Công nghệ

Xu hướng công nghệ của ngành hàng không

Thắng Nguyễn 04/08/2024 07:27

Các công nghệ mới xuất hiện mỗi ngày và ngành hàng không cũng không ngoại lệ trước sức ảnh hưởng của chúng.

Trong ngành được quản lý chặt chẽ như hàng không, những công nghệ mới vẫn nhanh chóng tìm được chỗ đứng. Chúng len lỏi vào tất cả các khía cạnh của hàng không từ sản xuất máy bay, đào tạo phi công đến cơ sở hạ tầng sân bay…

1. Trí tuệ nhân tạo (AI)

Các thuật toán AI và máy học (machine learning) đang cách mạng hóa các hoạt động hàng không từ lập kế hoạch và lên lịch bay đến bảo dưỡng tàu bay và dịch vụ hành khách.

Bằng cách tận dụng dữ liệu lớn (big data), các hãng hàng không tối ưu hóa các đường bay, giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và mang lại trải nghiệm cá nhân cho hành khách. Tất cả những lợi ích trên đều dựa trên khả năng phân tích dữ liệu của máy tính.

aircraft-maintenance.png
Công nghệ AI phân tích dữ liệu từ cảm biến gắn trên các bộ phận máy bay để đưa ra dự báo về các hoạt động sửa chữa, bảo trì. Ảnh: BAA Trainning.

Các hệ thống hỗ trợ bằng AI phân tích lượng lớn dữ liệu, từ đó đưa ra những khuyến nghị hành động cho phi công và kiểm soát viên không lưu. Sự chuyển đổi này không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn nâng cao tính an toàn và độ tin cậy của các chuyến bay.

Bảo trì theo dự đoán được cho là một trong những chiến lược phức tạp nhưng đem lại lợi ích dài hạn cho các hãng hàng không. Cần phải thu thập rất nhiều dữ liệu trước khi phân tích và triển khai bảo trì.

Để làm được điều đó, cần có các cảm biến và công nghệ AI thông minh. Máy bay có rất nhiều cảm biến liên tục theo dõi các bộ phận như động cơ, cánh, càng đáp, hệ thống điện tử và các bộ phận khác.

Dữ liệu sau đó được phân tích bằng cách áp dụng các thuật toán máy học và dự đoán lỗi thiết bị trước khi chúng xảy ra, phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn. Những ứng dụng kỹ thuật số cho phép các hãng hàng không nắm bắt một cách trực quan trạng thái máy bay của họ theo thời gian thực.

Việc tích hợp phần mềm do AI điều khiển vào các máy mô phỏng có thể nâng cao đáng kể chất lượng đào tạo phi công. Máy mô phỏng do AI điều khiển cung cấp cho phi công một không gian an toàn để thực hành bằng cách tái tạo nhiều điều kiện bay, trường hợp khẩn cấp và lỗi hệ thống.

Việc đào tạo nhờ đó có thể được cá nhân hóa, đảm bảo mỗi phi công có được một kế hoạch học tập phù hợp với nhu cầu và thế mạnh riêng của họ. Điều này giống như có một trợ lý thông minh hướng dẫn bạn trở thành phi công giỏi nhất có thể.

2. Máy bay tự hành

Máy bay tự hành có khả năng trở thành một trong những xu hướng biến đổi nhất trong ngành hàng không. Hiện nay các công ty chưa thể sử dụng máy bay tự hành để chuyên chở hành khách nhưng với những tiến bộ trong công nghệ, khả năng đó hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai.

Máy bay điện cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (eVTOL) ngày càng trở nên phổ biến khi ngành hàng không tìm cách cung cấp phương tiện di chuyển hiệu quả trong khu vực đô thị.

archer-midnight(1).png
eVTOL sẽ là giải pháp giao thông đô thị trong tương lai. Ảnh: Archer Aviation.

Các công ty như Lilium, Archer Aviation… đang tích cực phát triển các mẫu máy bay eVTOL. Lilium đặt mục tiêu triển khai hoạt động thương mại của eVTOL 7 chỗ ngồi mang tên Lilium Jet vào năm 2025. Cùng mục tiêu đó, Archer Aviation có ý định triển khai dịch vụ taxi hàng không thương mại Archer Midnight.

eVTOL có nhiều tính năng vượt trội như giảm ô nhiễm tiếng ồn, di chuyển nhanh hơn, thiết kế bắt mắt và có khả năng tự hành. Cho đến nay, chúng chủ yếu được thiết kế có người lái, nhưng eVTOL tự hành cũng đã trải qua quá trình thử nghiệm thành công.

Những ông lớn như Boeing và Airbus cũng đã đầu tư vào công nghệ máy bay tự hành để duy trì lợi thế cạnh tranh và đi đầu trong ngành hàng không với những chiếc máy bay hiện đại.

Máy bay chở khách thân rộng Airbus A350-1000 đã thử nghiệm thành công lăn bánh, cất cánh và hạ cánh hoàn toàn tự động. Boeing cũng đã tiến hành thử nghiệm bay cho năm máy bay phản lực được điều khiển tự động bằng AI.

3. In 3D

Hàng không vũ trụ áp dụng công nghệ in 3D rất sớm để in phụ tùng thay thế vì chi phí thấp, thời gian hoàn thành nhanh cùng phương pháp thiết kế và phát triển linh hoạt hơn so với chế tạo truyền thống.

Các thành phần bên trong máy bay như khung cabin, lỗ thông hơi và hệ thống ống dẫn, các bộ phận động cơ bao gồm cánh quạt, vòi phun, bộ phận xả và một số bộ phận buồng đốt... đều có thể được in 3D.

3d-printing-blog_1690858549_1200x630.jpg
Các chi tiết động cơ được tạo ra bằng cách in 3D. Ảnh: Vaughn College.

Các dự báo mới nhất cho biết quy mô thị trường in 3D trong ngành hàng không vũ trụ và quốc phòng ước tính đạt 2,88 tỷ USD vào năm nay và dự kiến ​ đạt 6,74 tỷ USD vào năm 2029.

Một số công ty lớn tham gia vào thị trường đầy tiềm năng này là Stratasys, 3D Systems, Norsk Titanium, EOS, Ultimaker.

4. Sinh trắc học

Công nghệ sinh trắc học đang cách mạng hóa an ninh sân bay và quy trình xử lý hành khách. Năm nay chứng kiến ​​những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực này.

Các hệ thống như ​​"Smart Travel" tại Sân bay quốc tế Hamad ở Doha (Qatar) sử dụng công nghệ quét tĩnh mạch lòng bàn tay để tối ưu hóa quy trình, cho phép hành khách di chuyển mà không cần giấy tờ vật lý. Điều này không chỉ tăng cường an ninh mà còn giảm đáng kể thời gian chờ đợi, giúp việc đi lại hiệu quả và thuận tiện hơn.

boarding-11-min-e1625044579183.jpg
Soi chiếu an ninh bằng công nghệ sinh trắc học. Ảnh: Airport Technology.

Mối quan ngại của công chúng về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu vẫn là một thách thức trong việc triển khai công nghệ này. Tuy nhiên, ngành hàng không đang cải thiện các biện pháp bảo vệ dữ liệu và tăng cường tính minh bạch về việc sử dụng và lưu trữ dữ liệu.

Việc tích hợp các hệ thống sinh trắc học đa phương thức, kết hợp nhiều mã định danh sinh trắc học nâng cao đáng kể tính bảo mật và sự tiện lợi cho người dùng.

Trong tương lai việc áp dụng công nghệ sinh trắc học tại các sân bay dự kiến ​​sẽ tăng nhanh chóng. Các hệ thống gửi hành lý tự động cũng sẽ ngày một phổ biến. Sự phát triển công nghệ này hứa hẹn việc đi lại bằng máy bay trở nên dễ dàng và an toàn hơn cho hành khách trên toàn cầu.

5. Ứng dụng thực tế ảo trong đào tạo

Đầu những năm 1900, ngành hàng không đã có nhiều ý tưởng trong việc đưa các công nghệ mới vào đào tạo phi công để đảm bảo an toàn tối đa.

Đến nay, các công nghệ thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) mang đến những trải nghiệm chân thực cho học viên phi công. Quy mô thị trường AR/VR trong ngành hàng không dự kiến ​ đạt 77 triệu USD vào năm 2030.

microsoftteams-image-104-1.png
Công nghệ VR giúp việc đào tạo phi công được thực hiện bất cứ đâu. Ảnh: BAA Trainning.

Với màn hình gắn trên thiết bị đeo VR, phi công sẽ thấy mình đang ở trong một môi trường có hiệu ứng 3D sống động như thật vỡi góc nhìn 360 độ về môi trường xung quanh. Theo cách này, học viên có thể nhận thức tốt hơn về khoảng cách, hình dạng và mối quan hệ không gian trong buồng lái ảo. Nhờ tính di động của kính VR, họ có thể thực hiện đào tạo quy trình ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào.

Theo BAA Trainning
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xu hướng công nghệ của ngành hàng không
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO