Công nghệ

Chuyển đổi số - chìa khóa vượt khó của ngành hàng không

Thắng Nguyễn 23/11/2024 08:15

Ngành hàng không toàn cầu giờ đây đã xác định chuyển đổi số (CĐS) chính là chiếc chìa khóa để vượt qua những thách thức trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là tiền đề cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

digital-transformation-of-airlines-1.jpg

Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) dự báo ngành hàng không sẽ đạt kỷ lục phục vụ 4,7 tỷ lượt hành khách trong năm 2024. Đây là thách thức không nhỏ đối với các hãng hàng không nhất là trong thời điểm thiếu hụt đội bay hiện nay.

Để phục vụ được số lượng hành khách khổng lồ đó, các hãng hàng không đang đẩy mạnh quá trình tối ưu hóa vận hành bằng việc áp dụng những công nghệ hiện đại. Theo dự báo của Market Research Future, công ty nghiên cứu thị trường đặt tại Ấn Độ, đến năm 2030, mức đầu tư cho chuyển đổi số của các hãng hàng không sẽ lên đến 7.600 tỷ USD.

Tham vọng và tầm nhìn của IATA đến năm 2030 sẽ có 100% hãng Hàng không số. Xu hướng CĐS sẽ tập trung vào các lĩnh vực: Lấy khách hàng làm trung tâm; Khai thác các giá trị từ công nghệ và dữ liệu để chuyển đổi vận hành hướng đến sự linh hoạt, bền vững; Mở rộng hệ sinh thái dữ liệu mở. Những xu hướng này sẽ làm thay đổi trải nghiệm khách hàng, nâng cao hiệu quả vận hành và giúp doanh nghiệp tìm ra những mô hình kinh doanh mới.

Áp dụng công nghệ nâng cao trải nghiệm khách hàng

Nhiều hãng hàng không đã áp dụng Biometric (sinh trắc học) nhằm nâng cao sự hài lòng của khách hàng. Một số ứng dụng nổi bật của Biometric gồm nhận dạng khuôn mặt và nhận dạng tĩnh mạch lòng bàn tay hiệu quả trong việc đẩy nhanh thời gian kiểm tra ở các cửa an ninh tại nhiều sân bay.

Emirates là hãng hàng không đã thành công trong việc thay đổi trải nghiệm khách hàng bằng công nghệ này. “Hành trình thông minh không tiếp xúc” của Emirates cho phép khách hàng ký gửi hành lý và làm thủ tục, nhập cảnh, vào phòng chờ và lên tàu bay mà không phải dừng lại hay tắc nghẽn ở bất cứ trạm vật lý nào.

Hãng hàng không Emirates sử dụng công nghệ sinh trắc học để đơn giản hóa thủ tục lên tàu bay. Ảnh: Emirates.
Hãng hàng không Emirates sử dụng công nghệ sinh trắc học để đơn giản hóa thủ tục lên tàu bay. Ảnh: Emirates.

Trên tàu bay với các thực đơn có sẵn trên ứng dụng Emirates cho phép khách hàng duyệt thực đơn trên thiết bị cá nhân của họ cả trực tuyến và ngoại tuyến. Các hãng hàng không lớn khác như Air Asia, Air New Zealand… cũng áp dụng hướng đi này đã cho ra những kết quả đáng kinh ngạc.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt và hệ thống giám sát thông minh đã được triển khai rộng rãi tại các sân bay lớn như Changi (Singapore) và Heathrow (London, Anh), giúp tăng cường an ninh và giảm thời gian kiểm tra an ninh. Tại Changi, việc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt đã giúp giảm thời gian làm thủ tục an ninh từ 30 phút xuống còn 10 phút, theo báo cáo của sân bay này. Hệ thống giám sát thông minh tại Heathrow cũng đã giúp giảm thiểu các sự cố an ninh và cải thiện hiệu quả vận hành.

Tận dụng dữ liệu với IoT và Big Data

Dữ liệu có thể cung cấp lượng kiến thức khổng lồ cho các hãng hàng không để thấu hiểu khách hàng và thấu hiểu chính bản thân doanh nghiệp. Từ đó, các hãng bay có thể tối ưu hóa quy trình vận hành, nâng cao chất lượng dịch vụ cho cả khách hàng bên ngoài cũng như khách hàng nội bộ.

Các công cụ AI giúp Philippine Airlines thu thập, phân tích dữ liệu hành khách để đưa ra chiến lược marketing hiệu quả hơn. Nhờ đó, sự chú ý của khách hàng đến Philippine Airlines đã tăng hơn 20% mỗi năm.

Đối với khách hàng nội bộ, hãng đã thúc đẩy chương trình số hóa ở cấp độ toàn công ty. Công nghệ số thay thế phần lớn các hệ thống cũ dựa trên giấy, tiết kiệm tối thiểu 10 giờ cho mỗi lần thay đổi lịch bay, cho mỗi nhân viên. Hơn 8.000 nhân viên của Phillipines Airline đã nhận được lợi ích trực tiếp từ quá trình này.

Vietnam Airlines lựa chọn ứng dụng tối ưu hóa vận hành, tiết kiệm vật tư và nhiên liệu. Ảnh: Vietnam Airlines.
Vietnam Airlines lựa chọn ứng dụng tối ưu hóa vận hành, tiết kiệm vật tư và nhiên liệu. Ảnh: Vietnam Airlines.

Một ví dụ khác là Air Canada đang phát triển một kỹ năng cho trợ lý ảo của Amazon – Alexa – sử dụng máy học và trí tuệ nhân tạo để trả lời các câu hỏi như báo giá vé và tình trạng chuyến bay. Nỗ lực của hãng được khen ngợi vì đã tạo ra một mối liên hệ thuận tiện giữa hãng và hành khách.

Tại Việt Nam, các hãng hàng không như Vietnam Airlines, VietJet Air cũng đã bắt đầu áp dụng các công nghệ tiên tiến vào hoạt động của mình, như sử dụng dịch vụ check-in trực tuyến, giúp giảm thời gian chờ đợi và nâng cao sự tiện lợi cho khách hàng.

Đặc biệt cả hai hãng hàng không lớn nhất Việt Nam đã triển khai Skywise, nền tảng kỹ thuật số được coi là trái tim của hàng không thế giới do Airbus phát triển. Hai hãng bay cho biết đã tiết kiệm được 15% chi phí bảo trì thông qua việc phân tích các dữ liệu mà các nền tảng này mang lại.

Tạo ra mô hình kinh doanh mới

Một ngành đặc thù và truyền thống như hàng không vẫn có thể tạo ra những mô hình kinh doanh mới là điều hoàn toàn có thể khi áp dụng công nghệ.

Eurowings, thuộc tập đoàn Lufthansa và là một trong những hãng hàng không lớn nhất thế giới, đã đi tiên phong trong việc chuyển dịch từ mô hình hàng không cổ điển sang một nền tảng hàng không số.

Hãng hàng không Đức đã ra mắt công ty du lịch số Eurowings Digital chuyên cung cấp các dịch vụ số được cá nhân hóa, bao gồm đặt phòng khách sạn, dịch vụ cho thuê xe và vé sự kiện, tích hợp trang web hiện tại eurowings.com vào một nền tảng du lịch số rộng lớn. Điều này đã giúp không chỉ tăng doanh thu trên mỗi hành khách mà còn mang lại mức độ trung thành để đảm bảo hoạt động kinh doanh trở lại.

Lufthansa còn đang thử nghiệm việc loại bỏ các thủ tục đăng ký và nếu thử nghiệm này thành công, nó sẽ tái tạo lại toàn bộ hành trình của hành khách.

Changi biến sân bay trở thành một trung tâm thương mại với ứng dụng iShopChangi. Ảnh: Changi Airport.
Changi biến sân bay trở thành một trung tâm thương mại với ứng dụng iShopChangi. Ảnh: Changi Airport.

Một ví dụ điển hình khác là sân bay Changi (Singapore) đã ứng dụng chuyển đổi số để biến mình từ một sân bay truyền thống trở thành nền tảng kết nối, thương mại điện tử hàng đầu. Người dân Singapore và khách du lịch qua Changi có thể mua sắm trực tuyến thông qua website có tính tương tác cao và iShopChangi.

Nền tảng này được thiết kế lại để điều chỉnh và cá nhân hóa sở thích của khách hàng thông qua các dịch vụ khác nhau. Một ứng dụng di động khác là iChangi cung cấp trải nghiệm sâu rộng cho người dùng sân bay.

Hành khách chỉ cần một tài khoản cho tất cả giao dịch liên quan sân bay, chẳng hạn đổi phần thưởng, thông tin cửa hàng và ăn uống, thông báo chuyến bay và đặt chỗ cho các điểm tham quan.
Sân bay còn tạo kết nối với hành khách trên toàn thế giới thông qua mạng xã hội Facebook, Instagram, LinkedIn, WeChat, Weibo, YouTube và X.

Hàng không Việt Nam ở đâu trên bản đồ chuyển đổi số

Theo ông Vương Quân Ngọc, Giám đốc tư vấn FPT Digital, chuyển đổi số trong ngành hàng không Việt Nam đã bắt đầu triển khai nhưng còn khá rời rạc và vẫn ở giai đoạn đầu so với các nước tiên tiến.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự rời rạc trong chuyển đổi số là do thiếu quy hoạch gắn với các chiến lược dài hạn. Hiện tại, các hoạt động chuyển đổi số thường được triển khai một cách riêng lẻ, không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan trong ngành.

z62_8142.jpg
Hàng không Việt Nam đã bắt đầu chuyển đổi số nhưng còn rời rạc, chưa đồng bộ. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Ngành hàng không Việt Nam đang gặp phải sự thiếu hụt nghiêm trọng về các nguồn lực cần thiết cho quá trình chuyển đổi số. Từ tài chính, nhân sự đến công nghệ, tất cả đều chưa đáp ứng đủ yêu cầu.
Đầu tư vào công nghệ tiên tiến như AI, IoT và Big Data đòi hỏi nguồn vốn lớn và nguồn nhân lực có chất lượng cao dồi dào. Theo khảo sát của Bộ Giao thông Vận tải năm 2023, chỉ có khoảng 40% nhân viên trong ngành hàng không có đủ kỹ năng sử dụng các công nghệ số hiện đại.

Việc triển khai các công nghệ tiên tiến đòi hỏi phải có sự đồng bộ và tương thích giữa các hệ thống, nhưng hiện nay các hệ thống công nghệ trong ngành hàng không Việt Nam vẫn còn nhiều điểm không đồng bộ, gây ra những khó khăn và hạn chế trong quá trình chuyển đổi số.

Cần một kế hoạch tổng thể

Chuyên gia chuyển đổi số của FPT cũng đưa ra giải pháp để giải quyết các vấn đề, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành hàng không Việt Nam, cần có sự hỗ trợ đồng bộ từ các chính sách, quy định và hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước.

Chính phủ cần xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không, các đơn vị dịch vụ và phụ trợ, cũng như các công ty công nghệ tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Các quy định và hướng dẫn cần rõ ràng và chi tiết, giúp các đơn vị trong ngành hiểu rõ và áp dụng một cách hiệu quả.
Môi trường cộng tác và liên thông giữa các thành phần trong chuỗi giá trị ngành hàng không cũng cần được thúc đẩy mạnh mẽ. Việc chia sẻ thông tin, dữ liệu và kinh nghiệm giữa các hãng hàng không, các đơn vị dịch vụ và các công ty công nghệ sẽ giúp tối ưu hóa quá trình chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả hoạt động và cải thiện chất lượng dịch vụ.

Các diễn đàn, hội thảo và chương trình hợp tác quốc tế cũng cần được tăng cường, giúp các đơn vị trong ngành hàng không Việt Nam học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển.

Cuối cùng, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng công nghệ số là rất quan trọng. Các chương trình đào tạo chuyên sâu, các khóa học ngắn hạn và dài hạn về công nghệ số cần được triển khai rộng rãi, giúp nâng cao năng lực và kỹ năng cho nhân viên trong ngành. Đồng thời, cần có các chính sách thu hút và giữ chân nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tạo điều kiện cho họ phát triển và cống hiến cho ngành hàng không.

Nổi bật
Mới nhất
Chuyển đổi số - chìa khóa vượt khó của ngành hàng không
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO