Tàu khách

Airbus đổ hàng tỷ USD nghiên cứu tàu bay mới

Đức Huy 12/03/2024 08:51

Theo công bố của Airbus, trong năm 2023, hãng đã chi hơn 2,8 tỷ USD cho bộ phận nghiên cứu và phát triển máy bay. Số tiền này cao hơn 44% so với mức chi của đối thủ Boeing.

Giám đốc điều hành Airbus, ông Guillaume Faury. Ảnh: Airbus.
Giám đốc điều hành Airbus, ông Guillaume Faury. Ảnh: Airbus.

Kết quả kinh doanh năm 2023 của Airbus cho thấy hãng đang có khoản nợ ròng 14 tỷ euro (15,5 tỷ USD), thấp hơn so với 38,2 tỷ USD của đối thủ Mỹ, Boeing. Trong đó, nhà sản xuất máy bay đến từ châu Âu đã chi hơn 2,8 tỷ USD cho bộ phận nghiên cứu và phát triển máy bay phản lực thương mại. Con số này cao hơn 44% so với mức chi của Boeing.

Kế hoạch của Airbus là tận dụng lợi nhuận của đội tàu bay A320 và các biến thể như A321 để nghiên cứu sản phẩm mới.

Airbus đang hướng tới tiêu chí gì

Tiêu chí đầu tiên Airbus hướng tới là giảm thiểu phát thải khí carbon, sử dụng nhiên liệu sạch và hiệu quả, chẳng hạn nhiên liệu SAF. Hãng cũng chuyển sang tận dụng vật liệu tổng hợp (composite) để tàu bay nhẹ và tiết kiệm nhiên liệu hơn. Cùng với đó, một số thiết kế đã được đưa ra trong quá trình nghiên cứu hoàn toàn khác với các tàu thân hẹp hiện tại của hãng đang sở hữu.

Airbus chưa đưa ra mốc thời gian về quyết định chính thức, nhưng một quan chức chính phủ Pháp hồi tháng 12/2023 đã chia sẻ những hình ảnh về dự án. Airbus cho biết họ đang đánh giá các lựa chọn và bản phác thảo không phản ánh tất cả nền tảng công nghệ mà hãng nghiên cứu. “Bạn có thể thấy một số hình ảnh ban đầu về chiếc máy bay mà chúng tôi thử nghiệm như cánh có sải cánh lớn hơn, về hình dạng của cánh, nhiên liệu sẽ sử dụng…”, Giám đốc điều hành Airbus, ông Guillaume Faury, chia sẻ trong cuộc họp báo vào ngày 21/2.

Phác thảo mẫu tàu bay mới của Airbus. 1: động cơ cánh quạt mở để giảm lượt phát thải carbon. 2: đầu máy bay hơi gập xuống. 3: cánh máy bay cong hơn. 4: sử dụng vật liệu composite. Ảnh: Brown Bird Design.
Phác thảo mẫu tàu bay mới của Airbus. 1: động cơ cánh quạt mở để giảm lượt phát thải carbon. 2: đầu máy bay hơi gập xuống. 3: cánh máy bay cong hơn. 4: sử dụng vật liệu composite. Ảnh: Brown Bird Design.

Công nghệ năng lượng hydro sẽ là điểm nhấn trong các chương trình nghiên cứu của Airbus. Hiện tại, hãng đang tìm những giải pháp đối với các bộ phận nhỏ, chẳng hạn như pin nhiên liệu với ZEROe, hệ thống cung cấp hydro của ArianeGroup.

Khác với động cơ Rolls-Royce đang được sử dụng, hydro được đốt cháy trực tiếp và tạo năng lượng cho pin nhiên liệu từ đó giúp cánh quạt hoạt động. “Đã ba năm kể từ khi chúng tôi tiết lộ ý tưởng máy bay chạy bằng pin nhiên liệu hydro 100%. Năm 2023, chúng tôi thử nghiệm thành công cung cấp năng lượng cho hệ thống pin nhiên liệu ở công suất 1,2 megawatt. Đây là một bước quan trọng hướng tới mục tiêu của chúng tôi là đưa máy bay chạy bằng hydro vào thực tiễn trước năm 2035”, Glenn Llewellyn, Phó chủ tịch ZEROe Aircraft tại Airbus, chia sẻ.

Ngoài ra, Airbus đã hợp tác cùng ArianeGroup (một công ty chuyên nghiên cứu máy bay) để hoàn tất quá trình thử nghiệm một hệ thống cung cấp hydro cho động cơ turbine. Dự án này có tên HyPERION được bắt đầu được triển khai từ tháng 12/2020. CEO Michael Augello của Airbus UpNext cho biết: “Chúng tôi đã kiểm chứng khả năng vận hành và tích hợp của hệ thống trong điều kiện thực tế. Tàu bay có thể bay ở độ cao 25.000 ft (7.620 m) trong một giờ và mang theo khoảng 10 kg (22 lb) khí hydro.

Tương lai của các nhà sản xuất máy bay

Thực tế cho thấy, đơn đặt hàng A320 ngày càng nhiều và có thể đặt lên bàn cân với chiếc Boeing 737. Năm 2019, Airbus A320 đã vượt qua Boeing 737 để trở thành chiếc máy bay bán chạy nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, vị thế của hai bên vẫn chưa thể ngã ngũ. Airbus dự báo dòng tàu bay A320 sẽ có hơn 1.000 chiếc được giao trong năm 2024. Còn với Boeing, dù phải chịu ảnh hưởng từ một số sự cố gần đây, hãng dự báo có thể đạt tới mức 1.200 tàu bay được giao, thị trường Bắc Mỹ có thể chiếm hơn 30%. Dù vậy, kết quả giành thị phần giữa hai hãng sản xuất tàu bay này vẫn còn là một cái kết mở.

Tàu bay Boeing 737 Max 9 của Alaska Airlines. Ảnh: Alaska Airlines.
Tàu bay Boeing 737 Max 9 của Alaska Airlines. Ảnh: Alaska Airlines.

Boeing đang gặp nhiều khó khăn ngay tại thị trường gốc là Bắc Mỹ. United Airlines chia sẻ hãng chịu ảnh hưởng nặng nề kể từ sau vụ nổ bảng điều khiển ngày 5/1 trên chuyến bay Alaska Airlines. Đội bay Boeing 737 Max 9 phải kiểm tra lại trong khi đợi 9 tháng sau mẫu MAX 10 mới có thể vận hành khai thác. Giám đốc tài chính của United Airlines, Michael Leskinen, cho biết tại buổi thuyết trình với nhà đầu tư vào tháng 2: “Chúng tôi sẽ bổ sung tàu bay của Airbus vào đội bay hiện tại nhằm bù đắp cho thiếu hụt số lượng tàu 737 MAX 9”.

Theo thống kê từ Bloomberg, nhà sản xuất máy bay Airbus đã chiếm 61% thị trường tàu bay thân hẹp, tăng 30% so với thời điểm năm 2015 mới gia nhập. Nhà phân tích Sheila Kahyaoglu của Jefferies cho biết Airbus đã chiếm được 60% thị phần máy bay phản lực thân hẹp khổng lồ cho dòng A320, phần lớn nhờ vào biến thể A321 đã ra mắt nhanh hơn đối thủ Boeing 737 MAX 10.

Tương lai của các nhà sản xuất máy bay diễn ra như thế nào phần lớn phụ thuộc vào những chiếc máy bay hầu như không tồn tại trên giấy tờ. Airbus hay Boeing cũng đang có những dự định riêng để chạy đua thiết kế tàu bay nhằm giữ vững thị phần quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Airbus đổ hàng tỷ USD nghiên cứu tàu bay mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO