4 cảng hàng không lớn nhất Australia là Sydney, Melbourne, Brisbane và Perth đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với tổng lợi nhuận lên đến 1 tỷ AUD (tương đương 635 triệu USD). Hiện các cảng này cũng đang tích cực đầu tư vào nhiều hạng mục nhằm phát triển nhanh hơn nữa trong thời gian tới.
Aviation Week đưa tin, theo Báo cáo giám sát các cảng hàng không của Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) công bố ngày 17/3, các cảng hàng không là Brisbane (BNE), Melbourne (MEL), Perth (PER) và Sydney (SYD) đã ghi nhận doanh thu tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2,6 tỷ AUD (tương đương khoảng 1,65 tỷ USD) trong năm tài chính 2023-2024.
“Mỗi cảng hàng không đều báo cáo mức doanh thu hàng năm, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, trong đó có doanh thu từ việc sử dụng cơ sở hạ tầng như đường cất cánh hạ cánh và nhà ga. Doanh thu kỷ lục này đạt được là điều đáng ghi nhận vì số lượng hành khách tại 3 trong 4 cảng vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch”, đại diện ACCC cho biết
Cảng Sydney (SYD) dẫn đầu với lợi nhuận hoạt động từ doanh thu đạt 570,5 triệu AUD (khoảng 362,6 triệu USD), tăng 126,7% so với năm trước và cao hơn 17,6% so với trước đại dịch. Cảng Melbourne (MEL) xếp thứ hai với lợi nhuận 198,9 triệu AUD (khoảng 126,2 triệu USD), tăng 64,1%. Brisbane (BNE) cũng ghi nhận lợi nhuận 194,7 triệu AUD (khoảng 123,6 triệu USD), tăng tương đương 64,1%.
Ngược lại, Perth (PER) là cảng hàng không duy nhất trong nhóm ghi nhận sụt giảm lợi nhuận, chỉ đạt 70,7 triệu AUD (khoảng 44,9 triệu USD), giảm 29,1% so với năm trước và thấp hơn 22,2% so với 2018–2019. ACCC lý giải điều này là do chi phí vận hành tăng, đặc biệt là các chi phí liên quan đến an ninh.
“Sau nhiều năm hạn chế đầu tư do ảnh hưởng của đại dịch, các cảng hàng không đã bắt đầu khởi động lại hoạt động đầu tư. Trong năm tài chính 2023–2024, tổng vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại 4 cảng lớn này đạt 985,1 triệu AUD (tương đương 622 triệu USD), và con số này dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới nhờ các dự án đường cất cánh hạ cánh, nhà ga mới và nâng cấp các nhà ga hiện tại" theo báo cáo của ACCC.
Bên cạnh doanh thu hàng không, doanh thu phi hàng không tại các cảng cũng ghi nhận mức tăng đáng kể.
Tổng lợi nhuận từ hoạt động đỗ xe tại các cảng hàng không này đạt 387,8 triệu AUD (244,23 triệu USD), trong đó 3 cảng là Brisbane, Melbourne và Perth có lợi nhuận cao hơn mức trước đại dịch. Brisbane dẫn đầu với lợi nhuận từ bãi đỗ xe đạt 113,4 triệu AUD (tương đương 71 triệu USD).
Ngoài ra, doanh thu từ dịch vụ tiếp cận mặt đất như taxi, dịch vụ chia sẻ xe và xe buýt cũng tăng 17,9%, đạt 69,6 triệu AUD (tương đương 44 triệu USD).
Khuyến khích đầu tư và đổi mới sáng tạo
Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia được chính phủ giao nhiệm vụ công bố Báo cáo giám sát sân bay hàng năm. Bắt đầu từ năm 2002, các báo cáo này được xem là công cụ giám sát giá dịch vụ hàng không tại các cảng hàng không nhằm tăng cường tính minh bạch, thay vì áp dụng biện pháp kiểm soát giá trực tiếp.
Chính phủ Australia kỳ vọng việc chuyển từ cơ chế điều tiết giá sang cơ chế giám sát sẽ khuyến khích đầu tư và đổi mới sáng tạo đối với các cảng hàng không.
Tuy nhiên, ACCC cảnh báo cơ chế giám sát này có thể chưa đủ mạnh vì 4 cảng hàng không lớn nhất của Australia này là những cảng độc quyền trong khu vực, do đó có quyền lực thị trường lớn. Điều này dẫn đến lo ngại rằng tại một số cảng, người dùng, bao gồm các hãng hàng không, không có khả năng thương lượng để đạt được các thỏa thuận thương mại hợp lý.
Ví dụ, cơ chế này không kiểm soát được việc các cảng hàng không tăng giá hoặc giảm chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, ACCC không có quyền can thiệp vào việc các cảng thiết lập điều kiện và điều khoản sử dụng các cơ sở hạ tầng.
ACCC lưu ý thêm, trong một môi trường thiếu cạnh tranh, các cảng hàng không có thể thiếu động lực để vận hành hiệu quả hoặc đổi mới công nghệ hay các mô hình dịch vụ.
Mặc dù vẫn còn những lo ngại như vậy song hiện tại chất lượng dịch vụ tại 4 cảng hàng không lớn này của Australia nhìn chung vẫn được hành khách đánh giá tích cực.
Cả 4 cảng đều duy trì mức xếp hạng trung bình là tốt—mức cao thứ hai trong thang đánh giá—về chất lượng dịch vụ. Đáng chú ý, trước đại dịch COVID-19, cảng Sydney (SYD) từng bị hành khách đánh giá là có chất lượng dịch vụ thấp nhất trong nhóm các cảng hàng không này. Tuy nhiên, tình hình đã cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Xếp hạng của Sydney có giảm nhẹ trong năm 2023–2024, nhưng vẫn nằm trong ngưỡng tốt.
Những kết quả ấn tượng về doanh thu và lợi nhuận của 4 cảng hàng không lớn nhất Australia trong năm tài chính 2023–2024 cho thấy hiệu quả từ chiến lược đầu tư cũng như sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Việc duy trì chất lượng dịch vụ ở mức cao cùng với xu hướng gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng hứa hẹn sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho ngành hàng không Australia.