Ông Brian Niccol sử dụng máy bay riêng thay vì chuyển nhà đến gần văn phòng. Việc này được cho là không phù hợp tuyên bố của Starbucks về tôn trọng tính bền vững trong kinh doanh.
Ngày 13/8, chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất thế giới bất ngờ thông báo bổ nhiệm cựu CEO Chipotle - ông Brian Niccol - thay Laxman Narasimhan làm Tổng giám đốc.
Một trong những đặc quyền mà tân CEO nhận được là không phải chuyển tới Seattle mà vẫn có thể sống tại nhà ở Newport Beach, California và tới văn phòng bằng máy bay riêng tới công ty cách đó 1.000 dặm.
Starbucks cũng lưu ý rằng họ sẽ thiết lập một văn phòng làm việc từ xa cho Niccol ở Newport Beach bên cạnh một trợ lý do ông lựa chọn.
Từ đầu năm 2023, nhân viên Starbucks được yêu cầu làm việc tại văn phòng ít nhất 3 ngày mỗi tuần. Sự ưu ái dành cho tân CEO cho thấy khoảng cách giữa lãnh đạo cấp cao và nhân viên bình thường.
Chính vì vậy, không ít người cảm thấy bất bình với cách làm này, đặc biệt ở môi trường làm việc của Starbucks, nơi mà họ tuyên bố rằng rất quan tâm đến tính bền vững khi kinh doanh.
Không chỉ nhân viên trong công ty mà hành động này còn có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng.
Theo tiến sĩ Ran Duchin của Đại học Boston (Mỹ), người tiêu dùng ngày nay không đơn thuần chỉ muốn mua một ly cà phê mà họ còn muốn mua câu chuyện của thương hiệu đó, ví dụ như việc đảm bảo tính bền vững trong kinh doanh.
Tuy nhiên, không riêng chuỗi cà phê quốc tế, nhiều công ty lớn khác cũng linh hoạt trong việc sắp xếp địa điểm làm việc cho các lãnh đạo cấp cao.
David Calhoun, cựu CEO Boeing, từng làm việc từ xa ngay từ khi nhậm chức vào năm 2020 và không chuyển đến gần trụ sở chính tại Virginia. Ông thường xuyên di chuyển bằng chuyên cơ riêng của Boeing giữa 2 ngôi nhà ở bang New Hampshire và bang South Carolina đến trụ sở và các văn phòng khác.
Nghiên cứu của tiến sĩ Ran Duchin thực hiện trước thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra cũng đã cho thấy có hơn 17% các công ty đại chúng áp dụng chính sách làm việc từ xa cho nhân sự cấp cao.