Cảng hàng không

Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á xây dựng sân bay tỷ USD

Thắng Nguyễn 14/08/2024 05:54

Các kế hoạch mở rộng sân bay triển khai ở Đông Nam Á được coi là tham vọng nhất trên thế giới. Chúng có tiềm năng chuyển đổi nền kinh tế quốc gia, tạo ra hàng triệu việc làm và là cơ hội to lớn cho nhà nhà đầu tư.

Tổng lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không ở Đông Nam Á dự kiến đạt 653 triệu lượt vào năm 2030, tăng gần gấp đôi so với năm 2023. Vì thế, những khoản đầu tư hàng tỷ USD cho hạ tầng hàng không sẽ dẫn đến sự mở rộng đáng kể về năng lực vận chuyển hành khách và hàng hóa trong khu vực.

Việt Nam dẫn đầu

Ngành hàng không của Việt Nam đang phải nỗ lực để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đang phát triển nhanh và sức hấp dẫn ngày một tăng của các điểm đến du lịch.

Tháng 6/2023, Chính phủ công bố kế hoạch tăng số lượng cảng hàng không trong nước từ 23 sân bay hiện tại lên 30. Kế hoạch phát triển hạ tầng hàng không bao gồm việc mở rộng cảng hàng không quốc tế Nội Bài, xây mới nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất và đặc biệt là xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.

0e924c66e32821767839-1657898607030510762188.jpg
Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất là ga quốc nội lớn nhất nước phục vụ 20 triệu lượt khách mỗi năm. Ảnh minh họa: ACV.

Hầu hết sân bay của Việt Nam hiện đang hoạt động quá công suất, dẫn đến tình trạng chậm trễ kéo dài đối với hành khách và hàng hóa. Nhiều sân bay thiếu các tiện nghi hiện đại nếu so sánh với các nước trong khu vực.

Hành khách vẫn được đưa bằng xe buýt ra tàu bay ngay cả tại Tân Sơn Nhất, sân bay bận rộn nhất cả nước. Năm 2017, sân bay này đã phục vụ 36 triệu hành khách, vượt xa công suất thiết kế là 25 triệu hành khách mỗi năm.

Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tổng mức đầu tư khoảng 10.990 tỷ đồng dự kiến hoàn thành sau 37 tháng. Nhà ga có công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm.

Nội Bài, cảng hàng không quốc tế bận rộn thứ hai của Việt Nam, đang được nâng cấp để tăng công suất hoạt động lên 60 triệu hành khách vào năm 2030, gấp khoảng 2,5 lần công suất hiện tại. Dự án có mức đầu tư 5.000 tỷ đồng.

Sân bay Long Thành rộng 5.000 ha, tổng mức đầu tư hơn 16 tỷ USD, được chia làm 3 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 sân bay Long Thành có công suất phục vụ 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

san-bay-long-thanh-1.jpg
Sân bay quốc tế Long Thành là dự án cảng hàng không có tổng vốn đầu tư lớn nhất thế giới. Ảnh: ACV.

Khi hoàn thành toàn bộ, sân bay Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Tính riêng 3 dự án trên đã cần hơn 17 tỷ USD. Đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước ngoài cũng như các nhà cung cấp công nghệ sân bay tiên tiến.

Thái Lan củng cố vị thế điểm đến du lịch hàng đầu

Thái Lan vẫn là điểm đến du lịch phổ biến nhất ở Đông Nam Á, với khoảng 28 triệu lượt khách đến vào năm 2023. Tuy con số này vẫn thấp hơn nhiều so với kỷ lục 40 triệu lượt khách đến vào năm 2019, cơ sở hạ tầng hàng không của Thái Lan vẫn đang phải vật lộn để đáp ứng lượng nhu cầu đi lại của khách du lịch.

SAT-1 - nhà ga vệ tinh mới đã được mở tại sân bay Suvarnabhumi, Bangkok. Nhà ga này có 28 cửa ra tàu bay, trong đó 8 cửa phục vụ code F như Airbus A380, 20 cửa dành cho tàu bay code E, kích cỡ tương đương Boeing 747. SAT-1 có khả năng đáp ứng 15 triệu hành khách mỗi năm, dự kiến tăng 30% tổng công suất của sân bay lên mức 60 triệu hành khách mỗi năm.

project-suvarnabhumi-airport-3.jpg
Có quy mô lớn và công nghệ hiện đại nhưng sân bay Suvarnabhumi vẫn không đáp ứng được nhu cầu của hành khách đến Thái Lan. Ảnh: OC Global.

Sân bay này khánh thành một đường cất hạ cánh mới vào năm nay và có kế hoạch xây dựng nhà ga vệ tinh thứ 2 cùng một đường cất hạ cánh khác vào năm 2030, tăng công suất lên 150 triệu hành khách mỗi năm. Kế hoạch mở rộng Suvarnabhumi sẽ tiêu tốn khoảng 7 tỷ USD.

Chính phủ Thái Lan cũng đang xây dựng một nhà ga mới tại Don Mueang, một sân bay khác của Bangkok. Sân bay này đóng cửa khi Suvarnabhumi đi vào hoạt động vào năm 2006, sau đó chuyển thành cảng hàng không cho các chuyến bay giá rẻ.

Kế hoạch xây dựng đô thị sân bay xung quanh sân bay U-Tapao, nằm gần Pattaya, cũng đã được chính quyền Thái Lan phê duyệt. Sân bay này có thể xử lý tới 60 triệu hành khách mỗi năm. Một tuyến đường sắt cao tốc sẽ kết nối U-Tapao với các sân bay hiện có của Bangkok.

Ngoài ra, một số sân bay mới đang được lên kế hoạch xây dựng tại thành phố lớn thứ hai của Thái Lan là Chiang Mai và trên đảo Phuket. Cả hai nơi này đều đã có sân bay. Khoản đầu tư vào các kế hoạch mở rộng sân bay của Thái Lan sẽ lên tới hàng chục tỷ USD.

Tham vọng cất cánh của Campuchia

Campuchia đang xây dựng một sân bay mới phục vụ thủ đô Phnom Penh. Techo Takhmao, sân bay quốc tế quy mô siêu lớn, đang được xây dựng cách Phnom Penh khoảng 20 km về phía nam.

Với chi phí khoảng 1,5 tỷ USD, sân bay ban đầu sẽ phục vụ 13 triệu hành khách. Con số này dự kiến tăng lên 30 triệu hành khách vào năm 2030.

feature-image-tech-takhmao-international-airport.jpg
Techo Takhmao sẽ được xếp hạng là sân bay lớn thứ chín trên toàn cầu khi hoàn tất thi công. Ảnh: Airport Technology.

Tháng 9/2023, sân bay quốc tế Siem Reap-Angkor bắt đầu hoạt động sau 3 năm xây dựng với chi phí khoảng 1 tỷ USD. Sân bay mới rộng 700 ha này cách Siem Reap khoảng 40 km và được phát triển bởi một liên doanh các công ty nhà nước Trung Quốc.

Hàng triệu du khách đến Siem Reap mỗi năm chủ yếu để tham quan di tích Angkor Wat, quần thể đền thờ rộng lớn và là điểm thu hút khách du lịch đông nhất của Campuchia.

Các sân bay mới của Campuchia sẽ giúp thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng của du lịch và giúp đất nước này đạt được tham vọng trở thành trung tâm sản xuất và kinh doanh của khu vực.

Malaysia mở rộng năng lực

Malaysia cũng đang lên kế hoạch xây dựng các sân bay mới và cải tạo các cơ sở hiện có. Nước này đặt mục tiêu phục vụ 150 triệu hành khách tại các sân bay của mình vào năm 2030, gấp đôi năng lực hiện tại.

Tình trạng quá tải hành khách đã thúc đẩy việc Malaysia nâng cấp sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Đây là sân bay có diện tích lớn nhất Đông Nam Á và cũng là sân bay duy nhất trong khu vực có 2 tháp không lưu đều nằm trong danh sách cao nhất thế giới.

klia_mtb_tower.jpg
Dù là sân bay lớn nhất trong khu vực, Kuala Lumpur vẫn được tiếp tục nâng cấp. Ảnh: Airport Worldwide.

Các hạng mục nâng cấp sân bay 25 năm tuổi này bao gồm dịch vụ gửi hành lý tự động, thiết kế lại quầy làm thủ tục, các tuyến vận chuyển liên nhà ga mới, hệ thống phòng chờ cũng như các cửa hàng ăn uống. Việc nâng cấp bắt đầu vào năm 2026.

Năm nay Malaysia cũng bắt đầu xây dựng sân bay mới tại thành phố Kuantan. Sân bay sẽ có các dịch vụ bảo trì, sửa chữa, đại tu cũng như các yếu tố thương mại và công nghiệp khác.

Sân bay quốc tế Penang cũng bắt đầu mở rộng vào năm nay, với mục tiêu tăng công suất từ ​​6,5 triệu hành khách mỗi năm lên 12 triệu hành khách mỗi năm.

Singapore tiếp tục mở rộng sân bay tốt nhất thế giới

Chất lượng dịch vụ tại sân bay Changi của Singapore từ lâu được coi là tốt nhất thế giới. Trong bảng xếp hạng của Skytrax, Changi 13 lần đứng đầu danh sách sân bay tốt nhất toàn cầu.

Công suất của sân bay đã đã tăng lên sau khi nhà ga T2 được tân trang và mở rộng vào tháng 11/2023. Sân bay hiện có thể phục vụ 95 triệu hành khách mỗi năm.

Aerial View of T5
Nhà ga T5 là kế hoạch mở rộng lớn nhất của sân bay Changi. Ảnh: Changi Airport.

Kế hoạch xây dựng nhà ga T5 cũng được tiết lộ vào năm 2023. Việc xây dựng sẽ bắt đầu vào khoảng năm 2025. Khi đi vào hoạt động từ giữa những năm 2030, nhà ga T5 có thể phục vụ tới 50 triệu hành khách mỗi năm, con số này lớn hơn công suất T1 và T3 cộng lại.

Nhà ga T5 nằm trong dự án phát triển Changi East rộng 1.080 ha, là dự án mở rộng lớn nhất của sân bay Changi cho đến nay.

Philippines và Indonesia xây dựng sân bay mới phục vụ thủ đô

Philippines đang đầu tư mạnh vào việc phát triển sân bay quốc tế New Manila, còn được gọi là sân bay quốc tế Bulacan.

Dự án được xây dựng trên khu vực ven biển cách thủ đô Manila 35 km về phía bắc. Việc khai hoang đất cho dự án đã bắt đầu vào cuối năm 2023.

Sân bay sẽ được phát triển theo từng giai đoạn, với công suất ban đầu là 35 triệu hành khách mỗi năm và mục tiêu là 100 triệu hành khách mỗi năm sau khi hoàn thành toàn bộ.

Cropped-1611757849WhatsApp Image 2021-01-27 at 12.11.01re2
Sau khi được hoàn thành, New Manila sẽ là một trong những sân bay có diện tích lớn nhất thế giới. Ảnh: Nikkei Asia.

Theo một số báo cáo, dự án trị giá 5 tỷ USD này sẽ tạo ra khoảng một triệu việc làm mới, cả trực tiếp và gián tiếp.

Ngoài ra, Chính phủ Philippines có kế hoạch xây dựng các sân bay mới hoặc cải tạo các cơ sở hiện có trên khắp cả nước để ứng phó với nhu cầu tăng lưu lượng hành khách quốc tế và trong nước.

Trong khi đó, Indonesia đã xây dựng được 25 sân bay mới và cải tạo 38 sân bay hiện có trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2023. Nhưng đất nước này đặt mục tiêu phát triển ngành hàng không mạnh mẽ hơn nữa.

Xây dựng sân bay mới để phục vụ thủ đô tương lai Nusantara trên đảo Borneo là dự án hạ tầng hàng không mới nhất của Indonesia. Sân bay này nằm cách trung tâm thành phố khoảng 15 km và có diện tích hơn 688 ha, sẽ đi vào hoạt động hoàn toàn vào cuối năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á xây dựng sân bay tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO