn giữa Airbus và các nhà thầu cung cấp linh kiện.
Khi giám đốc cấp cao của một nhà thầu hỏi CEO Guillaume Faury liệu cắt giảm dự báo tăng trưởng như vậy đã đủ hay chưa, vị lãnh đạo Airbus phản hồi bằng việc nêu lên thực trạng nguồn cung cấp động cơ cho A320neo “xuống cấp đáng kể" trong những tháng vừa qua.
Faury đồng thời nói môi trường hoạt động của Airbus gần đây thực sự xuống cấp do những thách thức trong chuỗi cung ứng. Vị CEO sau đó "nắn gân" nhà thầu bằng việc đề cập đến hình phạt, với tuyên bố "các nhà sản xuất động cơ sẽ đối mặt hậu quả nếu gây ra bất kỳ sự chậm trễ nào nữa".
Mối quan hệ giữa Boeing, Airbus với nhà thầu cung cấp linh kiện như thể tay chân, mạch máu. Họ cần nhau trong mối quan hệ tương hỗ, đôi bên cùng có lợi nên thường cam kết “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”, luôn đồng hành bất chấp gian khó, thách thức.
Vì vậy, phát biểu ẩn chứa sự tức giận của Giám đốc Faury có thể khiến các nhà cung cấp “phật lòng", thổi bùng mâu thuẫn và làm trầm trọng thêm tình trạng khó khăn của không chỉ Airbus mà của toàn ngành.
Ngày 26/6, Bloomberg "đổ dầu vào lửa" cho ngành hàng không và cổ phiếu của Airbus. Hãng tin này tiết lộ Airbus thông báo với đối tác của mình rằng họ có thể giao máy bay chậm trong năm 2025 và 2026. Thời gian trễ nhiều khả năng lên tới vài tháng. Trong phiên giao dịch 26/6, cổ phiếu Airbus "bốc hơi" hơn 2%.
Dường như nhà sản xuất máy bay thương mại lớn nhất thế giới đang chia nhỏ mức cắt giảm ra thành nhiều phần để khiến thông tin bớt căng thẳng. Vì vậy, có khả năng trong thời gian sắp tới, Airbus tiếp tục cắt giảm sản lượng và dự báo kinh doanh.
Boeing vướng hạn chế, giới hạn khâu lắp ráp, nợ đơn hàng. Giờ đến lượt Airbus giảm năng suất, chậm giao hàng. Sự kết hợp này không khác gì cú đấm bằng cả 2 tay vào ngành hàng không.
Các hãng bay dần chuyển sang Airbus sau khi Boeing dính nhiều sự cố, giờ đây không còn chiếc phao nào để bám víu. Nếu đặt hàng một chiếc máy bay thời điểm hiện tại, khả năng đến hết 2030 họ cũng không được giao hàng.
Nếu thời gian tới Airbus công bố mức giảm lớn hơn, không khó hình dung đến kịch bản không ai mong muốn.