Hãng hàng không lớn nhất nước Anh đánh giá châu Á, đặc biệt Đông Á là một thị trường quan trọng với nhiều điểm đến phổ biến cho người Anh và các nước châu Âu.
Ngày 5/3, tại sự kiện chia sẻ về công nghệ mới, hãng hàng không British Airways tiết lộ kế hoạch nối lại đường bay đến các thủ đô lớn trong khu vực Đông Nam Á là Kuala Lumpur và Bangkok lần lượt vào tháng 10, 11 năm nay. Đồng thời, hãng hàng không hoàng gia Anh cam kết mở lại đường bay đến Hong Kong, Trung Quốc.
Sean Doyle, Giám đốc điều hành của British Airways, cho biết hãng đã lên kế hoạch sử dụng khoản đầu tư khổng lồ để mua máy bay mới, tăng cường năng lực và nâng cao vị thế của mình với tư cách là một hãng hàng không cao cấp. "Trong ba năm tới, chúng tôi sẽ tập trung phát triển và khôi phục các đường bay dài đến khu vực châu Á, cụ thể là Đông Á. Thị trường châu Á rất quan trọng với British Airways", ông Doyle chia sẻ.
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Thế giới (IATA), thị trường châu Á - Thái Bình Dương có tốc độ tăng trưởng tốt nhất. Nhiều hãng có thể ngắt lỗ và đạt lợi nhuận khoảng 1,1 tỷ USD. Tổng giám đốc IATA Willie Walsh phát biểu vào tháng 12/2023 rằng lượng tải hành khách khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã giảm trong năm 2023, vì Trung Quốc mới dỡ bỏ hạn chế đi lại cuối cùng từ giữa năm. Tuy nhiên từ 2024, các hãng sẽ bước vào giai đoạn lãi ròng.
Vào mùa hè 2023, British Airways đã nối lại các chuyến bay từ London (Anh) đến Thượng Hải và Bắc Kinh (Trung Quốc). Hãng có hai chuyến bay hàng ngày giữa London và Hong Kong, một chuyến khác với Thượng Hải và bốn chuyến một tuần với Bắc Kinh. Đồng thời, British Airways có kế hoạch tăng gấp đôi số lượng tiếp viên tại trụ sở Thượng Hải và Bắc Kinh, bên cạnh việc tăng số lượng tiếp viên nói tiếng Trung Quốc phổ thông từ hai lên bốn người cho các tuyến giữa Trung Quốc và London.
Hãng cũng sẽ khai thác lại chuyến bay từ Gatwick (Anh) đến Bangkok (Thái Lan) với tần suất 3 chuyến/tuần trên tàu Boeing 777-200 với hơn 300 ghế. Theo báo cáo của công ty mẹ IAG, British Airways đang muốn thúc đẩy các chặng bay đến Bangkok của mình. Đối với khách du lịch Anh và các nước lân cận, Thái Lan là điểm đến giải trí với mức giá phải chăng từ dịch vụ đến đi lại.
Việc mở lại đường bay tới khu vực châu Á cho thấy xu hướng du lịch nước ngoài đang tăng trở lại. Đặc biệt, trong bối cảnh các đồng tiền khu vực châu Á như ringgit của Malaysia và baht của Thái Lan đang mất giá, du khách quốc tế sẽ có thể mua sắm, chi tiêu rộng rãi hơn. Do đó, không chỉ có British Airways, EVA Air và Thai Airways cũng sẽ cạnh tranh trực tiếp để giành thị phần hành khách bay chặng Anh - Thái. Các chặng bay khác đến những nước trong khu vực như Singapore, Việt Nam, Indonesia cũng có thể tăng nhiệt.
Một đối thủ nữa với British Airways là các hãng hàng không Trung Đông, vốn có khả năng vận chuyển hàng chục nghìn hành khách châu Âu mỗi ngày qua các “trạm trung chuyển” như Dubai và Doha rồi tới châu Á. Không chỉ tần suất nhiều, giá vé thấp cũng làm tăng thêm sự hấp dẫn.
Để cạnh tranh với các đối thủ quốc tế, Giám đốc điều hành của British Airways Sean Doyle cho biết hãng đã lên kế hoạch đầu tư nâng cấp và làm mới trong năm nay. Cụ thể 75% nguồn vốn của hãng dành cho việc mua máy bay và phần còn lại dành cho việc tìm kiếm các sáng kiến hiện đại hóa cơ sở, xây dựng phòng chờ thương gia, nâng cấp cabin...
Trong đó, khoảng 10% tổng vốn đầu tư, tương đương 750 triệu bảng Anh, sẽ được hãng dành cho việc đổi mới và phát triển công nghệ. British Airways có kế hoạch đầu tư vào hệ thống máy học, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) để sử dụng trong các hoạt động khai thác, đặt chỗ, xử lý hành lý và gián đoạn chuyến bay.
Doyle cho biết AI sẽ được triển khai để giảm thiểu sự chậm trễ, phân tích hiệu thời tiết theo thời gian thực, năng lực máy bay và dữ liệu khách hàng hiệu quả hơn.