Aeroflot đã có nhiều cách khác nhau để tránh lệnh trừng phạt, nhằm duy trì hoạt động của đội bay.
Đã hơn 2 năm trôi qua kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt với Ukraine, làm thay đổi bối cảnh địa chính trị quốc tế.
Chiến dịch quân sự khiến hàng không Nga nói chung và hãng hàng không quốc gia Nga Aeroflot nói riêng phải chịu lệnh trừng phạt và lệnh cấm không phận. Nhưng họ có nhiều cách để duy trì hoạt động bay.
Theo thống kê tháng 3/2023, Aeroflot sở hữu 173 máy bay, hiện giảm xuống còn 168 chiếc. Nguyên nhân của sự suy giảm là máy bay bị tịch thu khi chiến dịch quân sự bắt đầu.
Thành phần đội bay của hãng hàng không lớn nhất nước Nga hiện tại gồm 50 chiếc A320-200, 6 chiếc A320neo, 32 chiếc A321-200, 3 chiếc A321neo, 12 chiếc A330-300, 7 chiếc A350-900, 37 chiếc 737-800 và 21 chiếc 777-300ER.
Như vậy, đội bay Aeroflot vẫn hoàn toàn chỉ có máy bay phương Tây, 65,5% máy bay Airbus và 34,5% máy bay Boeing. Hãng này cũng có 17 máy bay (gần 10%) đang phải ngừng hoạt động.
17 chiếc máy bay phải ngừng hoạt động cụ thể là 6 chiếc A320-200, 1 chiếc A321-200, 4 chiếc A330-300, 1 chiếc A350-900, 3 chiếc 737-800 và 2 chiếc 777-300ER.
Thiếu phụ tùng, linh kiện là một trong những nguyên nhân khiến máy bay phải ngừng hoạt động.
Không thể bảo dưỡng ở phương Tây cũng như mời kỹ sư phương Tây đến bảo dưỡng, Aeroflot bèn gửi máy bay đến Iran, bảo dưỡng tại Mahan Air, hãng hàng không tư nhân lớn nhất nước này.
Nga và Iran được cho là đã ký một thỏa thuận vào mùa hè 2022, trong đó Iran đồng ý cung cấp bộ phận máy bay và dịch vụ bảo dưỡng cho hàng không dân dụng Nga.
Hãng truyền thông nhà nước Nga RBC cho hay Iran được chọn vì quốc gia này "không sợ các lệnh trừng phạt thứ cấp từ Mỹ hoặc Liên minh châu Âu".
Sau nhiều năm chịu lệnh trừng phạt của phương Tây, Iran đã có năng lực lớn trong việc tự sửa chữa và bảo dưỡng máy bay.
Một trong những đầu mục công việc để duy trì đội bay là tự sản xuất phụ tùng linh kiện thay thế. Aeroflot hợp tác với Rosatom - cơ quan nguyên tử Nga để mở một tổ hợp công nghiệp từ tháng 8 năm nay.
Alexey Mikhalik, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc kỹ thuật của Aeroflot, cho biết tổ hợp này sẽ tham gia phát triển, sản xuất và chứng nhận cấu phần hàng không cho tất cả những loại máy bay nhập từ nước ngoài.
Họ sẽ sản xuất các phụ tùng, linh kiện gồm bộ phận lọc không khí và nước, sản phẩm nhựa, kim loại, composite, cao su; thiết bị điện tử của khoang hành khách, bộ biến tần, nguồn điện, cảm biến, màn hình hiển thị, hệ thống sưởi ấm và chiếu sáng…
Trước đó từ cuối tháng 6, Rosatom đã giao tới Aeroflot một lô khóa cho khoang hành lý và khoang hàng hóa của máy bay Airbus A320, A321.
Hãng hàng không lớn nhất nước Nga cho biết các ổ khóa sẽ được lắp đặt trong những tuần tới theo quá trình bảo trì định kỳ. Chúng rẻ hơn 40% so với phụ tùng chính hãng nhưng được cho là không hề thua kém về chất lượng và độ an toàn.
Rosatom cũng báo cáo rằng một trong những đơn vị thành viên của mình - nhà máy cơ khí Chepetskiy - đã bắt đầu sản xuất thành phần hợp kim titan cho ngành hàng không.
Không chỉ Rosatom và Aeroflot hợp tác làm phụ tùng. Hồi tháng 6, chính quyền Moscow ký kết thỏa thuận hợp tác với công ty Protector.
Theo thỏa thuận, Protector sẽ xây dựng một nhà máy hàng không tại Moscow, nhằm sản xuất phụ tùng cho máy bay Boeing, Airbus và các máy bay nước ngoài khác.
Công ty sẽ cung cấp dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng để đảm bảo khả năng bay của máy bay chở khách Nga. Giá trị đầu tư của Protector vào nhà máy ước tính 3,5 tỷ rúp (khoảng 36,6 triệu euro). Nhà máy mới dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2026.
Sản xuất phụ tùng nội địa là cách khả dĩ để Aeroflot và các hãng hàng không của Nga duy trì hoạt động. Tuy nhiên, việc mua phụ tùng từ quốc gia khác cũng là phương pháp đã được chứng minh.
Chẳng hạn vào tháng 2, các công ty ở quốc gia Moldova môi giới phụ tùng máy bay cho hàng không Nga trị giá 15 triệu USD. Đây là khoản bổ sung trong gói phụ tùng ước tính trị giá 1,2 tỷ USD cho máy bay Airbus và Boeing hoạt động ở Nga.
Kẽ hở này được tạo điều kiện cho các quốc gia không bị trừng phạt như Tajikistan, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Kyrgyzstan trở thành đối tác chính giúp đỡ hàng không Nga.