Quốc tế

Chi hàng triệu USD cho công nghệ tối ưu hiệu quả sân bay

Đức Huy 14/03/2024 08:52

Hệ thống tổng hợp dữ liệu sân bay mới của Đan Mạch đang cho thấy những kết quả khả quan. Đây là kết quả sau 5 năm nghiên cứu với số tiền đầu tư hơn 40 triệu USD.

Hệ thống AIRHART hiển thị vị trí đỗ của các máy bay. Ảnh: AIRHART.
Hệ thống AIRHART hiển thị vị trí đỗ của các máy bay. Ảnh: AIRHART.

Đan Mạch, với tham vọng mở ra một mạng lưới thông tin cho các cảng hàng không thay thế cho AODB - Cơ sở dữ liệu vận hành sân bay, đã rót hơn 40 triệu USD để nghiên cứu nền tảng AIRHART. United Airlines, Alaska Airlines cũng không kém cạnh khi sẵn sàng chi hàng triệu USD để tiết kiệm 10 giây cho mỗi hành khách làm thủ tục lên máy bay.

Những dự án hàng triệu USD đang được các sân bay, hãng hàng không đưa ra nhằm phát triển công nghệ quản lý cảng. Cuộc đua công nghệ hàng không luôn là một địa hạt đòi hỏi khả năng đầu tư lớn.

Hệ thống dữ liệu chung của sân bay

Theo Giám đốc điều hành Christian Poulsen của Sân bay Copenhagen (CPH), cảng hàng không này đang đạt được những kết quả khả quan khi vận hành thử hệ sinh thái công nghệ với “trái tim” là nền tảng điều hành AIRHART. Nền tảng này tổng hợp dữ liệu thời gian thực duy nhất từ 100 hệ thống khác nhau đang hoạt động ở sân bay. AIRHART được tạo ra nhằm thay thế công nghệ Cơ sở dữ liệu vận hành sân bay (AODB) đã cũ và củng cố hệ sinh thái quản lý sân bay tổng thể (AOP).

Đại diện CPH cho biết nền tảng mới hợp nhất các hệ thống và quy trình kỹ thuật số khác nhau, đồng thời tạo ra nền tảng module cho những đột phá về AI trong tương lai, giúp sân bay tăng công suất từ 30 triệu lên 40 triệu hành khách mỗi năm.

“AIRHART có thể tạo ra nhiều cải thiện đáng kể về mặt hiệu năng của cảng hàng không. Tất cả dữ liệu và thông tin được hợp nhất trong một hệ thống mà chúng tôi và nhiều đối tác của chúng tôi tại sân bay có quyền truy cập chung. Với AIRHART, chúng tôi có thể tiếp tục nỗ lực duy trì vị thế là một trong những sân bay được số hóa tốt nhất”, Christian Poulsen, Giám đốc Vận hành của CPH, chia sẻ với báo chí vào ngày 11/3.

Nhân viên tại sân bay có thể theo dõi các hoạt động tại cảng thông qua smartphone. Ảnh: AIRHART.
Nhân viên tại sân bay có thể theo dõi các hoạt động tại cảng thông qua smartphone. Ảnh: AIRHART.

Được phát triển từ năm 2019, nền tảng kỹ thuật số AIRHART đến nay đã hoàn thành giai đoạn đầu thử nghiệm. AIRHART sẽ được hơn 4.000 nhân viên tại sân bay sử dụng hàng ngày thông qua giao diện người dùng thống nhất. Trước đây, nhân viên phải vận hành một loạt các hệ thống cũ không phải lúc nào cũng tương tác với nhau, điều mà sân bay CPH thừa nhận đã tạo ra thời gian phản hồi lâu và cần phải nhập cùng một dữ liệu vào nhiều hệ thống.

Trong 5 năm xây dựng và hoàn thiện, dự án hệ sinh thái công nghệ sân bay với nền tảng chính là AIRHART, CPH đã tiêu tốn tới 43 triệu USD. Số tiền này gấp đôi chi phí mở rộng hạ tầng sân bay của CPH trước đó.

Tham vọng của CPH không dừng lại ở đó. Sân bay này còn đầu tư vào công ty con có tên Smarter Airport, nhằm đem công nghệ AIRHART sau khi thử nghiệm đến với nhiều sân bay khác. Khi có kết nối hai đầu (điểm cất và hạ cánh), AIRHART sẽ thu thập dữ liệu tốt hơn và trở thành một cơ sở trao đổi chung của các sân bay.

Khắc phục lo ngại về công nghệ nhận diện khuôn mặt

Bên cạnh phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả của cảng hàng không, tại Mỹ, các hãng hàng không lớn ngày càng đầu tư vào công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Có thể thấy ngày càng nhiều sân bay quốc tế đang lắp đặt các cổng điện tử hỗ trợ sinh trắc học và các kiosk tự phục vụ tại khu vực nhập cảnh và hải quan.

Henry Harteveldt, nhà phân tích ngành du lịch của Atmosphere Research, cho biết năm 2024 có thể ghi nhận sự bùng nổ công nghệ sinh trắc học trong du lịch hàng không. “Các thủ tục tốn thời gian ở sân bay như kiểm tra an ninh, gửi hành lý, lên máy bay có thể sớm được thay thế bằng việc nhận dạng khuôn mặt. Việc áp dụng công nghệ này đồng nghĩa với tăng cường an ninh và xử lý nhanh hơn cho hành khách nhưng nó cũng làm dấy lên mối lo ngại về quyền riêng tư và đạo đức”, chuyên gia Harteveldt cho biết.

Tiến sĩ Morgan Klaus Scheuerman, nhà nghiên cứu chuyên ngành đạo đức của trí tuệ nhân tạo và nhận dạng kỹ thuật số tại Đại học Colorado (Mỹ), cũng cho rằng nhiều câu hỏi đã xuất hiện về việc sử dụng sinh trắc học tại các sân bay: Các hệ thống được lập trình và đánh giá như thế nào? Điều gì sẽ xảy ra nếu giấy tờ của bạn không phù hợp với diện mạo hiện tại của bạn? Hệ thống AI sẽ sàng lọc các đối tượng có rủi ro cho an toàn ra sao?

Hành khách dùng tính năng nhận diện khuôn mặt để lên máy bay. Ảnh: Delta Airlines.
Hành khách dùng tính năng nhận diện khuôn mặt để lên máy bay. Ảnh: Delta Airlines.

Trước những câu hỏi này, Cục An ninh vận tải Mỹ (TSA) đã đưa ra tính năng Pre-check. Những người chưa có hồ sơ lý lịch trong sạch có thể đăng ký PreCheck để không mất nhiều thời gian trước máy quét sinh trắc học và nhận diện khuôn mặt.

Các hãng hàng không đã bắt đầu thử nghiệm tương tự đối với khách du lịch đăng ký PreCheck. Những khách bay với American Airlines có thể sử dụng khuôn mặt của họ để vượt qua quá trình sàng lọc PreCheck tại Sân bay Quốc gia Ronald Reagan Washington và cũng để vào phòng chờ của hãng hàng không tại Sân bay Quốc tế Dallas-Fort Worth.

United Airlines cho phép khách du lịch PreCheck sử dụng khuôn mặt của họ tại quầy gửi hành lý tại Sân bay Quốc tế Chicago O'Hare. Số tiền để triển khai áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt và PreCheck có thể lên tới hơn 2 tỷ USD. Trong đó, mỗi bốt đặt máy nhận diện có giá trị lên tới 600.000 USD. Ước tính với công nghệ này, mỗi hành khách có thể giảm 10-15 giây làm thủ tục lên máy bay.

Đối với hàng không thế giới, công nghệ nhận diện sinh trắc học, nhận diện khuôn mặt vẫn là một điểm nhấn trong cuộc đua về công nghệ tại sân bay. Nó hỗ trợ việc quản lý sân bay hiệu quả hơn, cùng với các nền tảng như AIRHART, các dữ liệu thời gian thực sẽ được tận dụng tối ưu bởi hàng nghìn người làm việc tại cảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chi hàng triệu USD cho công nghệ tối ưu hiệu quả sân bay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO