Các thợ máy đình công tại Boeing sẽ bỏ phiếu vào ngày 23/10 cho một đề xuất hợp đồng mới bao gồm mức tăng lương 35% trong 4 năm.
Reuters ngày 19/10 dẫn thông báo của Boeing cho biết cuộc bỏ phiếu tới đây có thể chấm dứt cuộc đình công tốn kém kéo dài sang tuần thứ 6.
Boeing đã rút lại lời đề nghị tăng lương bao gồm mức tăng lương 30% trong 4 năm vào ngày 8/10 và thay bằng mức tăng lương 35% trong 4 năm.
Công nhân muốn mức tăng lương 40% và khôi phục chế độ lương hưu được hưởng theo chế độ phúc lợi xác định, vốn không được đưa ra trong đề xuất hợp đồng mới.
Trong đề nghị mới nhất, Boeing đã bổ sung khoản tiền thưởng 7.000 USD cũng như tăng các khoản đóng góp vào lương hưu.
Đại diện Boeing cho biết hãng mong đợi nhân viên bỏ phiếu cho đề xuất đã đàm phán, tuy nhiên, vẫn không có gì đảm bảo rằng người lao động sẽ chấp thuận đề nghị.
Hai viên chức cấp cao của Hiệp hội thợ máy và nhân viên hàng không quốc tế (IAM) tại Seattle (bang Washington, Mỹ) nói với Reuters rằng họ tin rằng các thành viên sẽ bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận này.
Những người lao động lớn tuổi vẫn yêu cầu Boeing khôi phục chế độ lương hưu theo chế độ phúc lợi xác định.
Cũng trong ngày 19/10, IAM cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng với sự giúp đỡ của Quyền Bộ trưởng Lao động Mỹ Julie Su, họ đã nhận được một đề xuất đã đàm phán và nói với những người lao động đang đình công rằng đề xuất này "đáng để cân nhắc".
Ngày 14/10, bà Su đã ở Seattle trực tiếp vận động Boeing đưa ra thỏa thuận mới. Bà trở lại vào ngày 17/10 để tiếp tục các nỗ lực.
Một phát ngôn viên của bà Su cho biết vào ngày 18/10 rằng bà đã ở Seattle để thảo luận với cả hai bên và đã gặp Giám đốc điều hành Boeing Kelly Ortberg và IAM.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden tin rằng quá trình thương lượng tập thể là cách tốt nhất để đạt được kết quả tốt cho người lao động và quyết định cuối cùng về hợp đồng sẽ do người lao động quyết định.
Khoảng 33.000 công nhân, hầu hết ở tiểu bang Washington, đã đình công kể từ ngày 13/9. Cuộc đình công làm đóng băng hoạt động sản xuất máy bay bán chạy nhất 737 MAX của hãng cũng như các máy bay thân rộng khác như 767 và 777.
Khủng hoảng này gây thêm áp lực lên tình hình tài chính vốn đã mong manh của nhà sản xuất máy bay Mỹ.
Tuần trước, Boeing thông báo sẽ cắt giảm 17.000 việc làm, tương đương 10% nhân viên toàn cầu và chịu khoản phí 5 tỷ USD. Boeing cũng đã phải huy động 35 tỷ USD bằng các đợt chào báo cổ phiếu và vay nợ để đối phó với khó khăn tài chính hiện tại.
Spirit AeroSystems, nhà cung cấp linh kiện quan trọng cho Boeing, ngày 18/10 thông báo với nhân viên rằng họ sẽ cho 700 công nhân nghỉ việc trong 21 ngày.
Cuộc đình công kéo dài hơn một tháng tại hãng sản xuất máy bay Mỹ đã làm hao hụt tiền mặt và gia tăng hàng tồn kho của nhà cung cấp này.
Theo Reuters, đợt nghỉ việc tạm thời này nhắm đến các nhân viên Spirit Aero làm việc trên các chương trình máy bay thân rộng 767 và 777 của Boeing.
Các nhà kinh tế ước tính rằng cuộc đình công và việc tạm nghỉ hàng tuần của những công nhân không đình công cũng như việc sa thải tạm thời tại các nhà cung cấp của Boeing đã làm mất tới 50.000 việc làm trong tháng này.